Từ 14 giờ 30 ngày 4-6, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ 2 thuộc lĩnh vực công thương. Trả lời chính là Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên.
Phát biểu trước khi trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, cho biết thương mại điện tử (TMĐT) ở nước ta phát triển rất mạnh với tốc độ tăng bình quân 20-25%/năm, thuộc nhóm 5 nước dẫn đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng, quy mô thương mại điện tử đạt trên 20 tỷ USD/năm, chiếm 8% tổng doanh thu tiêu dùng cả nước. Tuy nhiên, việc nở rộ kinh doanh online, livestream bán hàng cũng khiến việc quản lý hàng giả, nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên mạng xã hội khó khăn.
Bộ Công Thương đang nghiên cứu một số giải pháp để quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT. Trong đó, bộ này dự kiến bổ sung quy định xác thực tài khoản người bán cá nhân và cung cấp thông tin trên các website, ứng dụng TMĐT.
Cùng đó, cơ quan quản lý tăng phân cấp, quyền cho các địa phương; bổ sung trách nhiệm của đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian hỗ trợ, quản lý mạng xã hội có hoạt động TMĐT.
Năm 2023, trên 6.200 gian hàng với 23.359 sản phẩm vi phạm được lực lượng chức năng gỡ bỏ, khóa. Lực lượng quản lý thị trường của bộ đã kiểm tra 834 vụ, xử lý 764 vụ, phạt vi phạm 12 tỷ đồng.
Những chất vấn đầu tiên của các đại biểu Quốc hội (ĐB) đối với Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng về vấn đề TMĐT. ĐB Nguyễn Minh Hoàng (TPHCM), cho rằng TMĐT là xu thế, nhưng hiện nay nhiều hoạt động lừa đảo phức tạp, bán hàng gian hàng giả, có nhiều vi phạm. Đâu là giải pháp để TMĐT phát triển lành mạnh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng?
ĐB Dương Minh Ánh (Hà Nội) chất vấn, một trong hạn chế của TMĐT là khó xây dựng lòng tin của người tiêu dùng, vấn đề về bảo mật và an toàn thông tin cá nhân, các trường hợp vi phạm dữ liệu cá nhân và gian lận thương mại khiến cử tri lo lắng, do dự khi tiến hành thanh toán trực tuyến. Vậy đâu là giải pháp?
Trả lời chất vấn của các ĐB, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, TMĐT đang phải đối mặt với 3 thách thức: người tiêu dùng mất an toàn dữ liệu cá nhân; hàng giả, hàng kém chất lượng bao vây; thất thu thuế với tỷ lệ đáng kể.
Cụ thể, Bộ trưởng cho biết, có tình trạng lộ lọt, chiếm đoạt dữ liệu cá nhân khi tham gia hoạt động TMĐT, tuy không phổ biến nhưng thời gian qua Bộ Công Thương đã nhận diện rõ vấn đề này; đã nghiên cứu tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023, trong đó có bổ sung nhiệm vụ tổ chức và cá nhân trong việc bảo vệ thông tin của người tiêu dùng, như phải xây dựng quy tắc bảo vệ thông tin, bảo đảm an toàn, an ninh của người tiêu dùng.
Ngày 1-7, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực, Bộ trưởng hy vọng sẽ góp phần khắc phục tình trạng trên.
Thời gian tới, để khắc phục tình trạng này, Bộ Công thương sẽ phối hợp với Bộ Công an xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, trong đó có lĩnh vực TMĐT; yêu cầu các tổ chức cá nhân kinh doanh xây dựng quy tắc bảo mật thông tin; yêu cầu sàn giao dịch điện tử công khai chính sách bảo vệ thông tin cá nhân của người tiêu dùng.
Bộ trưởng cũng cho biết, giao dịch TMĐT có giá trị rất lớn, gần 21 tỷ USD, theo thống kê, nộp thuế trong lĩnh vực này của năm 2003 tăng trên 16% so với năm 2022. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận còn thất thu thuế trong lĩnh vực này. Bộ Công Thương tích cực phối hợp với ngành thuế và Bộ Tài chính chia sẻ dữ liệu của hơn 900 website và gần 300 ứng dụng sàn giao dịch TMĐT để thực hiện rà soát và tăng cường quản lý thuế trong TMĐT.
Bộ Công Thương tiếp tục triển khai các giải pháp để chống thất thu thuế; kết nối dữ liệu để minh bạch trong thu thuế; phối hợp với Bộ Công an để định danh người bán hàng nhằm thu thuế đầy đủ.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ tham mưu Chính phủ xem xét miễn thuế VAT với hàng giá trị nhỏ, để tránh nhập khẩu qua TMĐT, cạnh tranh với hàng trong nước mà không bị áp thuế. Theo quy định, hàng hóa nhập khẩu giá trị dưới 1 triệu đồng sẽ không phải chịu thuế VAT, trong khi theo khảo sát, 4 sàn TMĐT lớn đang hoạt động tại Việt Nam, mỗi năm khoảng 1 tỷ USD hàng nhập khẩu giá trị nhỏ qua đây, nên nếu không điều chỉnh thuế thì sẽ bị thất thu lượng thuế nhất định.
ĐB Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) tiếp tục chất vấn, trong thời gian qua, mạng xã hội xôn xao những cuộc livestream bán hàng trên các ứng dụng, doanh thu đạt cả trăm tỷ một ngày, vậy thông tin đó có đúng không, quản lý chất lượng sản phẩm ra sao. Giá bán trực tuyến thấp hơn nhiều so với giá đại lý, vậy xử lý thế nào, kinh nghiệm thế giới trong vấn đề này là ra sao?
Trả lời của Bộ trưởng chưa thỏa mãn ĐB nên ĐB Đỗ Chí Nghĩa tranh luận đề nghị Bộ trưởng trả lời thẳng vào câu hỏi là các livestream vừa rồi bộ biết không, thật hay ảo, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như thế nào.
ĐB Đỗ Chí Nghĩa cũng cho rằng, giải pháp của Bộ Công Thương là quản lý các sàn TMĐT thì rất dễ vì đã có định danh, nhưng các cá nhân bán hàng mới là vấn đề đáng lo. ĐB cho rằng, họ livestream bán hàng doanh thu cả trăm tỷ đồng mỗi ngày là vấn đề rất lớn, nếu như đi theo giải pháp là xóa các trang như Bộ trưởng trình bày thì cũng không giải quyết được vì các gian hàng vi phạm bị gỡ bỏ, khóa, sau đó mở lại rất dễ, nếu xử lý đuổi theo như vậy khó giải quyết dứt điểm vấn đề này, trong khi người tiêu dùng thì lãnh đủ, thuế thì thất thu.
Trả lời, Bộ trưởng thừa nhận quản lý các trang livestream bán hàng là rất khó, không chỉ là trách nhiệm của ngành công thương, phải có sự phối hợp với ngành tài chính (thu thuế), các lực lượng quản lý thị trường (phát hiện các sai phạm để kịp thời xử lý)… Hoạt động này biến hóa khôn lường nên các quy định pháp luật phải tiếp tục để rà soát, điều chỉnh, đây cũng là xu thế chung của thế giới. TMĐT rất mạnh, lên tới 20-21 tỷ USD, nên cần phải có hành lang để quản lý.
Cùng với đó, cần sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, người dân để ngăn chặn các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này. “Các gian hàng bị gỡ bỏ, khóa sau đó mở lại thì là sai phạm, nếu phát hiện sẽ kiểm tra, hoàn tất hồ sơ và chuyển cơ quan chức năng”, Bộ trưởng Bộ Công Thương nói.