Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 – 2030, huyện Bình Chánh là đô thị cửa ngõ phía Tây, nhưng đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, huyện thành hai phía Tây và Nam.
Trong văn bản giải trình ý kiến theo Báo cáo thẩm tra và ý kiến tại kỳ họp HĐND TP.HCM lần thứ mười sáu, khóa X về Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND TP.HCM đã có trả lời ý kiến của đại biểu HĐND TP về các vấn đề trong quy hoạch, trong đó có quy hoạch huyện Bình Chánh.
Mối quan hệ giữa hai quy hoạch
“Huyện Bình Chánh trong quy hoạch chung (Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060) tách ra làm hai phía Nam và Tây. Còn Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là phía Nam. Vậy thống nhất như thế nào?”, bà Nguyễn Thị Kim Dung, đại biểu HĐND TP.HCM nêu câu hỏi trong báo cáo thẩm tra ý kiến HĐND TP.HCM.
Trả lời ý kiến này, UBND TP.HCM giải thích: Theo Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phương án quy hoạch hệ thống đô thị được định hướng: TP.HCM là đô thị loại đặc biệt, được hình thành trên cơ sở hệ thống đô thị thống nhất bao gồm khu vực nội thành, các đô thị trực thuộc.
Theo đó, trong thời kỳ quy hoạch, hệ thống đô thị của TP bao gồm khu vực đô thị trung tâm (các quận nội thành) đạt tiêu chuẩn của đô thị đặc biệt theo quy định và sáu đô thị trực thuộc gồm: TP Thủ Đức là đô thị loại I và năm đô thị vệ tinh (gồm Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ) đều đạt tiêu chuẩn đô thị loại III, làm cơ sở để nâng cấp lên thành phố”.
Theo UBND TP, sau thời kỳ quy hoạch, hệ thống đô thị của TP.HCM bao gồm khu vực đô thị trung tâm (các quận nội thành) đạt tiêu chuẩn của đô thị đặc biệt theo quy định và bốn đô thị trực thuộc gồm TP Thủ Đức là đô thị loại I và ba đô thị vệ tinh đạt tiêu chuẩn đô thị loại II hoặc III.
Trong đó, ba đô thị vệ tinh gồm: phía Bắc gồm Hóc Môn – Củ Chi; đô thị phía Tây gồm huyện Bình Chánh; đô thị phía Nam gồm huyện Nhà Bè, huyện Cần Giờ và quận 7. Ranh giới chính thức của các đô thị trực thuộc TP.HCM được xác định khi thành lập các đô thị này.
“Mối quan hệ giữa các loại quy hoạch: Quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn phải phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh (Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050)”, UBND TP giải thích trong văn bản.
Như vậy, Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 cũng phải phù hợp Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tiền đề cho điều chỉnh quy hoạch chung
UBND TP.HCM giải thích thêm, về định hướng phát triển hệ thống đô thị của Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050: Đây là phương án làm cơ sở để hình thành phương án xác định các phân vùng đô thị trong Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.
“Định hướng phát triển đô thị dựa trên các luận cứ có tính khả thi đáp ứng yêu cầu gồm: Hướng tới mô hình cấu trúc đô thị đa trung tâm; khả năng liên kết thuận lợi giữa các đô thị vệ tinh và liên kết giữa đô thị vệ tinh với khu vực đô thị trung tâm và TP Thủ Đức trong hệ thống đô thị”, báo cáo đánh giá.
Trong đó, cấu trúc mô hình đô thị đa tâm sẽ tập trung các nguồn lực để phát triển nhanh, bền vững theo mô hình thành phố mới vệ tinh có tính độc lập cao. Đồng thời, tận dụng được tiềm năng lợi thế và điều kiện thuận lợi để các đô thị vệ tinh sớm đạt đô thị loại III, làm cơ sở thành lập thành phố cửa ngõ của TP.HCM.
Cấu trúc mô hình đô thị đa tâm cũng phù hợp với Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, TP.HCM sẽ tạo ra năm phân vùng phát triển chính: Phân vùng đô thị trung tâm, phân vùng đô thị phía Đông, phân vùng đô thị phía Bắc – Tây Bắc, phân vùng đô thị phía Tây (phần lớn huyện Bình Chánh và phân vùng đô thị phía Nam (quận 7, huyện Nhà Bè, Cần Giờ và một phần huyện Bình Chánh).
|