Phim có Trương Thế Vinh, Lương Bích Hữu: Kịch bản ‘đầu voi đuôi chuột’

Phim Việt “Án mạng lầu 4” – có Trương Thế Vinh, Lương Bích Hữu đóng chính – tạo ấn tượng tốt với ý tưởng hấp dẫn. Tuy nhiên, cách triển khai câu chuyện và diễn xuất đều chưa thuyết phục.

Án mạng lầu 4 là phim Việt đầu tiên ra rạp trong tháng 5, gây chú ý vì có hai ngôi sao Trương Thế Vinh và Lương Bích Hữu đóng chính.

Dự án thuộc thể loại hình sự, giật gân, hứa hẹn mang đến làn gió mới cho điện ảnh Việt vốn đang có quá nhiều phim hài, tình cảm gia đình.

Từ poster đến trailer đều tạo được sự tò mò nhất định với khán giả. Song, tác phẩm lại chưa thuyết phục vì cách dẫn dắt còn thiếu hấp dẫn, diễn xuất cũng kém ấn tượng.

“Đầu voi đuôi chuột”

Chuyện phim kể về hai vợ chồng trẻ Thắng (Trương Thế Vinh) và Đình Đình (Lương Bích Hữu). Sau một thời gian chung sống, cả hai quyết định thực hiện ước mơ chuyển đến Canada để định cư.

Trước ngày họ ra sân bay, một phụ nữ trung niên lạ mặt (Kiều Trinh) bất ngờ gõ cửa căn hộ, nhờ trông hộ một bé sơ sinh tên Mina.

Một lúc sau, Thắng phát hiện Mina đã ngừng thở, nằm bất động trong căn phòng. Đình Đình gợi ý gọi cảnh sát nhưng chồng cô không đồng ý. Giữa tình thế đó, cả hai phải tìm cách thoát khỏi sự nghi ngờ, đồng thời chứng minh mình trong sạch.

Lương Bích Hữu và Trương Thế Vinh vào vai vợ chồng trong phim.

Kịch bản được làm lại từ phim Iran Melbourne (2014) của đạo diễn Nima Javidi. Bản Việt bám khá sát ý tưởng của nguyên tác, nhưng có một số thay đổi về tình tiết để phù hợp với bối cảnh nước ta.

Phim có mở đầu khá hứa hẹn với cách dẫn nhập trực tiếp, đi thẳng vào vấn đề. Trong nửa tiếng đầu, người xem dễ dàng cảm nhận nỗi sợ mà hai vợ chồng Thắng – Đình Đình đang phải đối mặt. Lời thoại dồn dập và bối cảnh căn hộ chật chội càng tạo nên không khí căng thẳng cần có.

Tuy nhiên, ở nửa sau phim tụt phong độ, không còn hồi hộp mà dần trở nên lan man, thiếu điểm nhấn. Câu chuyện cũng không khai thác quá trình đi tìm sự thật, chủ yếu tập trung vào diễn biến tâm lý của nhân vật.

Ngồi ghế đạo diễn phim là Nguyễn Hữu Tuấn – nổi tiếng với Dành cho tháng Sáu (2012). Ở tác phẩm trước, nhà làm phim chọn chủ đề học đường, mang màu sắc nhẹ nhàng và tươi sáng. Lần này, anh quyết định chuyển hướng sang một câu chuyện đen tối và căng thẳng hơn.

Tuy nhiên, cách dẫn dắt của Nguyễn Hữu Tuấn chưa tốt, khiến câu chuyện bị mất sức hút.

Đạo diễn cũng chưa thể tận dụng được bối cảnh căn hộ. Nhiều góc máy còn đơn giản, tạo cảm giác bị lặp lại, khiến phần nhìn của phim có phần thua thiệt so với nhiều phim Việt ra mắt cùng thời điểm.

Một vài hình ảnh trong phim.

Tính cách và hành động của các nhân vật chưa thể chạm được đến người xem. Các quyết định của Thắng hay Đình Đình dễ gây khó chịu thay vì tạo sự cảm thông.

Trong thời lượng 106 phút, tác phẩm đặt ra nhiều vấn đề nhưng lại chưa thể kết nối các sự kiện với nhau. Một số tình tiết còn mang tính khiên cưỡng, chủ yếu để dồn nhân vật chính vào thế bí. Tất cả dẫn đến cái kết lửng lơ, thiếu thuyết phục.

Diễn xuất chưa ấn tượng

Trương Thế Vinh và Lương Bích Hữu là nhân tố giúp tác phẩm được chú ý. Tuy nhiên, cả hai đều chưa thể hiện được kỹ năng diễn xuất lẫn khai thác tâm lý nhân vật.

Ở đoạn đầu, Trương Thế Vinh diễn tự nhiên nhưng càng về sau anh càng đuối sức. Trong những tình huống căng thẳng, lối diễn của anh còn hời hợt, thiếu chiều sâu.

Đây cũng là tác phẩm đánh dấu sự trở lại của Lương Bích Hữu với diễn xuất, sau phim truyền hình Chuyện tình làng hoa (2011). Đáng tiếc, cô chưa để lại nhiều ấn tượng với nhân vật người vợ nhu nhược, thiếu quyết đoán.

Lương Bích Hữu chưa để lại nhiều ấn tượng khi trở lại với diễn xuất.

Phim còn có sự xuất hiện của rapper Blacka. Song, anh chỉ đóng một vai phụ nhạt nhòa, không tạo được nhiều thiện cảm.

Ngoài ra, lời thoại cũng là điểm trừ khiến câu chuyện giảm đi sự cuốn hút. Nhiều câu nói còn mang tính sách vở, thiếu sự chân thật làm bộ phim mất dần cảm xúc.

Án mạng lầu 4 ra mắt vào thời điểm không thuận lợi. Trước đó, nhiều phim Việt đều rơi vào cảnh thua lỗ nặng nề như Đóa hoa mong manh, B4S: Trước giờ yêuCái giá của hạnh phúc.

Tác phẩm phải cạnh tranh với Lật mặt 7: Một điều ước của Lý Hải, cùng loạt phim ngoại như bom tấn Hành tinh khỉ: Vương quốc mới, Những người bạn tưởng tượng, phim kinh dị Abigail, hoạt hình Haikyu!!: Trận chiến bãi phế liệu…

Bản thân Trương Thế Vinh và Lương Bích Hữu chưa phải là những cái tên quá hút khách ở rạp Việt. Thể loại hình sự, giật gân lại cũng không được khán giả quá chú ý.

Do đó, trong ngày đầu phát hành, doanh thu Án mạng lầu 4 chưa vượt qua con số một tỷ đồng theo thống kê của Box Office Vietnam (đơn vị quan sát phòng vé độc lập). Nhiều khả năng phim khó đạt mức doanh thu ấn tượng, nhất là khi mùa phim hè của Hollywood đang rục rịch bắt đầu.

Nhìn chung, Án mạng lầu 4 có ý tưởng tốt nhưng cách triển khai chưa hấp dẫn. Đây cũng là một ví dụ cho thấy không phải cứ remake (làm lại) từ phim nước ngoài là sẽ thành công.

Theo Tiền Phong