Thu phí xe cá nhân vào nội đô TPHCM: Cần tính toán kỹ

Chính sách thu phí kẹt xe nhằm giảm giao thông cá nhân được UBND TPHCM đưa vào Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Thông tin trên ngay lập tức nhận được sự quan tâm của nhiều người dân TPHCM, không ít chủ phương tiện cho rằng, chính sách này chưa hợp lý và còn nhiều bất cập.

Đoạn Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quận 1) ùn tắc kéo dài vào giờ cao điểm, nhất là những ngày có mưa lớn. Ảnh: Anh Tú

Lo ảnh hưởng sinh kế

Từ bỏ công việc văn phòng để về chạy xe taxi công nghệ hơn 5 năm nay, anh Lê Tuấn Anh (32 tuổi, ngụ quận Bình Tân) cho rằng, nếu chính sách này được thông qua, anh có thể phải đối diện với nguy cơ bán xe, bỏ nghề vì thu nhập gần đây vốn đã giảm sâu nay lại thêm chi phí kẹt xe, anh lo mình không thể gồng gánh nổi.

“Nếu mỗi ngày phải bỏ ra 20.000 đồng phí kẹt xe, mỗi tháng tôi phải tốn đâu đó 600.000 đồng. Chưa kể nếu tôi vào trung tâm thành phố để đón khách trong giờ cao điểm, rồi lại ra ngoại thành, sau đó lại vòng về nội thành, vậy có phải chi trả thêm 1 lần phí nữa hay không? Nếu phải trả thêm – thực sự rất tốn kém, ảnh hưởng đến thu nhập của tôi”, anh Tuấn Anh cho hay.

Cũng theo nhiều người dân, chính sách này tác động rất lớn đến những ai phải làm việc trong nội thành và buộc phải di chuyển vào giờ cao điểm.

Anh Phan Khắc Vũ (29 tuổi, ngụ quận 9) cho rằng, cần xem xét lại chính sách này và điều chỉnh theo hướng khác hợp lý hơn cho người dân.

“Tôi thấy với những người bắt buộc phải vào trung tâm trong giờ cao điểm vì công việc cố định ở đó, sẽ thấy việc này chưa hợp lý, nó đồng nghĩa với việc cứ đi làm là phải tốn thêm chi phí kẹt xe. Tôi nghĩ nên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, phương tiện công cộng… hơn là đầu tư vào việc thu phí này”, anh Vũ chia sẻ.

Cần cân nhắc kỹ lưỡng

Năm 2010, TPHCM từng chấp thuận đề xuất nhà đầu tư dự án thu phí ôtô vào khu trung tâm. Tuy nhiên, dự án sau đó bị ngưng do gặp nhiều ý kiến phản đối của chuyên gia, dư luận.

Năm 2020, việc thu phí ôtô vào trung tâm được đưa vào đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân. Đề án này đã được HĐND TPHCM thông qua chủ trương năm 2020. Một năm sau có nhà đầu tư đề xuất đầu tư hệ thống thu phí xây dựng bao quanh quận 1 và quận 3. Tuy nhiên, đề xuất này đến nay chưa được UBND TPHCM chấp thuận.

Tiến sĩ Trần Quang Thắng – Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TPHCM – cho biết, đề xuất thu phí kẹt xe được thực hiện có thể bổ sung nguồn thu cho ngân sách Nhà nước để phát triển hạ tầng giao thông đường bộ, giao thông công cộng. Từ đó có thể thúc đẩy người dân chuyển sang sử dụng phương tiện công cộng hoặc chia sẻ xe, giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.

Cũng theo ông Thắng, vấn đề tác động xã hội và pháp lý cũng cần được nghiên cứu chặt chẽ hơn nhằm tạo thuận lợi cho việc triển khai. Cần xem xét áp dụng cách thức nào để đảm bảo hiệu quả và sự công bằng. Việc thu phí này làm tăng gánh nặng cho người lao động chạy xe dịch vụ. Người dân sẽ phải trả thêm chi phí khi sử dụng xe cá nhân trong khu vực thu phí, điều này có thể ảnh hưởng đến ngân sách, tiện ích cá nhân. Việc áp dụng chính sách thu phí kẹt xe cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng, đồng thuận với cộng đồng, đảm bảo tính công bằng.

“Bên cạnh đó còn có một số giải pháp giúp giảm ùn tắc giao thông khác cần được sớm triển khai như mở rộng đường; nâng cấp hạ tầng giao thông bằng việc xây dựng bãi đỗ xe, bến xe, ga tàu…; tổ chức làn đường riêng cho những xe thuộc đối tượng ưu tiên, điều chỉnh chu kỳ tín hiệu đèn giao thông hợp lý, đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát trật tự vỉa hè và lòng đường trên các tuyến phố chính; giảm dần phụ thuộc quá nhiều vào đường bộ bằng cách nâng cao thị phần vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không, phát triển hệ thống vận tải công cộng trong đô thị và liên tỉnh”, ông Thắng cho hay.

TPHCM dự kiến tiến tới hạn chế xe cá nhân khu vực trung tâm thành phố bằng các giải pháp: Thu phí xe vào giờ cao điểm; số lượng chỗ đỗ xe hạn chế dưới 50% quy chuẩn kết hợp quản lý thu phí đỗ xe theo giờ.

TPHCM sẽ mở rộng khu vực thu phí kẹt xe đến vành đai Metro khi hệ thống Metro khu vực trung tâm đưa vào sử dụng (tuyến số 1, 4, 5, 2, 3, 6). Khi đó, TPHCM sẽ phát triển các nhà ga Metro chính thành các trung tâm giao thông xanh như bố trí tiện ích các bãi đỗ xe và điểm sạc cho phương tiện thân thiện môi trường phục vụ cho các hành trình đầu/cuối; bố trí điểm đỗ xe cho các phương tiện chia sẻ…