Minh Dự duyên dáng cũng khó cứu phim ‘Mùa hè đẹp nhất’

“Mùa hè đẹp nhất” mắc không ít lỗi về kịch bản, cách dựng. Diễn xuất tròn vai của dàn cast, đặc biệt là Minh Dự đã giúp tác phẩm gỡ điểm.

Genre: Thanh xuân, Tâm lý
Director: Vũ Khắc Tuận
Cast: Khánh Vân, Minh Dự, Trần Nghĩa…
Rating: 4.5/10
*Lưu ý: Bài viết tiết lộ một phần nội dung bộ phim

“Nơi đẹp nhất là nơi chưa từng đi qua.
Khoảng thời gian đẹp nhất là khoảng thời gian không thể quay trở lại”.

Thanh xuân trong ký ức của nhiều người đã gói ghém trọn vẹn nhiệt huyết tuổi trẻ. Đó là những xúc cảm trong trẻo, hồn nhiên của tình bạn, hoặc có thể là nét ngại ngùng, e ấp của tình yêu đầu đời. Còn dưới ống kính của Vũ Khắc Tuận, thanh xuân lại là sự trăn trở về ký ức một thời đã qua. Bất kể niềm vui hay nỗi buồn, sự hiện diện của chúng đều để lại âm hưởng thấm thía và đẹp đẽ.

Mùa hè đẹp nhất của anh mang hơi thở này trở lại rạp chiếu vào giữa những tháng hè. Bộ phim quy tụ dàn diễn viên trẻ, với những cái tên quen thuộc như Trần Nghĩa, Khánh Vân, Minh Dự hay Công Dương…

Thước phim thanh xuân nhiều lỗi

Thuộc thể loại phim tâm lý, thanh xuân vườn trường, Mùa hè đẹp nhất xoay quanh nhóm bạn sinh viên gồm 4 anh chàng Nghĩa, Tuấn Anh, Thái, Minh và cô nàng xinh xắn Thảo Nguyên. Họ xuất thân khác nhau, nhưng tình cờ gặp gỡ rồi trở nên thân thiết, cùng nhau trải qua thời sinh viên tươi đẹp với nhiều kỷ niệm.

Song, hiểu lầm và những cơn giận xốc nổi của tuổi trẻ đã dẫn đến biến cố, khiến cả nhóm bạn thân rạn vỡ. Rất lâu về sau, họ mới có dịp hội ngộ và trải lòng, sẻ chia những khúc mắc vẫn giữ kín suốt chừng ấy năm.

Mùa hè đẹp nhất khởi chiếu từ 28/6.

Mùa hè đẹp nhất là dự án điện ảnh đầu tay của đạo diễn Vũ Khắc Tuận.

Tác phẩm kể lại 2 tuyến truyện song song, với những lát cắt thời gian lật mở giữa hiện tại và quá khứ. Một tuyến truyện lấy bối cảnh Sài Gòn những năm cuối thế kỷ trước, khi nhóm nhân vật bước vào năm nhất Đại học Tổng hợp. Tuyến còn lại là thực tại, khi họ giờ đây đã ở độ tuổi lục tuần, hầu như ai cũng có cho mình một tổ ấm riêng.

Tuy nhiên, cách kể chuyện này thực tế chưa đem lại hiệu quả như mong muốn.

Những thước phim quá khứ mang sắc màu retro, đem lại thời trẻ đầy hoài niệm của nhóm bạn với không ít sự kiện đáng nhớ, từ lần đầu gặp gỡ tại ký túc xá, cho đến những buổi đi chơi chung, ăn uống, trò chuyện hồn nhiên, vui vẻ, lặng thầm che chở cho nhau vượt qua khó khăn của cuộc sống sinh viên…

Trong khi đó, tuyến truyện hiện tại lại bám theo hành trình du lịch xuyên Việt của các thành viên nay đã đứng tuổi. Họ rong ruổi qua nhiều địa điểm trên chiếc xe du lịch, ghi lại những khoảnh khắc đẹp sau nhiều năm chưa gặp lại nhau.

Chuyện phim không diễn ra theo trật tự tuyến tính mà thay vào đó, đạo diễn chọn cách kể đan xen liên tục giữa thực tại và quá khứ. Song, hai tuyến truyện lại hoàn toàn tách biệt, chưa tìm được “mẫu số chung”. Chính sự rời rạc, thiếu kết nối giữa chúng khiến cảm xúc người xem phân tán.

Những lát cắt thời gian chưa được sắp xếp với chủ ý rõ ràng, khiến cả hai mạch truyện dù có những điểm thu hút riêng lại chưa thể kết hợp ăn ý khi đặt cạnh nhau.

Chẳng những vậy, sự tương quan giữa hai bối cảnh độc lập cũng chưa thỏa đáng. Các nhân vật hiện tại đã ở độ tuổi lục tuần. Thế nhưng, tuyến truyện quá khứ dường như lại xảy ra vào cuối những năm 1990, đầu những năm 2000 – không khớp với tuổi nhập học năm nhất của nhân vật.

Màu phim quá khứ mang phong cách retro.

Trang phục, tạo hình nhân vật trong phim chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng. Sự chênh lệch tuổi tác khá lớn giữa Nghĩa (Đức Sơn), Thái (Thanh Nam), Minh (Công Ninh) với Thảo Nguyên (Hồng Ánh) khiến phim khó thuyết phục được người xem.

Ngay cả dàn cast trẻ như Minh Dự, Trần Nghĩa, Khánh Vân hay Tụ Sad, Công Dương cũng đã quá “dừ” để vào vai những cô cậu sinh viên mới tuổi 18.

Diễn xuất cứu nội dung

Từng có kinh nghiệm dựng nhiều dự án có tiếng, nhưng ở lần đầu cầm trịch một bộ phim, Vũ Khắc Tuận gặp không ít trở ngại trong việc xây đắp hành trình cảm xúc cho khán giả. Cách dựng phim chưa đạt hiệu quả, lộn xộn giữa hài và bi. Chính vì vậy, Mùa hè đẹp nhất khó đẩy cảm xúc người xem lên cao trào, chỉ lửng lơ giữa những thước phim với nhịp độ chưa được kiểm soát chặt chẽ.

Việc lạm dụng âm nhạc dẫn dắt, mồi chài cảm xúc khán giả là cách tiếp cận đã cũ. Kiểu dàn dựng một số cảnh ngôn tình khá khá sến, thiếu tự nhiên. Ngay cả việc sử dụng tông màu tối lạnh ở nhiều thước phim hiện tại lẫn quá khứ cũng tỏ ra không phù hợp với sắc thái vui vẻ, bình yên bao trùm tác phẩm.

Điều gây tiếc nuối nhất là việc xây dựng nhân vật hời hợt, điển hình là Thảo Nguyên (Khánh Vân) – trung tâm của câu chuyện tình rắc rối. Có không ít thời lượng lên hình, nhưng đã quá nửa bộ phim trôi đi, người xem vẫn chưa biết được mục tiêu của nhân vật, chưa rõ cô muốn gì. Thảo Nguyên lập lờ giữa mối quan hệ với Nghĩa và Tuấn Anh, cũng chẳng thể xác định chính xác lựa chọn của trái tim.

Nói Thảo Nguyên vô tư không nhận thấy tình yêu của Tuấn Anh là sai, vì chính cô tự thừa nhận lúc cả hai cãi vã. Còn nếu nói Thảo Nguyên im lặng để chờ đợi cũng không phải, vì cô là người đã chủ động mở lòng với chàng trai khác.

Minh Dự, Trần Nghĩa là điểm sáng diễn xuất.

Chẳng riêng Thảo Nguyên, ngay chính Tuấn Anh và Nghĩa cũng đầy mâu thuẫn. Ví như Tuấn Anh luôn chọn cách im lặng giấu giếm, nhưng lại trách cứ bạn thân “sao mày không hiểu cho cảm xúc của tao”.

Cảnh tranh cãi đẩy cao trào theo kiểu “ai hét lớn hơn”. Các nhân vật cáu giận thất thường, la lối và quát mắng đối phương để bảo vệ cảm xúc cá nhân mà bất chấp lý lẽ. Nghĩa trách bạn bè, Nguyên trách Tuấn Anh, Tuấn Anh trách cứ mẹ, mẹ Tuấn Anh trách chồng… Những cuộc cãi vã ồn ào, những lời thoại sáo rỗng chồng chéo nhau dần khiến thông điệp phim trở nên chệch hướng.

“Dù là chú Sơn hay ai chăng nữa cũng chỉ là đàn ông thôi. Mẹ cần một người đàn ông bên cạnh”, mẹ Tuấn Anh thốt lên khi bị con trai “bắt tại trận” ngoại tình với bạn thân của chồng, dù chính bà cũng là nạn nhân của cuộc sống hôn nhân tan vỡ. Điều này đặt dấu hỏi chấm lớn với góc nhìn về phụ nữ của biên kịch khi để cho nhân vật tư duy và hành xử như vậy.

Diễn xuất tròn vai của dàn cast là điểm sáng hiếm hoi, giúp tác phẩm lấy lại ít nhiều cảm tình từ khán giả. Dàn diễn viên gạo cội thể hiện tự nhiên, dù phần thoại hơi khó nghe, thường bị át bởi các giai điệu vang lên suốt phim.

Trong dàn cast trẻ, Trần Nghĩa vẫn ghi điểm với khả năng lột tả cảm xúc nội tâm bằng ánh mắt khá ấn tượng. Song, “spotlight” lại thuộc về Minh Dự với những màn tung hứng hài hước, duyên dáng, tạo được thiện cảm với người xem.

Theo ZNews