Đưa phân bón vào diện chịu thuế VAT – Gỡ “nút thắt” sau 10 năm

Theo các chuyên gia, việc Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) đưa phân bón vào diện chịu thuế, không chỉ mang lại nguồn thu cho ngân sách, mà còn tháo gỡ “nút thắt” với ngành này sau 10 năm…

Theo đó, đề xuất áp thuế giá trị gia tăng (VAT) 5% với mặt hàng phân bón thay vì không chịu thuế như hiện tại khi sửa Luật Thuế giá trị gia tăng của Bộ Tài chính đang nhận được nhiều quan tâm của người dân, doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước.

Đề xuất áp thuế VAT 5% với mặt hàng phân bón thay vì không chịu thuế như hiện tại nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận – Ảnh minh họa: ITN

Thực tế cho thấy, sau 10 năm không thuộc đối tượng áp thuế VAT khi áp dụng quy định tại Luật 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014 ngành nông nghiệp nói chung và phân bón nói riêng đã chịu thiệt đơn, thiệt kép. Cụ thể, khi mặt hàng phân bón thuộc đối tượng “không chịu thuế VAT” sẽ khiến các doanh nghiệp không được kê khai, khấu trừ thuế VAT đầu vào, đặc biệt đối với hàng hóa, dịch vụ, thiết bị máy móc, đầu tư cho sản xuất phân bón.

Do không được khấu trừ, nên các hoạt động sản xuất phân bón phải tính vào chi phí sản phẩm, tác động đẩy giá phân bón. Người bị ảnh hưởng là nông dân, người sử dụng vật tư. Trong khi đó, lĩnh vực vật tư nông nghiệp chiếm tới khoảng 40 – 60% giá thành của các sản phẩm nông nghiệp. Không chỉ vậy, giá thành phân bón sản xuất trong nước tăng cũng là nguyên nhân gây ra bất lợi trong cạnh tranh với sản phẩm phân bón nhập khẩu.

Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, mỗi năm ngành nông nghiệp tiêu thụ 11 – 12 triệu tấn phân bón, trong đó, các sản phẩm sản xuất trong nước khoảng 8 triệu tấn, còn lại nhập khẩu, có những sản phẩm buộc phải nhập khẩu do Việt Nam chưa sản xuất được. Trong khi sản phẩm của các nước khác vẫn chịu thuế VAT giá nhập vào thấp hơn so với giá sản xuất trong nước.

Bởi việc Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) đưa phân bón vào diện chịu thuế, không chỉ mang lại nguồn thu cho ngân sách, mà còn tháo gỡ “nút thắt” với ngành này sau 10 năm – Ảnh minh họa: ITN

Nhìn nhận đề xuất đưa phân bón vào diện chịu thuế VAT 5%, nhiều ý kiến cho rằng, nếu đề xuất được Quốc hội thông qua sẽ không những không làm tăng giá phân bón, mà còn có tác động tích cực trên nhiều khía cạnh như: người nông dân mua được phân bón sản xuất trong nước với giá thấp hơn, bảo đảm nguồn cung luôn ổn định, tạo sự cạnh tranh bình đẳng hơn giữa phân bón nội và phân bón ngoại trên thị trường…

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam – Phùng Hà, khi Luật Thuế giá trị gia tăng được sửa, các doanh nghiệp phân bón trong nước sẽ có cơ hội chiếm lĩnh thị trường tốt hơn do chi phí giá thành phân bón trong nước giảm, từ đó tăng sức cạnh tranh với phân bón nhập khẩu, người nông dân sẽ được hưởng lợi lâu dài, yên tâm sản xuất. Về phía Nhà nước, nếu áp dụng thuế giá trị gia tăng với phân bón thì phân bón nhập khẩu cũng phải chịu thuế, theo đó ngân sách Nhà nước sẽ thu được toàn bộ khoản thu này.

Đồng quan điểm, chỉ ra những lợi ích của việc đưa phân bón vào diện chịu thuế VAT 5%, ông Nguyễn Văn Phụng – nguyên Vụ trưởng Vụ quản lý Thuế Doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế cho biết, lợi ích thứ nhất là tăng thu ngân sách đối với thuế nhập khẩu trong khi vẫn giữ mặt bằng giá bán trong nước. Bên cạnh đó, nông dân có cơ hội yêu cầu doanh nghiệp thực hiện nguyên tắc đúng theo Luật, được khấu trừ đầu vào, cần hạ mặt bằng giá bán.

Lợi ích thứ hai là Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) có nhiều điểm quan trọng, vẫn giữ nguyên 26 hàng hóa không chịu thuế nhưng 12 hàng hóa dịch vụ được đưa ra diện chịu thuế nên tính chất liên hoàn tốt hơn. Đặc biệt, quy định khấu trừ thuế đầu vào chặt chẽ hơn, tránh gian lận trong bối cảnh Việt Nam đã thực hiện quy định hóa đơn điện tử nên việc kiểm soát, quản lý rủi ro, đảm bảo minh bạch trong kê khai thuế VAT đầu vào.

Theo ông Nguyễn Văn Phụng, các nước trên thế giới đều áp dụng các chính sách thuế với ngành phân bón và không có nước nào như Việt Nam không áp thuế VAT phân bón. Trung Quốc áp dụng thuế phân bón 11%, Nga áp dụng thuế VAT phân bón 20%, Thái Lan áp dụng thuế VAT phân bón 8%, Malaysia và Singapore đều áp dụng thuế VAT cho phân bón…

Liên quan đến vấn đề này, ông Phan Đức Hiếu – Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cũng nhìn nhận, về mặt cảm quan, tăng thuế sẽ làm tăng giá sản phẩm, nhưng thực tế có thể không như vậy. Ví dụ, hiện nay doanh nghiệp không được khấu trừ thuế VAT đầu vào nên họ phải tính vào giá thành sản phẩm. Nếu đưa phân bón vào diện chịu thuế VAT, doanh nghiệp được khấu trừ và chi phí sản xuất giảm nên họ có dư địa lớn để cạnh tranh giảm giá.

“Sự điều chỉnh này hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả giá trị gia tăng cho ngành nông nghiệp để mọi người trong ngành đều được hưởng lợi tốt nhất, chứ không đơn thuần là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hay tăng giá, giảm giá”, ông Hiếu nhận định.

Còn về phía doanh nghiệp, nhìn nhận về đề xuất đưa phân bón vào diện chịu thuế VAT 5%, nhiều ý kiến cho rằng, nếu chính sách được Quốc hội thông qua sẽ giúp giảm chi phí thuế đầu vào, dẫn tới giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, từ đó giúp các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước tăng tính cạnh tranh với phân bón nhập khẩu, chiếm lĩnh thị trường. Từ đó sẽ giúp các doanh nghiệp có nguồn lực, động lực để gia tăng đầu tư, tái đầu tư, nâng cấp, sửa chữa máy móc thiết bị, mở rộng quy mô sản xuất – Đây là tiền đề rất quan trọng đối với ngành sản xuất phân bón trong nước.

Theo Tạp Chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp