Ông Nghiêm Xuân Đa – Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA): 

Trong bối cảnh phải cạnh tranh gay gắt với các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp trong nước vẫn tiếp tục chiếm ưu thế trong sản xuất thép hình với trên 60% tổng sản lượng sản xuất trong nước và trên 70% thép hợp kim.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành thép vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, cần có những giải pháp hữu hiệu để khắc phục, nhất là trong bối cảnh sức ép cạnh tranh trên thị trường ngày càng gay gắt. Hiện các nước cũng ngày càng gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại và áp dụng nhiều rào cản, tiêu chuẩn khắt khe mới về môi trường, lao động.

Bên cạnh đó còn do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, xung đột chính trị dẫn đến đứt gãy nguồn cung toàn cầu… tình trạng “cung vượt cầu” của nhiều sản phẩm thép trong nước cùng sự gia tăng thép nhập khẩu sẽ làm cho sự cạnh tranh về giá cả mặt hàng thép thành phẩm nội địa trở nên khốc liệt hơn.

Trước những khó khăn hiện nay, Hiệp hội Thép Việt Nam kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quản lý kỹ thuật, quản lý chất lượng, hàng rào kỹ thuật nhằm ngăn ngừa các sản phẩm thép không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn và môi trường tràn vào thị trường Việt Nam. Bộ Công Thương kịp thời áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại như biện pháp tự vệ, chống bán phá giá, chống trợ cấp, lẩn tránh thương mại… nhằm ngăn ngừa hành vi cạnh tranh không lành mạnh, bảo vệ sản xuất trong nước.

Đặc biệt, cần hỗ trợ doanh nghiệp thép tăng cường đầu tư phát triển nguồn nhân lực và ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là năng lực nghiên cứu, phát triển sản phẩm, công nghệ sản xuất các sản phẩm thép chất lượng cao, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng; hỗ trợ, khuyến khích phát triển ngành thép theo hướng xanh, tuần hoàn, phát thải cacbon thấp để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường…

Theo Tạp chí Diễn đàn Doanh Nghiệp