Thị trường pin lưu trữ năng lượng toàn cầu đang phát triển nhanh chóng do nhu cầu cần thiết trong việc lưu trữ năng lượng. Dự báo cho thấy thị trường pin lưu trữ sẽ tăng trưởng đồng thời với sự chuyển đổi ngày càng lớn sang xe điện và năng lượng tái tạo.
Cần phát triển hệ thống lưu trữ năng lượng
Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 (Quy hoạch điện VIII), nhu cầu điện toàn quốc tới năm 2030 vào khoảng 505 tỉ kWh. Để đáp ứng được nhu cầu điện này, dự kiến cần có khoảng 150.000 MW công suất nguồn điện.
Quy hoạch điện VIII cũng đã định hướng phát triển cơ cấu nguồn điện theo hướng giảm dần các nguồn năng lượng hóa thạch. Dự kiến vào năm 2030 tổng công suất nguồn điện gió và mặt trời vào khoảng 41GW, chiếm gần 27% công suất đặt toàn hệ thống.
Tuy nhiên, hiện nay, các nhà máy điện mặt trời gặp phải một vấn đề là thời gian phát chỉ cố định trong một khung giờ nhất định (từ hơn 7h sáng đến gần 17h chiều, đạt đỉnh công suất trong khoảng từ 11 – 14h30 tùy vào vị trí địa lý). Điều này dẫn đến một lượng lớn công suất trong thời gian phát công suất đỉnh của điện mặt trời trở nên dư thừa và rất lãng phí.
Trao đổi với Lao Động, TS Ngô Đức Lâm – nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết, phương pháp tối ưu để điện mặt trời mái nhà dư thừa được huy động lên lưới, đó là cần phát triển công nghệ lưu trữ điện năng. Bởi bản chất của công nghệ lưu trữ điện năng là lưu trữ điện lúc dư thừa (giờ thấp điểm) và phát lại vào giờ cao điểm. Chỉ có lưu trữ điện mới loại bỏ hoàn toàn các loại hình phát điện dùng nhiên liệu hóa thạch trong tương lai.
Cần cơ chế mở hơn nữa
Bà Sunita Dubey – Quản lý dự án quốc gia (Country Delivery Lead) tại Việt Nam, Liên minh Năng lượng Toàn cầu vì Con người và Hành tinh (GEAPP) cho hay, trong những năm gần đây, năng lượng tái tạo tại Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc và trở thành điểm sáng khu vực cũng như trên thế giới. Đặc biệt, Việt Nam cũng thể hiện tinh thần, trách nhiệm đối với quá trình giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu bằng những cam kết cụ thể tại COP 26.
Quá trình này vẫn đang tiếp tục được các lãnh đạo Nhà nước Việt Nam thúc đẩy mạnh mẽ cả từ bên trong, bên ngoài và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
“Việc tích hợp hệ thống lưu trữ năng lượng bằng pin vào cơ sở hạ tầng năng lượng tại Việt Nam hứa hẹn sẽ tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi năng lượng hóa thạch sang năng lượng sạch.
Bằng cách lưu trữ năng lượng dư thừa trong thời kỳ nhu cầu sử dụng đang thấp và giải phóng năng lượng trong giai đoạn cao điểm, hệ thống lưu trữ năng lượng bằng pin có thể tăng cường tính linh hoạt của lưới điện, giảm lượng khí thải và giảm chi phí điện. Tuy nhiên, để tối ưu hóa những lợi ích này, Việt Nam phải đẩy nhanh việc triển khai hệ thống lưu trữ năng lượng bằng pin và thực hiện thêm các chính sách, quy định nhằm hỗ trợ”, bà Sunita Dubey nói.
Theo bà Sunita Dubey, mặc dù Việt Nam đã triển khai những bước đầu trên hành trình chuyển đổi năng lượng bằng cách đưa mục tiêu đạt 300 MW năng lượng dự trữ bằng pin vào Quy hoạch điện VIII, thế, nhưng vẫn cần triển khai thêm nhiều hành động mạnh mẽ hơn nữa.
Bằng cách học hỏi kinh nghiệm của các nước láng giềng đã chủ động tích hợp hệ thống lưu trữ năng lượng bằng pin vào việc sản xuất năng lượng tái tạo như Indonesia, Thái Lan và Philippines, Việt Nam có thể đẩy nhanh quá trình hướng đến tương lai phát triển năng lượng bền vững.
“Chi phí pin lithium ngày càng giảm đi liền với những tiến bộ công nghệ đã giúp hệ thống lưu trữ năng lượng bằng pin có giá cả phải chăng và dễ tiếp cận. Việt Nam cũng nên tận dụng xu hướng này để thu hút đầu tư, tạo thêm việc làm liên quan đến năng lượng xanh. Bằng cách khai thác năng lượng tái tạo cho các quy trình sản xuất, Việt Nam có thể sản xuất các sản phẩm bền vững, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh kinh tế trên thị trường quốc tế”, bà nói.