“Trị” chênh lệch giá vàng không chỉ dựa vào việc nhập khẩu vàng để bình ổn giá, thậm chí nhập khẩu ồ ạt có thể đi chệch mục tiêu và gây lãng phí nguồn lực dự trữ quốc gia. Quản lý thị trường vàng phải để nó vận hành theo cơ chế thị trường, chứ không thể bằng công cụ hành chính hay mệnh lệnh.
Không lẽ cứ để giá vàng “nhảy múa”
Suốt từ tháng 12-2023 tới nay, Chính phủ liên tục có các chỉ đạo về quản lý, ổn định thị trường vàng. Và cũng đã có nhiều hội thảo, tọa đàm tìm biện pháp với vàng cũng đã diễn ra. Gần đây nhất, giá vàng cũng là vấn đề chiếm nhiều thời gian tại Phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tại phiên họp này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đã nói: “Không lẽ cứ để giá vàng nhảy múa thế?”.
Giá vàng cũng là nội dung chiếm nhiều thời gian trong phần giải trình tại phiên họp này của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái. Ông cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng “hết sức đau đầu” vấn đề này. Ngay ngày hôm sau, ngày 14-5, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã họp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các bộ ngành liên quan về công tác quản lý thị trường vàng.
Trước đó, Chính phủ đã liên tiếp có các chỉ đạo về quản lý thị trường và hoạt động kinh doanh vàng, đều yêu cầu tăng cường hiệu quả các giải pháp quản lý thị trường vàng, khắc phục ngay tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá vàng quốc tế chênh lệch ở mức cao.
Vẫn biết giá vàng trong nước phụ thuộc vào giá vàng thế giới. Giá vàng thế giới vẫn trong xu hướng tăng cao, khó lường nên giá trong nước cũng tăng. Và nói như Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà, nguồn cung vàng trong nước hạn chế cũng khiến giá vàng trong nước ở mức chênh lệch cao so với giá vàng quốc tế. Vì thiếu nguồn cung nên cần tăng cung cho thị trường. NHNN tiếp tục tổ chức các phiên đấu thầu để tăng nguồn cung, ổn định giá cả, thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng SJC và giá vàng quốc tế.
Vậy nhưng, sau 7 phiên đấu thầu, giá vàng miếng trong nước vẫn chênh lệch với giá thế giới gần 20 triệu đồng mỗi lượng. GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội cho rằng, đấu thầu vàng chưa thành công ở cả hai phương diện tăng cung ổn định giá và giảm chêch lệch với giá thế giới. Chúng ta cần phải xem lại cơ chế điều tiết cung cầu vàng thông qua đấu thầu như thế này đã phù hợp chưa. Đấu thầu vàng chỉ là biện pháp tình thế để đẩy nguồn cung. Đấu thầu không phải là giải pháp căn bản lâu dài để điều chỉnh thị trường vàng.
Nhưng quan điểm về nhập khẩu vàng lại có những ý kiến khác nhau, bởi không phải cứ Nhà nước cho phép nhập vàng để gia công thành vàng miếng bán ra thị trường thì sẽ tăng cung, giảm được chênh lệch giá với thế giới. Ngược lại, khi cầu vàng trong dân không giảm, nếu tiếp tục nhập khẩu vàng để tăng cung theo cầu sẽ gây ra những rủi ro nhất định cho nền kinh tế.
Kênh trú ẩn an toàn nhưng rủi ro
TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương phân tích, NHNN khi nhập khẩu vàng là dùng đến dự trữ ngoại tệ quốc gia. Kể cả khi doanh nghiệp được nhập khẩu, tự cân đối có nguồn ngoại tệ để nhập vàng, việc nhập khẩu càng nhiều càng khiến ngoại tệ ra khỏi quốc gia.
Từ đó gia tăng sức ép với tỷ giá, vốn đã tăng cao. Để ổn định thị trường vàng, cần phải có các giải pháp đồng bộ cùng với đó là phải khơi thông được các thị trường khác, mở thêm nhiều kênh đầu tư khác. Khi có các kênh đầu tư khác có lợi và an toàn, người dân sẽ không đổ xô mua vàng nữa, khi đó cầu về vàng sẽ bớt nóng.
TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách cho rằng, “trị” chênh lệch giá vàng không thể chỉ dựa vào việc nhập khẩu vàng ồ ạt để bình ổn giá, thậm chí có thể đi chệch mục tiêu và gây lãng phí nguồn lực dự trữ quốc gia. Cần cân nhắc các công cụ giám sát thị trường, đảm bảo sự minh bạch, chống thao túng giá, ngoài ra các công cụ chính sách tiền tệ có thể phải cân nhắc trong phạm vi và phù hợp với bối cảnh vĩ mô cũng như khả năng của nền kinh tế.
Tỷ giá, giá vàng và bong bóng tài sản có thể tăng áp lực lạm phát trong năm 2024. Hiện tỷ giá VNĐ/USD tăng 4,4%, giá vàng trong nước đạt mức kỷ lục mới vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5-2024, CPI tháng 4-2024 đã tăng 4,4% tiệm cận trần mục tiêu của Quốc hội đề ra, cộng với các chi phí đẩy như tỷ giá, giá nguyên liệu và các dịch vụ công có thể gây thêm áp lực lạm phát trong cuối năm.
GS. Trần Thọ Đạt, Ủy viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, nhấn mạnh đến vai trò của công tác truyền thông và thông điệp của điều hành. Cần phân tích để người dân thấy đầu tư vàng tại thời điểm này còn mang lại lợi suất cao nữa không. Trong bối cảnh nhiều biến động như hiện nay, vàng có thể là kênh trú ẩn an toàn, nhưng nếu chọn vàng là kênh đầu cơ có nhiều rủi ro.
Nhiều số liệu cho thấy trong thời gian vừa qua vàng không phải là kênh đầu tư tốt, mang lại lợi nhuận cao. Vàng không phải là kênh đầu tư trong một nền kinh tế hiện đại, người dân nên cân nhắc kỹ trước quyết định khi đầu tư vào vàng.
Khi người dân tiếp tục để tiền mua vàng mà không đầu tư vào các kênh khác để sản xuất kinh doanh, nguồn lực sẽ nằm im ở vàng không có lợi cho nền kinh tế. Chính phủ cũng cần có giải pháp làm cho các kênh đầu tư tài sản, tài chính khác trở nên hấp dẫn hơn để người dân có các lựa chọn thay thế, giảm tập trung vào vàng.
Hiện tỷ giá VNĐ/USD tăng 4,4%, giá vàng trong nước đạt mức kỷ lục mới vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5, CPI tháng 4-2024 đã tăng 4,4% tiệm cận trần mục tiêu của Quốc hội đề ra, cộng với các chi phí đẩy như tỷ giá, giá nguyên liệu và các dịch vụ công có thể gây thêm áp lực lạm phát trong cuối năm.