Từng “hứa” đầu tư 10 tỷ USD vào VN, người giàu thứ hai châu Á công bố xây dựng siêu công trình ở Đà Nẵng

Vị tỷ phú giàu thứ hai châu Á mới đây có kế hoạch xây dựng một công trình lớn tại Việt Nam, nhằm xử lý nhiều loại hàng hóa khác nhau.

Vị tỷ phú này là Gautam Adani, người giàu thứ hai ở châu Á, đồng thời là Chủ tịch Tập đoàn Adani, tập đoàn kinh tế lớn nhất của Ấn Độ (với vốn hóa thị trường khoảng hơn 200 tỷ USD). Vào tháng 12/2023, người đàn ông giàu có này từng cam kết sẽ đầu tư khoảng 10 tỷ USD ở Việt Nam trong 10 năm tới.

Theo ông Karan Adani, Giám đốc điều hành Công ty Cảng và Đặc khu kinh tế Adani, chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn, rằng công ty đã nhận được sự phê duyệt sơ bộ từ Chính phủ Việt Nam để phát triển một cảng mới ở TP Đà Nẵng.

Ông Karan Adani cho biết, dự án này sẽ có bến cảng container, bến đa năng để giúp xử lý nhiều loại hàng hóa khác nhau. Công ty của Ấn Độ hiện đang ở giai đoạn lập kế hoạch ban đầu. Do đó, tổng mức đầu tư cần thiết vẫn còn chưa được quyết định.

Tỷ phú Gautam Adani có kế hoạch xây dựng một cảng tại Việt Nam khi tập đoàn Ấn Độ này tìm cách phát triển cơ sở hạ tầng ở nước ngoài. Ảnh: Bloomberg

Theo tờ Bloomberg, cảng dự kiến được xây dựng ở Đà Nẵng (Việt Nam) sẽ cảng quốc tế thứ tư của Tập đoàn Adani, chỉ sau cảng Haifa ở Israel, cảng Colombo tại Sri Lanka và cảng Dar es Salaam ở Tanzania.

Ông Karan Adani cho biết: “Mục tiêu là muốn đưa Ấn Độ trở thành một trung tâm hàng hải. Chúng tôi đang hướng đến các quốc gia có nền tảng sản xuất tốt hoặc dân số cao. Những yếu tố này sẽ dẫn đến mức tiêu thụ cao. Chúng tôi đang tập trung vào khối lượng sản xuất ở các quốc gia này“.

Adani hiện là tập đoàn kinh tế lớn nhất ở Ấn Độ đang hoạt động trong những lĩnh vực về cảng biển, vận tải, năng lượng, logistics, công nghệ số… ở hơn 50 quốc gia trên thế giới. Adani được biết đến là nhà khai thác hoạt động cảng lớn nhất khu vực tư nhân Ấn Độ. Theo Bloomberg, Adani nhận được khoảng 5% tổng khối lượng từ hoạt động quốc tế và tập đoàn muốn tăng tỷ lệ này lên tới 10% vào năm 2030.

Giám đốc điều hành Công ty Cảng và Đặc khu kinh tế Adani, cho biết công ty đang xem xét về những cơ hội thực hiện dự án quốc tế tại Trung Đông, Đông Nam Á, Đông Phi, Sri Lanka, Maldives, Bangladesh, trong đó có Việt Nam và Campuchia. Bởi vì đây đều là các khu vực có nhiều hoạt động thương mại với Ấn Độ.

Tỷ phú giàu thứ hai châu Á và “đế chế” hùng mạnh trên nhiều lĩnh vực

Ông Gautam Adani là Chủ tịch kiêm nhà sáng lập Tập đoàn Adani. Ảnh: Reuters

Ông Gautam Adani sinh năm 1962 trong một gia đình có nhiều anh chị em ở Ấn Độ. Ngay từ khi còn nhỏ, ông Gautam đã đam mê kinh doanh. Do đó, đến năm 2 đại học, ông chấp nhận bỏ dở việc học để theo đuổi vận may trong công việc buôn bán, dù lúc đó trong tay chỉ có vỏn vẹn 100 rupee. Sau mấy năm làm nhân viên phân loại kim cương, ông Gautam đã thành lập một công ty môi giới kim cương mang tên Zaveri Bazzar ở Mumbai.

Đến năm 1985, ông Gautam làm quản lý nhà máy cho anh trai tại Ahmedabad, bắt đầu nhập khẩu nhựa PVC để cung cấp cho những ngành công nghiệp quy mô nhỏ. Năm 1988, ông thành lập Adani Enterprises (công ty con của Tập đoàn Adani). Hiện nay, công ty này là hãng kinh doanh than đá lớn nhất ở Ấn Độ.

Công việc kinh doanh của ông Gautam Adani phất lên như diều gặp gió, Tập đoàn Adani trở thành một đế chế hùng mạnh với nhiều lĩnh vực như năng lượng, khai thác than, phân phối dầu khí, cảng biển…Đến năm 1995, ông Gautam Adani đàm phán thành công và giành được quyền xây dựng cảng biển Mundra tại Gujarat, đưa cảng này trở thành một cảng biển tư nhân lớn nhất ở Ấn Độ.

Đỉnh điểm của việc ăn nên làm ra, vào tháng 8/2022, với khối tài sản lên tới 137,4 tỷ USD, ông Gautam Adani trở thành người giàu thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Elon Musk và Jeff Bezos (theo Bloomberg Billionaires Index).

Ông Gautam Adani hiện là tỷ phú giàu thứ 14 thế giới, thứ hai ở châu Á, với tài sản ròng trị giá 103 tỷ USD.

Tập đoàn Adani hiện sở hữu 14 cảng biển tư nhân, chiếm 25% năng lực cảng biển của Ấn Độ và 7 sân bay lớn. Trong năm 2023, tập đoàn này ghi nhận doanh thu đạt khoảng 33 tỷ USD, lợi nhuận khoảng 2,9 tỷ USD, với 29.000 nhân viên trên toàn cầu.

Cuối năm 2023, tỷ phú Gautam Adani, Chủ tịch Tập đoàn Adani trình bày với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về chiến lược hợp tác của tập đoàn tại Việt Nam, với tổng giá trị đầu tư lên đến 10 tỷ USD trong 10 năm tới. Trong đó, có các lĩnh vực như cảng biển, logistics, hạ tầng, năng lượng tái tạo. Ảnh: VGP

Trước đó, vào cuối năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi tiếp ông Gautam Adani, Chủ tịch Tập đoàn Adani. Trong buổi gặp gỡ này, Thủ tướng đã đề nghị Tập đoàn Adani tiến hành nghiên cứu triển khai hiệu quả dự án cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng), đồng thời nghiên cứu đầu tư xây dựng sân bay Chu Lai và những dự án cụ thể trong các lĩnh vực năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo.

Theo Đời Sống Pháp Luật