Trong những năm gần đây, tỉnh Khánh Hòa đã chọn khoa học và công nghệ hiện đại là động lực tăng trưởng, phục vụ cho quá trình tái cơ cấu kinh tế; chuyển từ mô hình tăng trưởng kinh tế phụ thuộc nhiều vào một số ít lĩnh vực sang mô hình tăng trưởng kinh tế lấy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khoa học và công nghệ làm chủ đạo. Thông qua đó, từng bước đem lại nhiều hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn.
Việt Nam nói chung và tỉnh Khánh Hòa nói riêng đang dần chuyển đổi từ khái niệm sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm trong việc hình thành và phát triển các chuỗi sản xuất – kinh doanh. Đồng thời làm cầu nối để chuyển giao khoa học kĩ thuật cho nông dân.
Do đó, trong những năm gần đây, nông nghiệp được đánh giá là một trong những ngành có tốc độ cơ giới hóa, ứng dụng KHCN nhanh của địa phương. Hầu hết nông sản chủ lực, sản phẩm OCOP của địa phương đều có sự tham gia của doanh nghiệp khi đưa ra thị trường. Đồng thời từng bước tăng giá trị sản xuất nông nghiệp thông qua hoạt động xuất khẩu.
Thông qua hoạt động đổi mới sáng tạo, tỉnh kì vọng đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, nông lâm thủy sản đạt 2 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 6-7%/năm.
Ông Lê Bên, Phó Giám đốc Công ty TNHH Trí Tín, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa cho biết: Các nước họ đều đặt ra tiêu chuẩn, rào cản kĩ thuật cho các sản phẩm nhập khẩu. Do đó, muốn đạt được mục tiêu xuất khẩu, các doanh nghiệp Việt cần phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh và số hóa.
Hơn 90% doanh nghiệp tại Khánh Hòa ở quy mô nhỏ và vừa. Đây vừa là thuận lợi, vừa là khó khăn trong hoạt động đổi mới sáng tạo, ứng dụng KHCN, nhất là vấn đề về nguồn vốn và việc tiếp cận chính sách đặc thù trong lĩnh vực này vẫn còn hạn chế.
Thực tế thông qua bộ chỉ số đổi mới sáng tạo PII cũng cho thấy, chính sách liên quan đến lĩnh vực KHCN, đổi mới sáng tạo của tỉnh còn chưa nhiều. Do đó, cần có sự vào cuộc nhiều hơn từ phía ngành chức năng, xây dựng chính sách phù hợp với thực tế để doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi hơn.
Cùng với đó, theo chuyên gia, cần có sự tuyên truyền nhiều hơn để doanh nghiệp, mô hình starup hiểu rõ hơn tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo gắn với sở hữu trí tuệ.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Diệp, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Khánh Hòa cho biết thêm: UBND tỉnh đã giao Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, tham mưu xây dựng kế hoạch nâng cao bộ chỉ số đối mới sáng tạo cấp tỉnh; tổ chức hội thảo tuyên truyền, tập huấn, nâng cao nhận thức cho đội ngũ quản lý, doanh nghiệp, cộng đồng trên địa bàn tỉnh; xây dựng các sơ đồ kết nối các mối liên hệ giữa cơ quan quản lý với các nhiệm vụ để nâng cao chỉ số PII của tỉnh. Thông qua việc nâng chỉ số đổi mới sáng tạo trong các năm tới đây, cũng là cơ sở để sở KHCN cùng các sở ngành tham mưu UBND tỉnh xác định, lựa chọn các định hướng, giải pháp phù hợp cho phát triển kinh tế của tỉnh dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo…”
Hiện nay, ngành khoa học công nghệ cùng các ngành có liên quan đang tập trung đánh giá toàn diện các chỉ số về KHCN và đổi mới sáng tạo của tỉnh, cũng như sự tác động của các chỉ số này đối với sự phát triển kinh tế – xã hội. Từ đó tham mưu UBND tỉnh xây dựng và ban hành các chương trình KHCN phù hợp hơn với thực tế.
Trong đó, sẽ tập trung vào 2 nội dung có liên quan đến doanh nghiệp là: Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng và đổi mới công nghệ và Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng; từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn.