Củ Chi có trở thành Silicon Valley Việt Nam?

Trong một lần gặp mặt, một người quen, nguyên là lãnh đạo huyện Củ Chi (TPHCM) có hỏi tôi thông tin về trung tâm dữ liệu lớn nhất Việt Nam sẽ được đặt tại Củ Chi có thật không và hình hài nó ra sao? Rồi bao giờ thì Củ Chi cất cánh?

Câu hỏi đó không phải chỉ của cá nhân mà dường như là thay cho hàng trăm ngàn người dân Củ Chi và nó được lặp đi lặp lại nhiều lần với niềm hy vọng và rồi lại thất vọng. Công bằng mà nói Củ Chi là huyện rất có tiềm năng phát triển của TPHCM. Huyện Củ Chi có diện tích 435km2, lớn thứ 2 ở TPHCM sau Cần Giờ (704km2), nhưng dân số khá khiêm tốn với khoảng 400.000 người.

Củ Chi có quỹ đất còn tương đối dồi dào, khả năng chuyển đổi còn khoảng 60%. Củ Chi có nền đất cứng, bình độ cao, đặc biệt có lợi thế là tiếp giáp với những vùng đang phát triển sôi động của Long An và Bình Dương. Ngoài ra Củ Chi còn có lợi thế về mặt xã hội khi nơi đây nổi tiếng với những làng nghề truyền thống như bánh tráng, bò tơ, mắm chua, đan lát, đờn ca tài tử, di tích lịch sử, rừng sinh thái… Tất cả kết hợp lại làm cho Củ Chi trở nên cực kỳ hấp dẫn.

Nhưng tiếc thay cho đến nay, vùng đất này vẫn cứ nằm trong dạng tiềm năng, dù mảnh đất này có không ít lần dậy sóng nhờ bất động sản. Còn nhớ năm 1998, tức là cách nay chừng 25 năm, đề án xây dựng đô thị vệ tinh ở Tây Bắc Củ Chi (có một phần của Hóc Môn) được công bố với diện tích hơn 6.000ha cho hơn 300.000 dân (sau này điều chỉnh còn 4.500ha, dân số nâng lên là 600.000) tạo nên một đợt sóng dữ dội.

Đến năm 2003, Củ Chi có thêm một lần dậy sóng nhờ dự án khu công viên Saigon Safari (diện tích 456,85ha) với mức đầu tư hơn 500 triệu USD được kỳ vọng là khu công viên sinh thái tự nhiên lớn nhất Đông Nam Á. Saigon Safari có chức năng bảo tồn, trưng bày, nhân giống các loài thú và giống cây quý hiếm trên thế giới.

Năm 2008, Tập đoàn Berjaya (Malaysia) đầu tư vào Hóc Môn và một phần Củ Chi dự án đô thị đại học lớn nhất Đông Nam Á trên diện tích 930ha với mức đầu tư khủng gần 4 tỷ USD. Dự án này khiến người dân 2 huyện Hóc Môn, Củ Chi tưởng chừng sẽ được “đổi đời”, nhưng rồi nó “lịm dần” rồi “chết yểu”.

Gần đây nhất là vào năm 2022, Củ Chi lại trở nên cực kỳ sôi động, trở thành tâm điểm chú ý của dư luận xã hội, và các nhà đầu tư lớn nhỏ. Tình hình diễn ra sôi “sùng sục”, khi truyền thông, báo chí đưa tin Củ Chi sẽ tiến thẳng lên thành phố, đặc biệt là khi UBND TPHCM tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư vào huyện Hóc Môn và Củ Chi vào ngày 12-4 với sự tham dự của nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên.

Tại hội nghị này, UBND TPHCM mời gọi đầu tư 55 dự án với tổng vốn dự kiến hơn 12 tỷ USD (tương đương hơn 285.000 tỷ đồng); trao 10 giấy phép đầu tư cho các doanh nghiệp; 31 biên bản ghi nhớ đầu tư được ký kết với số tiền hàng trăm ngàn tỷ đồng…

Những thông tin này khiến cho thị trường bất động sản Củ Chi nóng lên từng ngày. Nhà đầu tư, môi giới ồ ạt kéo về Củ Chi khiến cho giá đất không ngừng tăng sốc. Tuy nhiên, chỉ 3 tháng sau, thị trường bất động sản Củ Chi lại bất ngờ yên ắng trở lại như chưa có gì xảy ra.

Câu hỏi quan trọng đặt ra ở đây là tại sao một vùng đất đầy tiềm năng như thế mà cứ “lình xình” không thể phát triển bền vững? Câu trả lời đầu tiên có lẽ là vấn đề cơ sở hạ tầng. Thực tế, vùng đất Tây Bắc TPHCM (gồm Hóc Môn, Củ Chi) có cơ sở hạ tầng giao thông chưa tốt bằng nơi khác.

Do vậy, các nhà đầu tư nhìn nhau và chờ đợi khi nào cơ sở hạ tầng kỹ thuật tốt lên sẽ đến, không ai muốn là nhà đầu tư tiên phong đóng vai trò khai phá, mở đường. Trong bối cảnh như thế thông tin Trung tâm dữ liệu lớn ra đời được coi như là một tín hiệu tốt cho Củ Chi.

Ngày 26-4 vừa qua, hội thảo Nghiên cứu giải pháp phát triển kinh tế số do Sở TT-TT TPHCM phối hợp Đại học Kinh tế TPHCM tổ chức. Tại hội thảo này, ông Nguyễn Hữu Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Giải pháp Miền Nam công bố một thông tin vô cùng hấp dẫn. Theo đó, năm 2025, Viettel sẽ đầu tư xây dựng một trung tâm dữ liệu lớn nhất Việt Nam tại Củ Chi. Đây không chỉ là thông tin quan trọng cho Viettel mà thực sự là thông tin làm “xôn xao” thị trường bất động sản đang “đóng băng” Củ Chi.

Lâu nay ai cũng biết Viettel là công ty viễn thông quân đội có tầm vóc và quy mô lớn nhất Việt Nam. Viettel là tập đoàn kinh tế uy tín, nói là làm, cho nên người dân Củ Chi không lo ngại thông tin “bánh vẽ” nữa. Một khi trung tâm dữ liệu lớn nhất quốc gia ra đời sẽ kéo theo một loạt những nhà đầu tư khác vào cuộc.

Bởi muốn có được trung tâm dữ liệu lớn nhất quốc gia hoạt động thì phải có rất nhiều lĩnh vực phụ trợ khác. Giám đốc Sở TT-TT TPHCM Lâm Đình Thắng cũng xác quyết rằng ngoài trung tâm dữ liệu lớn của Viettel thì TPHCM cần thêm 3 trung tâm dữ liệu nữa cho nên phải quy hoạch sao cho đồng bộ, đồng thời khuyến nghị TPHCM cần thu hút thêm nhiều doanh nghiệp nhập cuộc trên địa bàn để mang lại một thực trạng mới.

Còn nhớ, trước 1970, vịnh San Francisco (Mỹ) là một vùng đất chưa phát triển, nhưng từ sau khi Silicon Valley (Thung lũng Silicon) ra đời đã làm thay đổi hoàn toàn vùng đất này biến nó trở thành một thành phố sầm uất, giàu có bậc nhất nước Mỹ. Nơi đây tập hợp các tập đoàn công nghệ hàng đầu trên thế giới như Google, Apple, Facebook… và nhiều công ty công nghệ trên các lĩnh vực khác.

Chính Silicon Valley đã đóng vai trò chính làm thay đổi toàn bộ diện mạo và đời sống của nhân loại, làm cho thế giới trở nên phẳng, cho con người bước hẳn vào thế giới số, năng suất lao động nhảy vọt. Từ dẫn chứng này, chúng ta có quyền hy vọng, nếu Viettel “nhảy” vào Củ Chi chắc chắn vùng đất này sẽ có một diện mạo mới, chất lượng sống mới.

Theo DTTC SG