Nvidia bung sức mạnh, ngay cả Amazon cũng phải ‘nhún nhường’

Nvidia biết các khách hàng đang rất muốn sở hữu GPU của mình và công ty đang tận dụng điều đó để làm lợi thế. Theo The Information, ngay cả Amazon cũng đang phải “nhún nhường” trước nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới này.

Đa dạng hoá hoạt động kinh doanh

Mặc dù nhu cầu về GPU của Nvidia, loại chip mạnh mẽ hỗ trợ trí tuệ nhân tạo, vẫn cao nhưng mối đe dọa hiện hữu lớn nhất đối với công ty là nhu cầu sẽ có lúc chậm lại. Vì vậy, để giữ mình ở vị trí dẫn đầu trong cuộc chơi, Nvidia đã đa dạng hóa hoạt động kinh doanh của mình sang lĩnh vực phần mềm dịch vụ đám mây và cho thuê.

Giám đốc điều hành Nvidia Jensen Huang cho hay việc cho thuê dịch vụ đám mây nhằm tạo ra các siêu máy tính mạnh mẽ và đắt tiền được sử dụng để phát triển các công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) như ChatGPT cho doanh nghiệp.

Năm ngoái, Nvidia đã bắt đầu dịch vụ đám mây của mình có tên DGX Cloud. Đây được xem là đối thủ cạnh tranh với một số khách hàng “ruột” của Nvidia, bao gồm cả Microsoft và Amazon Web Services (AWS).

Theo The Information, DGX Cloud thuê các máy chủ được hỗ trợ bởi GPU Nvidia từ bên trong các trung tâm dữ liệu của AWS và sau đó hứa hẹn có khả năng tính toán cao hơn rồi cho khách hàng của Nvidia thuê lại chúng.

Theo The Information, lúc đầu, AWS do dự khi cho phép Nvidia thành lập một cửa hàng cạnh tranh ngay trước mắt mình. Nhưng một khi các công ty đối thủ khác đồng ý với các điều khoản của DGX Cloud, AWS không còn lựa chọn nào khác ngoài việc nhượng bộ bởi họ không thể mạo hiểm làm xấu đi mối quan hệ của mình với nhà cung cấp chip quan trọng.

Tuy nhiên, người phát ngôn của Amazon nói với The Information rằng những thông tin cho rằng AWS lo ngại về việc làm khó Nvidia là “suy đoán và không chính xác”.

Khi được Business Insider liên hệ, người phát ngôn cho biết Amazon đã hợp tác chặt chẽ với Nvidia để phát triển các tính năng trong dịch vụ DGX Cloud nhằm mang đến cho khách hàng “những gì tốt nhất của cả hai công ty”.

“Chúng tôi có mối quan hệ hợp tác sâu sắc với Nvidia trong hơn 13 năm qua, khi chúng tôi cùng nhau tung ra phiên bản đám mây GPU đầu tiên trên thế giới trên AWS và hôm nay chúng tôi cung cấp nhiều giải pháp GPU Nvidia nhất cho khách hàng”, người phát ngôn của Amazon chia sẻ.

Nỗ lực duy trì sự thống trị

Thông qua DGX Cloud, Nvidia đã tự điều chỉnh một cách sáng tạo phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Nhưng chiến lược tích cực của CEO Jensen Huang nhằm duy trì sự thống trị không dừng lại ở đó, theo The Information. Nvidia cũng đang yêu cầu khách hàng xây dựng thêm không gian để chứa GPU họ mua và hướng dẫn họ cách thực hiện.

Việc Nvidia mở rộng sang các dịch vụ đám mây đã giúp nhà sản xuất chip khổng lồ này có được lợi thế lớn hơn đối với khách hàng của mình. (Ảnh: Justin Sullivan/Getty Images)

Ông Raul Martynek, người làm việc với các nhà cung cấp đám mây với tư cách là Giám đốc điều hành của DataBank, nói với The Information: “Nvidia sẽ không vận chuyển GPU trừ khi khách hàng có thể chứng minh rằng họ có năng lực trung tâm dữ liệu để đặt những GPU đó”.

Ngoài việc yêu cầu khách hàng cung cấp bằng chứng về dung lượng trung tâm dữ liệu đã mở rộng của họ, Nvidia còn cho khách hàng biết cách thiết kế các giá đỡ chứa máy chủ và GPU trong các trung tâm dữ liệu đó.

Và vì các giá đỡ được thiết kế đặc biệt để phù hợp với chip Nvidia nên khách hàng có thể khó chuyển sang dùng chip từ các công ty cạnh tranh mà không phải chịu chi phí phát sinh lớn.

Hiện tại, Nvidia và các khách hàng của họ như Amazon đã đồng ý tiếp tục mối quan hệ cộng sinh của họ, nhưng điều đó không ngăn được sự cạnh tranh nảy sinh từ cả hai bên.

Trong khi Nvidia mở rộng sang dịch vụ đám mây, AWS cũng đang phát triển chip AI của riêng mình, được gọi là Trainium và Inferentia, nhằm cạnh tranh với Nvidia.

Dù vậy, Bộ Tư pháp Mỹ thời gian gần đây đang tìm cách mở một cuộc điều tra về các vi phạm chống độc quyền tiềm ẩn, theo Politico.

Được biết, các liên đoàn đang chuẩn bị điều tra xem liệu Nvidia có trở thành nhà cung cấp chất bán dẫn tiên tiến hàng đầu thông qua hành vi phản cạnh tranh hay không.

Theo Vietnam Finance