Sau một thời gian dài giảm xuống đáy, lãi suất huy động gần đây liên tiếp tăng trở lại, nhiều người băn khoăn không biết có nên gửi tiền vào ngân hàng lúc này không?
Theo thống kê, tính riêng từ đầu tháng 6 đến nay đã có 23 ngân hàng tăng lãi suất huy động. Sau các đợt điều chỉnh, mặt bằng lãi suất huy động tăng đáng kể, với mức lãi suất cao nhất trên 6%/năm ở kỳ hạn dài.
Cụ thể, ở kỳ hạn 12 tháng, ABBank niêm yết mức lãi 6,0%/năm. GPBank ở vị trí thứ hai sau khi tăng lãi suất, niêm yết mức lãi 5,75%/năm. Theo đó là Bac A Bank hiện trả lãi 5,7%/năm, Oceanbank, MSB, Nam A Bank với mức lãi 5,4%/năm.
Tại kỳ hạn 18 tháng, HDBank và OceanBank đều có mức lãi suất là 6,1%/năm. Theo sau là BaovietBank với lãi suất 5,9%/năm và GPBank với lãi suất 5,85%/năm.
Nhóm BIG4 (Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank) có mức lãi suất cho tiền gửi online là 1,5 – 2%/năm cho kỳ hạn 1-6 tháng, 2,8-3%/năm cho kỳ hạn 6-12 tháng và 4,7%/năm cho kỳ hạn 12 tháng trở lên.
Theo các chuyên gia, thời gian tới, lãi suất có thể tiếp tục tăng. PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP.HCM nhận định, lãi suất tăng sẽ giúp giảm áp lực tỷ giá, song theo chu kỳ mùa vụ, áp lực tỷ giá sẽ còn quay trở lại từ cuối quý III và quý IV hằng năm.
Nếu duy trì mức lãi suất quá thấp sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá và ổn định vĩ mô. Do đó, việc tăng lãi suất này chắc chắn sẽ là xu hướng dài hạn.
Các chuyên gia của chứng khoán MB (MBS) cũng cho rằng, cầu tín dụng sẽ tiếp tục xu hướng tăng lên mạnh hơn từ giữa năm 2024 khi sản xuất và đầu tư tăng tốc mạnh hơn trong những tháng cuối năm. Nhóm phân tích dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn có thể nhích thêm 0,5 – 0,7%, quay về mức 5,1 – 5,3% trong nửa sau năm 2024.
“Tuy nhiên chúng tôi cho rằng lãi suất đầu ra sẽ vẫn duy trì ở mặt bằng hiện tại trong bối cảnh các cơ quan quản lý và ngân hàng thương mại nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn“, MBS nhận định.
Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo, mặt bằng lãi suất huy động sẽ liên tục duy trì ở ngưỡng cao trong thời gian tới. Nguyên nhân là áp lực lạm phát gia tăng từ quý III với các yếu tố tăng lương, chênh lệch tỷ giá USD/VND…
Theo tính toán từ VCBS, mặc dù lãi suất huy động đang có xu hướng tăng dần lên từ mức đáy nhưng mặt bằng lãi suất ở thời điểm hiện tại vẫn đang thấp hơn mức lãi suất trung bình 3 năm trước giai đoạn dịch COVID-19 là 5,05%/năm.
VCBS dự báo mặt bằng lãi suất huy động nhích nhẹ trong quý II và III từ 0,3 đến 0,5 điểm phần trăm. Đồng thời, áp lực tăng có thể sẽ gia tăng trong quý IV và kỳ vọng cả năm lãi suất có thể đi lên từ 0,5 đến 1 điểm phần trăm.
Trả lời câu hỏi có nên gửi tiết kiệm vào ngân hàng lúc này hay không, TS Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam cho rằng, gửi tiết kiệm là kênh phù hợp với tất cả người dân và nhà đầu tư, nhất là khi lãi suất gia tăng sẽ có sức hấp dẫn lớn đối với những người có “khẩu vị” ưa rủi ro thấp, mong muốn sự ổn định. Tuy vậy, nếu có nguồn vốn lớn nhàn rỗi thì cũng không nên “bỏ trứng vào một giỏ” mà phải đa dạng hoá kênh đầu tư của mình để đảm bảo an toàn.
Đồng tình với quan điểm này, ông Đặng Trần Phục, Chủ tịch HĐQT AzFin Việt Nam cho rằng, triển vọng nền kinh tế nửa cuối năm nay rất sáng sủa. Nhưng với nhà đầu tư, nguyên tắc bất di bất dịch là phải đa dạng hóa danh mục, đầu tư vào nhiều kênh khác nhau.
Theo ông Phục, trong các kênh đầu tư, tiền gửi tiết kiệm vẫn duy trì được sự hấp dẫn riêng. Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng hiện ở mức 5 – 6%/năm đảm bảo cho nhà đầu tư không quá thiệt thòi, thanh khoản và an toàn cao. Thực tế, tiền gửi của cá nhân vẫn tiếp tục chảy vào hệ thống ngân hàng.