Nhiều doanh nghiệp bất động sản (BĐS) đang tích cực tái cấu trúc vốn thông qua các phương thức khác nhau, nhằm cải thiện tài chính và tiếp tục gia nhập thị trường.
Lũy kế từ đầu năm đến ngày 24/5/2024, có 33 doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với khối lượng 57,6 nghìn tỷ đồng. Trong đó, doanh nghiệp BĐS chiếm 50,8%.
Thuận lợi cho phát hành mới
Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Lê Ngọc Hoàn, các doanh nghiệp BĐS vẫn đang sử dụng các hình thức tìm vốn thông dụng, như M&A. Bên cạnh đó, phát hành cổ phần hoán đổi nợ, trả nợ, tăng nguồn lực vốn. Đây là phương thức được nhiều doanh nghiệp BĐS lựa chọn trong năm 2024.
Đáng chú ý, sự sôi động của thị trường thứ cấp là điều kiện tốt nhất cho hoạt động phát hành sơ cấp. Hoạt động này đã giúp giảm bớt áp lực nợ, tăng vốn mới để hồi sinh và đầu tư vào các dự án, ví dụ như NLV hay HQC…
Trong thời gian tới đây, thị trường sẽ còn tiếp tục chứng kiến hàng loạt đợt phát hành cổ phiếu của khối BĐS như: NVL, KDH, DIG, DXG, PDR…
“Những đợt phát hành chào bán cổ phiếu mới, một mặt giúp tăng vốn doanh nghiệp, mặt khác gia tăng thêm lượng cổ phần hỗ trợ cho hoạt động huy động nguồn mới trong tương lai, ví dụ qua repo chứng khoán, bảo đảm cho khoản vay tại ngân hàng, đảm bảo cho trái phiếu”…, ông Hoàn nhận định.
Gỡ dần áp lực bằng trái phiếu
Đến ngày 01/06/2024, có 19 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trị giá 16.695 tỷ đồng trong tháng 5/2024 và không có đợt phát hành ra công chúng nào. Đáng chú ý, trong tháng 5, các doanh nghiệp đã mua lại 9.178 tỷ đồng trái phiếu trước hạn, giảm 68% so với cùng kỳ năm 2023. Trong 7 tháng còn lại của năm 2024, ước tính sẽ có khoảng 163.905 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, trong đó phần lớn là trái phiếu BĐS với 69.627 tỷ đồng, tương đương 42,5%.
Ông Nguyễn Đình Duy, Giám đốc, Chuyên gia phân tích cao cấp, Khối Xếp hạng và Nghiên cứu VIS Rating, cho biết khoảng cách mua lại TPDN đang thu hẹp so với trước đây do một số doanh nghiệp có năng lực tài chính tốt đã tận dụng lãi suất thấp để trả nợ phần trái phiếu đã phát hành trong thời gian trước. Một số doanh nghiệp phát hành mới với mức lãi suất thấp hơn, giúp tiết kiệm chi phí lãi vay. Đây là một hoạt động tái cấu trúc vốn với chi phí hiệu quả, và cũng đang được các ngân hàng tích cực triển khai.
Riêng với nhóm BĐS dân cư, VIS Rating cho rằng, khả năng trả nợ của nhiều doanh nghiệp vẫn ở mức yếu, ngay cả khi dòng tiền được cải thiện do chủ đầu tư vướng vấn đề pháp lý và/hoặc thực hiện các dự án có tính đầu cơ sẽ gặp rủi ro chậm trả gốc, lãi trái phiếu và dòng tiền yếu. Do đó, đây là nhóm cần tái cấp vốn nhiều nhất.