Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và các công ty lớn của Việt Nam đang chú trọng hơn khả năng giao tiếp hiệu quả của nhân viên người Việt Nam.
Trong tuyển dụng và đào tạo quản lý cấp trung, CEFR được các doanh nghiệp chuộng hơn so với IELTS, TOEIC hay TOEFL… CEFR (Common European Framework of Reference for Languages) tức Khung tham chiếu năng lực ngôn ngữ chung châu Âu là một tiêu chuẩn quốc tế nhằm đánh giá khả năng sử dụng ngôn ngữ của người học theo sáu cấp bậc từ A1 (giới thiệu cơ bản), A2 (trao đổi thông tin trực tiếp), B1 và B2 (giải thích kế hoạch), C1 (sử dụng ngôn ngữ linh hoạt), và C2 (diễn đạt ngôn ngữ rất trôi chảy). Thông thường, mỗi cấp độ cần lượng thời gian luyện tập nhất định, khoảng 100-300 giờ học, tùy theo năng lực ngôn ngữ của học viên.
Ông Võ Hoàng Nam, nhà sáng lập kiêm CEO của Axcela, nói với Kinh tế Sài Gòn rằng thông thường nhà tuyển dụng trong và ngoài nước sẽ đòi hỏi trình độ B1 hoặc B2 đối với các vị trí quản lý cấp trung. Ví dụ như Intel mở nhà máy ở Việt Nam, hãng chip Mỹ đã tuyển đại trà theo khả năng và trình độ chuyên môn của ứng viên trước, tiếp đến Intel mới lên kế hoạch đào tạo tiếng Anh cho các ứng viên trúng tuyển.
Vị CEO cho biết TPHCM, Hà Nội và Vũng Tàu là những nơi có đội ngũ nhân sự nói tiếng Anh tốt hơn. Trong khi, nhân sự ở các địa phương đang thu hút dòng vốn FDI như Bắc Giang, Bắc Ninh, Đồng Nai và Long An lại kém tiếng Anh hơn. Doanh nghiệp cũng rất thực dụng trong tuyển dụng và đào tạo tiếng Anh. Đội ngũ bán hàng tiếp thị sẽ được chú trọng đào tạo kỹ năng tiếng Anh trước so với đội ngũ kỹ thuật viên hay văn phòng.
“Ngày càng nhiều các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng phạm vi kinh doanh ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Các tập đoàn đa quốc gia cũng luân chuyển nhân viên đi nhiều nước. Vì thế kỹ năng giao tiếp hiệu quả, đặc biệt là nghe và nói, được chú trọng”, CEO Axcela nói.
Ông Võ Hoàng Nam nhận định trước khi thâu tóm một công ty nước ngoài, một số tập đoàn Việt Nam cũng quyết định nâng cao kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh cho đội ngũ nhân sự. Tuy nhiên phải từ nhân sự quản lý cấp trung trở lên.
Có thể nói, khả năng ngoại ngữ chi phối chỗ đứng người lao động. Không đủ năng lực tiếng Anh hoặc có đủ năng lực tiếng Anh nhưng đòi hỏi mức lương phi thực tế là những thất bại hay “nỗi đau” trong việc leo lên nấc thang chức vụ cao hơn của nhân sự người Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực nhà hàng và khách sạn.
Ngân Anh (tổng hợp)