Lần đầu tiên Bộ trưởng Công Thương Việt Nam dự Hội nghị Bộ trưởng Thương mại G7 mở rộng. Đây là cơ hội để Việt Nam chia sẻ với các đối tác kinh tế lớn về định hướng hợp tác, phát triển của mình.
G7 là nhóm các quốc gia phát triển gồm Italia, Canada, Pháp, Đức, Nhật Bản, Anh và Hoa Kỳ. Ngoài các cuộc họp nội bộ, hai hôm nay, 16 và 17-7, G7 đang mở Hội nghị Bộ trưởng Thương mại mở rộng, với sự tham gia của Bộ trưởng Thương mại và các quan chức Chính phủ Việt Nam cùng Ấn Độ, New Zealand, Argentina, Brazil, Hàn Quốc đang tham dự Hội nghị Bộ trưởng Thương mại G7 mở rộng.
Sự kiện còn có sự tham dự của đại diện Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Với Việt Nam, đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Công Thương tham dự sự kiện này, theo lời mời của nước chủ nhà Italia. Điều này chứng tỏ Italia và các nước G7 đánh giá rất cao vai trò của Việt Nam trong thúc đẩy phát triển thương mại thế giới, theo tin phát của Bộ Công Thương chiều nay.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có bài phát biểu kéo dài trong khoảng 10 phút, tập trung vào các ưu tiên hợp tác với các nước thành viên G7 mở rộng trên nhiều khía cạnh như đa dạng chuỗi cung ứng; đổi mới công nghệ, chuyển đổi số chuỗi cung ứng…
Trong phát biểu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, tự do hoá thương mại là động lực chủ yếu cho sự phát triển.
Gần 40 năm qua, từ một nước vừa bước ra khỏi chiến tranh, chậm phát triển, Việt Nam đã vươn lên nhóm 40 nền kinh tế có quy mô lớn nhất thế giới, thuộc top 20 về thương mại quốc tế, top 15 về thu hút đầu tư nước ngoài và top 45 về chỉ số đổi mới sáng tạo.
Những năm qua, Việt Nam luôn duy trì mức tăng GDP khá cao và ổn định. Giai đoạn chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID, 2021 – 2023, kinh tế tăng trưởng trung bình 5,5%/năm; 6 tháng đầu năm 2024 đạt 6,42% và dự báo cả năm có thể đạt 6,5% – 7,0%.
hát biểu với các quan chức G7 và các đại biểu dự sự kiện, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng nhấn mạnh Việt Nam nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả; lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, và ngoại lực là quan trọng đột phá.
Việt Nam cũng đẩy mạnh thực hiện ba giải pháp chiến lược về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực. Đồng thời, thúc đẩy phát triển dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Từ góc độ một quốc gia đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu, Việt Nam đã đưa ra một số đề xuất giải pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa G7 và các nước.
Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam mong muốn hợp tác với các thành viên G7 trên các khía cạnh như đa dạng hóa chuỗi cung ứng; thúc đẩy đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển dịch vụ logistics; đẩy mạnh về đổi mới công nghệ, chuyển đổi số chuỗi cung ứng…
“Việt Nam cam kết tạo thuận lợi nhất để các doanh nghiệp G7 đầu tư, kinh doanh lâu dài, ổn định và hiệu quả tại Việt Nam, bởi thành công của các doanh nghiệp cũng là thành công của Việt Nam” – Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định.
|