Các doanh nghiệp xuất khẩu trên lý thuyết sẽ hưởng lợi nhiều nhờ USD tăng giá, nhưng thực tế cũng gặp không ít ngổn ngang.
Vui chưa tới lại đâm lo của DN xuất khẩu
Nói về vấn đề tỷ giá tăng nóng trong thời gian gần đây, ông Nguyễn Ngọc Luận, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại Toàn cầu (sở hữu thương hiệu cà phê nông sản Meetmore), cho biết đúng là tỷ giá tăng thời gian qua có tác động tích cực đến các DN xuất khẩu, trong đó có Meetmore, nhưng do nguyên liệu đầu vào hiện tăng quá cao, nên tác động từ tỷ giá cũng không thấm vào đâu, thậm chí DN càng xuất càng lỗ.
Cho đến thời điểm hiện tại, giá cà phê nguyên liệu đã tăng 3-4 lần so với cùng kỳ, trong khi DN vẫn phải trả đơn hàng đã ký với giá thấp trước đó nên rất khó khăn.
“Hợp đồng cũ phải hoàn tất, ký hợp đồng mới cũng rất thách thức. Lý do khi ký mới cũng chỉ có thể tăng giá bán từ 5-10% để khách hàng có thể chấp nhận từ từ, trong khi nếu tính đúng giá bán phải tăng tới 40% mới bù đắp được chi phí đầu vào tăng cao, còn nếu không ký hợp đồng mới khi hết đơn cũ, DN coi như tạm ngưng hoạt động cũng không thể được” – ông Luận lo lắng.
Trước câu hỏi DN có thể trữ nguyên liệu phục vụ cho các đơn hàng sắp tới, ông Luận cho biết rất khó. Thứ nhất là tình hình nguyên liệu đang khan hiếm. Thứ hai có hiện tượng đầu cơ gom hàng, đẩy giá lên cao. “Lúc này DN rất cần sự vào cuộc hỗ trợ của phía hiệp hội cũng như các bộ ngành liên quan, để giải quyết phần nào khó khăn trong câu chuyện nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, xuất khẩu” – ông Luận kiến nghị.
Cũng xuất khẩu các sản phẩm từ nông sản, ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm G.C (G.C Food), cho biết trước các biến động địa chính trị cũng như chi phí logistics tăng cao, khách hàng từ Trung Đông và châu Âu đang giảm nhập khẩu. Trong khi đó, các thị trường chính của G.C Food như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Đông Nam Á, muốn giữ khách hàng, đơn hàng G.C Food phải giảm giá bán.
Nguyên nhân bởi giá các đồng nội tệ như yên Nhật cũng đang mất giá, nên nhà nhập khẩu cũng bị áp lực lớn, và để giảm bớt áp lực họ luôn đề nghị nhà xuất khẩu như G.C Food giảm giá bán hàng hóa. Chính điều này khiến lợi nhuận của DN giảm.
Với một số nhóm ngành xuất khẩu khác như dệt may, thực tế cũng không hưởng lợi quá nhiều từ tỷ giá. Bởi ngoài việc nguyên liệu phục vụ cho sản xuất, xuất khẩu phải nhập khẩu có giá cao, thì đơn hàng của ngành may giá lại không tăng, chưa kể chi phí logistics tăng cũng đang tác động đến các DN.
Thông thường các DN ngành may xuất FOB, chịu trách nhiệm đến cảng, nhưng khi phí logistics tăng nhà nhập khẩu cũng yêu cầu bên bán phải chia sẻ gánh nặng này, tất cả khiến cho lợi nhuận của DN cũng bị giảm theo.
Với một số thị trường xuất khẩu khó tính như châu Âu, DN còn phải chịu áp lực lớn về các yêu cầu xanh, sạch của sản phẩm và quy trình sản xuất, nên DN đang phải chịu tác động kép khiến khó chồng khó. Thực tế, sau quý I, nhiều ngành hàng xuất khẩu như dệt may, da giày hay thủy sản… đều ghi nhận tăng trưởng so với cùng kỳ.
Đây là tín hiệu tích cực, song nó cũng chưa thể phản ánh rõ tình hình phục hồi của thị trường. Hầu hết các DN đều cho biết ít nhất phải qua quý II mới có thể nhìn rõ hơn sự phục hồi của các thị trường xuất khẩu chính.
Áp lực lớn cho DN nhập khẩu
Khác với mảng xuất khẩu, việc tỷ giá tăng mạnh khiến cho các DN phải nhập khẩu nguyên liệu sản xuất hàng hóa tiêu thụ tại thị trường nội địa gặp khá nhiều áp lực. Chia sẻ về tình hình của các DN, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM, cho hay giá nguyên liệu nhập khẩu đầu vào tăng lý ra DN phải tăng giá bán hàng hóa ra thị trường. Song do sức mua yếu, nên DN không thể tăng giá, thậm chí còn phải tham gia vào nhiều chương trình kích cầu mua sắm để kích thích sức mua nên chịu không ít áp lực, lợi nhuận của DN đang trong xu thế giảm.
Một DN chuyên kinh doanh các loại bột cho biết, đang phải gồng mình giữ giá do nguyên liệu chính để sản xuất đều phải nhập khẩu bằng đồng bạc xanh. Nhưng nếu đà tăng của tỷ giá trong vài tháng tới vẫn duy trì, dù thị trường khó DN cũng buộc phải tăng giá bán để cân đối chi phí.
Không chỉ ngành thực phẩm, DN tiêu dùng chịu áp lực mà một số lĩnh vực công nghiệp như thép cũng không tránh được tác động từ tỷ giá. Trả lời cổ đông tại cuộc họp ĐHCĐ thường niên 2024, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát, cho biết tập đoàn bị ảnh hưởng lớn bởi tỷ giá leo thang, quý đầu năm có thể phải trích lập dự phòng tỷ giá khoảng 200 tỷ đồng. Nguyên nhân do nguyên liệu của tập đoàn chủ yếu nhập khẩu, trong khi tiêu thụ chính nội địa. Mặt khác, Hòa Phát duy trì tỷ trọng nợ vay nước ngoài nhất định trong cơ cấu nợ vay.
Thêm một thí dụ nữa về áp lực khi tỷ giá biến động là câu chuyện được chia sẻ bởi Vietnam Airlines. Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô hồi giữa tháng 3 vừa qua, ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines, cho biết biến động tỷ giá 1% thì ngành hàng không cũng mất 300 tỷ đồng, nếu 5% thì chi phí tăng lên 1.500 tỷ đồng. Do đó, Vietnam Airlines rất mong muốn tỷ giá ổn định, ở mức thấp nhất có thể.
Có thể thấy, áp lực từ biến động tỷ giá là không nhỏ. Ngay cả với xuất khẩu tưởng sẽ hưởng lợi nhưng thực tế không lợi nhiều. Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Thống kê, 4 tháng đầu năm 2024 cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 8,4 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 7,66 tỷ USD).
Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 8,24 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 16,64 tỷ USD. Điều này cho thấy nếu tỷ giá tăng nhóm DN hưởng lợi chủ yếu là nhóm FDI, còn DN trong nước thiệt nhiều hơn do nhập siêu vẫn rất lớn.
Để khắc phục tình trạng khó khăn, DN cần tối đa hóa nguồn lực nội địa, tìm kiếm đối tác trong nước giảm dần sự phụ thuộc vào thị trường nhập khẩu. Tuy nhiên, điều này thực tế lại không hề đơn giản bởi có những mặt hàng DN không tìm kiếm thị trường thay thế “một sớm một chiều”. |