Sau 5 phiên tăng trần liên tiếp, Công ty cổ phần hóa chất cơ bản miền Nam cho biết đây là vấn đề ngoài tầm kiểm soát và hoàn toàn do thị trường quyết định.
Công ty cổ phần hóa chất cơ bản miền Nam (Mã CK: CSV) – thành viên của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) vừa có văn bản giải trình với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về diễn biến giá cổ phiếu tăng trần 5 phiên liên tiếp.
Cổ phiếu CSV đã tăng gấp 2,5 lần từ đầu năm đến nay. Đặc biệt, trong phiên sáng 10/7, cổ phiếu CSV của hóa chất cơ bản miền Nam tiếp tục vượt đỉnh lịch sử, tăng trần liên tiếp lên mức 41.150 đồng/cp.
Đà tăng của cổ phiếu CSV diễn ra sau khi doanh nghiệp chốt 2/7 là ngày đăng ký cuối cùng nhận cổ tức năm 2023 bằng tiền và nhận phát hành cổ phiếu để tăng vốn, với tỷ lệ cổ tức là 25% bằng tiền.
Giải trình về biến động cổ phiếu từ ngày 3/7 – 9/7, doanh nghiệp cho biết giá cổ phiếu CSV bị ảnh hưởng và chi phối trực tiếp bởi tình hình chung của thị trường chứng khoán và tâm lý nhà đầu tư.
“Việc cổ phiếu CSV tăng trần 5 phiên liên tiếp là vấn đề nằm ngoài tầm kiểm soát của công ty”, Công ty cổ phần hóa chất cơ bản miền Nam nêu trong công văn giải trình.
Công ty cũng khẳng định Hội đồng Quản trị, Ban Tổng giám đốc đang nỗ lực hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024 mà Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 đã đề ra.
Dựa vào các con số của thực hiện kế hoạch 6 tháng đầu năm, công ty nhận định hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường, tuy gặp nhiều khó khăn cũng như thuận lợi, nhưng hiện không nhận thấy bất kỳ yếu tố đột biến lớn nào. Do đó, giá giao dịch cổ phiếu của công ty hoàn toàn do yếu tố thị trường quyết định.
Cũng tại công văn giải trình, hóa chất cơ bản miền Nam đã công bố kết quả kinh doanh ước tính trong 6 tháng đầu năm. Trong đó, doanh thu hợp nhất và lợi nhuận trước thuế hợp nhất của công ty lần lượt đạt 831,7 tỷ đồng và 158,8 tỷ đồng, tương ứng hoàn thành 51% và 61% kế hoạch.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 10/7, CSV đang giao dịch ở mức giá 40.000 đồng/cổ phiếu, đây là vùng giá cao nhất của cổ phiếu này kể từ khi niêm yết.
Động lực thúc đẩy đà tăng mạnh của cổ phiếu CSV nhiều khả năng được cho rằng đến từ kỳ vọng thị trường xút thế giới tạo đáy và sẽ đảo chiều đi lên trong năm nay khi nhu cầu quay trở lại.
Trong khi đó, mảng xút – clo đóng góp hơn 50% tổng doanh thu hàng năm của hóa chất cơ bản miền Nam. Các sản phẩm xút của doanh nghiệp có cơ cấu đa dạng như xút 25%, 32%, 40%, 50%, đáp ứng nhu cầu sử dụng của nhiều phân khúc khách hàng trên thị trường.
Trong quý I/2024, doanh thu của CSV chỉ đạt 351,3 tỷ đồng, giảm 10,3% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt đạt 62,3 tỷ đồng và hơn 49,7 tỷ đồng, tương ứng giảm hơn 30% và 29,89% so với cùng kỳ.
Mới đây, ngày 5/7, CSV công bố thông tin cho biết trong tháng 7/2024 sẽ phát hành và chuyển giao 66,3 triệu cổ phiếu theo tỷ lệ 100:150 (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận thêm 150 cổ phiếu mới).
Sau khi phát hành, CSV sẽ tăng vốn điều lệ từ 442 tỷ lên 1.105 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện được lấy từ thặng dư vốn cổ phần, quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu và quỹ đầu tư phát triển. Tổng số cổ phiếu CSV lưu hành trên thị trường sẽ tăng từ 44,2 triệu lên 110,5 triệu.
Bên cạnh CSV, nhiều cổ phiếu phân bón thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cũng chung xu hướng tích cực, tiêu biểu như cổ phiếu của Phân bón Bình Điền (BFC) và Phân bón Lâm Thao (LAS) cùng vượt đỉnh lịch sử.
Lý do của đà tăng tích cực được cho rằng một phần tác động đến từ Vinachem công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm. Doanh thu và lợi nhuận của tập đoàn 6 tháng đầu năm ước đạt 29.595 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ, thực hiện 52% kế hoạch năm. Lợi nhuận Vinachem ước đạt 815 tỷ đồng. Kết quả này có được nhờ doanh thu và lợi nhuận của các công ty con đều tăng mạnh so với năm 2023.
|