Để phát triển giao thông đường thủy, thu hút khách du lịch, TPHCM dự kiến sẽ xây 3 bến tàu khách quốc tế tại Khu đô thị biển Cần Giờ, Mũi Đèn Đỏ, cảng Bến Nghé.
Chưa có cảng tàu khách chuyên dụng
Sau hai tháng vận hành, tàu cao tốc Thăng Long sức chứa 1.017 người, chạy tuyến TPHCM – Côn Đảo tạm dừng hoạt động từ ngày 29.7 vì ế khách.
Đây là cảng hàng hóa nằm cách xa trung tâm thành phố, khách vẫn gặp bất tiện vì qua nhiều khâu trung chuyển, chưa kể còn các thủ tục đăng ký kèm theo. Khách đi xe cá nhân phải tốn thêm phí ra vào cảng ngoài tiền vé. Cũng vì là cảng hàng hóa nên không có các dịch vụ tiện ích như khu vực đón tiếp, nhà hàng, cửa hàng lưu niệm và các dịch vụ hỗ trợ khác.
Nằm ở hạ lưu sông Đồng Nai và sông Sài Gòn, TPHCM có đường bờ biển dài 23km và mạng lưới sông ngòi, kênh rạch khá dày đặc với mật độ lên tới 3,38km/km2. Sông Sài Gòn là sông lớn nhất, có 80km chảy qua địa bàn thành phố, là nơi có thể tiếp nhận các tàu biển và các tàu du lịch lớn, có tiềm năng phát triển loại hình du lịch sinh thái, đường thủy nội đô, cũng như các tuyến đường sông kết nối với các tỉnh Đông Nam Bộ, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và sang Campuchia.
Song trong những năm qua, các tàu khách quốc tế đến TPHCM đều phải cập tạm vào các bến cảng hàng hóa như cảng Nhà Rồng – Khánh Hội, cảng Hiệp Phước. Việc đón trả hành khách tại các bến hàng hóa không đảm bảo các yêu cầu về an toàn, an ninh hàng hải.
Bên cạnh đó, việc không có bến neo đậu cho tàu khác khiến thời gian qua rất nhiều hãng tàu biển không thể đưa khách đến TPHCM du lịch, tham quan mua sắm. Điều này không chỉ làm giảm doanh thu từ du lịch mà còn ảnh hưởng đến các ngành dịch vụ liên quan như nhà hàng, khách sạn và bán lẻ.
Theo tính toán của Sở Du lịch TPHCM, chi tiêu trung bình của mỗi khách du lịch bằng tàu biển khoảng 100 USD/ngày – một nguồn thu lớn nhưng đã không được tận dụng.
Quy hoạch 3 bến tàu khách quốc tế
Theo ông Bùi Hòa An – Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM, 3 bến tàu khách quốc tế đã được TPHCM đưa vào Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, dự kiến trình Thủ tướng thông qua thời gian tới.
3 bến tàu sẽ được xây dựng tại Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ cho tàu có tải trọng đến 100.000 GT (tổng dung tích trên tàu); Mũi Đèn Đỏ (cho tài 60.000 GT) và Cảng Bến Nghé (cho tàu 30.000 GT).
Lãnh đạo Sở GTVT TPHCM cho biết, các bến tàu khách quốc tế sẽ được xây dựng với đầy đủ các tiện ích và dịch vụ hiện đại. Có bến đậu riêng, khu vực đón tiếp sang trọng, các dịch vụ ăn uống, mua sắm và giải trí để tạo điều kiện thuận lợi và thoải mái nhất cho du khách.
Ông Nguyễn Hải Nam – Giám đốc Cảng vụ hàng hải TPHCM thông tin, doanh nghiệp có xu hướng đầu tư nhiều tàu biển chở được nhiều khách, hàng hóa, giúp giảm chi phí. Vài năm gần đây, tàu khách quốc tế cỡ lớn đến TPHCM tăng, song không vào được nội đô vì vướng tĩnh không cầu Phú Mỹ. Đây là cầu dây văng vượt sông Sài Gòn, tĩnh không thông thuyền 45m – cao nhất ở thành phố nhưng vẫn chưa đủ đáp ứng. Điều này khiến các tàu phải cập tạm ở cảng hàng hóa bên ngoài, gặp nhiều khó khăn khi phục vụ khách.
Ngoài tĩnh không cầu, trên các tuyến sông ở TPHCM còn vướng đường điện với chiều cao 55m, nên chỉ tàu thấp hơn mới có thể đi qua. Do đó, ông Nam cho rằng, thành phố nên sớm xây bến hành khách quốc tế chuyên dụng, nhất là ở Cần Giờ. Nơi này nhiều tiềm năng, lợi thế về giao thông đường thủy cũng như du lịch nên khi xây cảng sẽ hình thành đầu mối lớn, không chỉ giúp TPHCM mà cả khu vực phát triển.