Để phát triển nhà ở xã hội, Nhà nước cần ưu tiên bố trí quỹ đất, nguồn vốn, có cơ chế, chính sách ưu đãi thực chất, đủ hấp dẫn để thu hút, khuyến khích các thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài tham gia đầu tư, phát triển.
Cần cơ chế, chính sách ưu đãi thực chất, đủ hấp dẫn
Đến nay, cả nước đã hoàn thành xây dựng 195.000 căn nhà ở xã hội, và có khoảng 374.000 căn nhà ở xã hội đã được chấp thuận đầu tư, khởi công, cấp phép xây dựng.
Tuy vậy, công tác phát triển nhà ở xã hội vẫn còn một số hạn chế, nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế so với nhu cầu thực tế; giá nhà ở xã hội bình quân còn quá cao; tỷ lệ quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội khu vực đô thị thấp; nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho các chương trình tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội còn thấp…
Ban Bí thư cho rằng nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế nêu trên là do một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu, chưa nhận thức sâu sắc, đầy đủ, thiếu quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển nhà ở xã hội; hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về phát triển nhà ở xã hội chậm được đổi mới, hoàn thiện…
Trong chỉ thị mới nhất, Ban Bí thư yêu cầu đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội 5 năm và hằng năm của địa phương. Mục tiêu đến năm 2030, cả nước xóa bỏ hoàn toàn nhà tạm, nhà dột nát; hoàn thành xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội…
Ban Bí thư yêu cầu thực hiện quy hoạch, bố trí các dự án nhà ở xã hội độc lập, hoặc trong các dự án nhà ở thương mại tại vị trí thuận tiện về giao thông, bảo đảm đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội thiết yếu.
Nhà nước ưu tiên bố trí quỹ đất, nguồn vốn, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển nhà ở xã hội; có cơ chế, chính sách ưu đãi thực chất, đủ hấp dẫn để thu hút, khuyến khích các thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài tham gia đầu tư, phát triển nhà ở xã hội, thực hiện các chính sách hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng.
Ban Bí thư cũng yêu cầu cần đa dạng về loại hình, cơ chế, chính sách mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, nhà lưu trú, ký túc xá cho công nhân… với giá phù hợp khả năng chi trả của từng đối tượng thụ hưởng; tăng tỷ lệ nhà ở xã hội cho thuê; chú trọng hỗ trợ nhà ở và đất cho người có công với cách mạng, người nghèo…
Nhà ở xã hội và nhà ở được Nhà nước hỗ trợ tại các chương trình mục tiêu, nhà lưu trú công nhân phải bảo đảm về chất lượng xây dựng, kiến trúc, cảnh quan, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn, an ninh, an toàn, phòng cháy chữa cháy, đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội thiết yếu…
Thủ tục phải được cắt giảm tối đa
Chỉ thị cũng yêu cầu nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách đặc thù về nhà ở xã hội cho công nhân và lực lượng vũ trang; tạo thuận lợi về cơ chế, chính sách để Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia phát triển nhà ở xã hội bằng nguồn tài chính công đoàn.
Các cơ quan, đơn vị liên quan cần ban hành cơ chế, chính sách tạo thuận lợi và chủ động cho địa phương trong việc dành ngân sách đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội, thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư để có quỹ đất sạch làm nhà ở xã hội…
Ban Bí thư cũng yêu cầu thời gian thực hiện các thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng, kinh doanh, mua bán, quản lý, sử dụng nhà ở xã hội phải được cắt giảm tối đa; phát triển nhà ở xã hội cần có cơ chế, chính sách ưu đãi cho các mô hình xanh, sử dụng tiết kiệm năng lượng, phát triển bền vững, phát thải carbon thấp.
Ban Bí thư yêu cầu ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước từ trung ương và địa phương tương xứng, đẩy mạnh xã hội hóa nguồn vốn, đặc biệt là của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Chỉ thị của Ban Bí thư cũng đề cập đến việc nghiên cứu hình thành quỹ phát triển nhà ở xã hội hoặc mô hình định chế tài chính phù hợp để phát triển dài hạn, bền vững, mở rộng nguồn vốn từ quỹ đầu tư phát triển địa phương và từ nước ngoài; khuyến khích hình thành các quỹ đầu tư, quỹ tín thác đầu tư và hoạt động liên danh, liên kết thực hiện…
Trong cuộc họp mới đây, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu thành lập Quỹ về nhà ở xã hội, đề xuất sớm trước ngày 30.6.2024; xây dựng, hướng dẫn các địa phương phát hành trái phiếu cho nhà ở xã hội.
Trước đó, trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp cũng đề nghị cần tạo quỹ đất, đơn giản hóa thủ tục hành chính… để đẩy nhanh tốc độ triển khai nhà ở xã hội.
Ông Nguyễn Anh Quê, Chủ tịch Tập đoàn G6 cũng cho rằng hiện nay riêng giải phóng mặt bằng đã mất 2 – 5 năm, còn từ khi xin thủ tục đầu tiên đến khi xong mất khoảng 5 – 7 năm.
Ngoài ra, chi phí giải phóng mặt bằng cấu thành vào giá tính theo định mức nhà nước, nhưng trong thực tế, chủ đầu tư đang trả cho người dân theo thỏa thuận. Như vậy phần vượt định mức sẽ “ăn” vào phần lợi nhuận của chủ đầu tư.
Chuyên gia kinh tế, TS Lê Bá Chí Nhân nhấn mạnh: “Chúng ta phải bỏ bớt những thủ tục pháp lý rườm rà đi. Hiện nay xin một giấy phép mất cả năm, trong khi chỉ cần 2 – 3 tháng là cấp cho họ”, ông Nhân nói, và cho rằng cần tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận vốn với lãi suất thấp hơn.