Người Trung Quốc cuồng ăn sầu riêng nhưng trồng nhiều năm vẫn thất bại. Việt Nam thành công xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này giúp nông dân trồng loại cây “1 vốn 5 lời” thu loạt kỷ lục.
Nông dân thu hàng chục nghìn tỷ, “tậu” cả nghìn ô tô
Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới. Cũng bởi vậy, quốc gia tỷ dân này đã nỗ lực nội địa hoá bằng cách trồng sầu riêng. Tuy nhiên, sau nhiều thập kỷ trồng thử nghiệm, người nông dân Trung Quốc vẫn chưa thể thành công.
Vài năm gần đây, vùng trồng sầu riêng ở một số địa phương của Trung Quốc được mở rộng. Cây sầu riêng đã cho quả nhưng không đều, chất lượng cơm cũng không được như kỳ vọng, thậm chí có những quả “không có mùi vị gì cả”.
Thế nên, mỗi năm, Trung Quốc vẫn phải chi ra vài tỷ USD nhập khẩu sầu riêng. Năm 2023, quốc gia này đã chi khoảng 6,5 tỷ USD để nhập khẩu 1,4 triệu tấn sầu riêng, tăng gần 70% so với năm trước, với nguồn cung chủ yếu đến từ Thái Lan và Việt Nam.
Sầu riêng của Việt Nam đã xuất khẩu sang Trung Quốc nhiều năm nay, song đi theo đường tiểu ngạch. Mãi đến những tháng cuối năm 2022, nước ta thành công mở cửa thị trường Trung Quốc để xuất khẩu “vua trái cây” bằng đường chính ngạch. Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng liên tục phá đỉnh lịch sử. Ngành sầu riêng và người nông dân thu về loạt kỷ lục lịch sử.
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam năm 2023 đạt 2,24 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chủ lực, chiếm 96,8% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành sầu riêng của Việt Nam.
Con số trên đã đưa sầu riêng trở thành trái cây “tỷ USD” tiếp theo của Việt Nam (sau thanh long), đồng thời là loại trái cây có kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong nhóm ngành rau quả.
Trong nửa đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đạt khoảng 1,32 tỷ USD, tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến, 6 tháng cuối năm vào vụ thu hoạch sầu riêng ở Tây Nguyên, kim ngạch xuất khẩu có thể thu về thêm 2 tỷ USD.
Khoảng 2 năm trở lại đây, sầu riêng trở thành từ khoá hot trên các diễn đàn cũng như ở các vùng trồng. Câu chuyện “sầu riêng” có thể thành “sầu chung” vì diện tích tăng nóng được đưa ra thảo luận nhiều lần. Người nông dân trở thành tỷ phú nhờ trúng sầu cũng xuất hiện nhiều kể từ khi loại trái cây này được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Nhà vườn ở miền Tây cho biết, ở vụ nghịch sầu riêng giá cao, nông dân trồng sầu riêng có thể thu lãi từ 1-2,5 tỷ đồng/ha tuỳ sản lượng và giá cả. Với vụ thuận, giá sầu dao động từ 60.000-100.000 đồng/kg, trừ đi chi phí nông dân vẫn lãi khoảng 700 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha.
Theo ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), sầu riêng các nhà vườn làm ra hiện nay giá thành sản xuất khoảng 20.000 đồng/kg, còn HAGL làm sầu riêng giá thành chỉ 13.000-15.000 đồng/kg.
“Có nghĩa, sầu riêng làm ra mình bán giá nào cũng lời, 30.000-50.000 đồng/kg đã quá sướng rồi”, ông nói và ví von rằng, với giá thành cao như hiện nay, sầu riêng là cây trồng “1 vốn 5 lời”.
Bên lề họp báo Lễ hội sầu riêng năm 2024 diễn ra mới đây, bà Ngô Thị Minh Trinh – Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) – cho biết, chỉ trong năm 2022 và 2023, toàn huyện có thêm hơn 1.000 chiếc ô tô. Những người mua được ô tô chủ yếu nhờ trúng sầu riêng trong hai năm vừa qua.
Trước đó, lãnh đạo Sở NN-PTNT Đắk Lắk cũng thông tin, năm 2023, doanh thu từ sầu riêng ở tỉnh này đạt con số kỷ lục gần 15.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, tại xã Hòa Nam (Di Linh, Lâm Đồng), người nông dân cũng thu trên 500 tỷ đồng nhờ trúng giá sầu riêng. Bình quân, mỗi hộ trồng sầu riêng có thu nhập từ 1,2-1,5 tỷ đồng. Trong xã Hoà Nam, khoảng chục hộ có mức thu 4-10 tỷ đồng từ sầu riêng.
Hay như ở huyện nghèo miền núi Khánh Sơn (Khánh Hoà), nhờ trồng sầu riêng mà vụ thu hoạch năm ngoái nông dân thu về gần 1.000 tỷ đồng – con số cao kỷ lục.
Sầu đông lạnh sẽ là xu hướng
Với tốc độ nhập khẩu như hiện nay, dung lượng thị trường sầu riêng Trung Quốc được dự báo sớm tăng lên mốc 20 tỷ USD/năm. Tức, Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường tỷ dân này.
Đáng chú ý, cơ quan chức năng của nước ta và Trung Quốc đã hoàn tất đàm phán kỹ thuật và sẽ sớm ký kết nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh. Theo đó, ngoài sầu riêng nguyên quả tươi, nước ta có thể xuất khẩu các sản phẩm sầu đông lạnh.
Ông Nguyễn Quang Hiếu – Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) – cho rằng, sản phẩm chế biến đông lạnh sẽ hỗ trợ cho các sản phẩm sầu riêng khác. Bởi trong quá trình sản xuất, những sản phẩm chưa đạt chất lượng cao, nhà vườn có thể chuyển sang dạng chế biến.
Tại hội nghị sầu riêng châu Á lần thứ 2, chuyên gia nông nghiệp Thái Lan Sakda Sinives đã phân tích về xu hướng của thị trường sầu riêng tại Trung Quốc trong những năm tới.
Theo ông, quả sầu riêng phần ăn được chỉ chiếm 30-35% trọng lượng, 65-70% còn lại là vỏ và hạt không ăn được. Trung Quốc nhập khẩu hàng triệu tấn mỗi năm nên gặp áp lực lớn về vấn đề rác thải hữu cơ từ vỏ sầu riêng và có thể gây ra ô nhiễm môi trường.
Ví như khí mê-tan từ quá trình phân hủy kỵ khí chất thải hữu cơ tại các bãi chôn lấp; khi CO2 từ quá trình phân hủy hiếu khí; nitơ oxit từ quá trình phân hủy nitơ trong chất thải hữu cơ… Những khí này đều gây phát thải khí nhà kính.
Chưa kể, với khoảng 50.000 container xuất khẩu từ Thái Lan vào năm 2023, chi phí vận chuyển riêng rác thải vỏ sầu riêng mà các nhà xuất khẩu phải chịu ước tính khoảng 325-350 triệu USD.
Cùng với đó, hành vi tiêu dùng của thế hệ trẻ, với các hộ gia đình nhỏ hơn và nhịp sống nhanh hơn sẽ làm tăng nhu cầu về sự tiện lợi của sản phẩm. Năm ngoái, ngoài sầu riêng tươi, Trung Quốc đã chi hơn 1 tỷ USD để nhập sầu đông lạnh. Do đó, chuyên gia Thái Lan cho rằng sản phẩm sầu riêng đông lạnh phù hợp với tiêu dùng hiện đại và sẽ trở thành xu thế mới ở thị trường Trung Quốc.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nhận định, nếu ký được thêm nghị định thư xuất khẩu sầu đông lạnh sang Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu loại trái cây này sẽ thu thêm vài trăm triệu USD mỗi năm.
Thực tế cho thấy, xuất khẩu sầu riêng tươi có chi phí bảo quản và vận chuyển khá cao do đòi hỏi lịch trình vận chuyển ngắn hạn, điều kiện bảo quản khắt khe, tiềm ẩn nhiều rủi ro hư hỏng… khiến lợi nhuận bị hạn chế. Thế nên, nhiều doanh nghiệp đang nghiên cứu tiêu chuẩn chế biến chuyên sâu, chuyển sang hình thức xuất khẩu múi sầu riêng cấp đông để giảm thiểu rủi ro, nâng cao giá trị kinh tế.