“Tôi đến ngõ nào cũng đông kín. Tôi không ngại vất vả, mệt mỏi dù đã chờ đợi tổng cộng gần 10 tiếng. Tổng Bí thư yêu dân thì dân yêu lại”, anh Năm nói.
Anh Nguyễn Đình Năm (43 tuổi, ở thị trấn Nông Cống, Thanh Hóa) là một trong những người dân đầu tiên được vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sáng 26/7.
Anh Năm cho biết, đã có mặt tại phố Hàn Thuyên từ 3h sáng và chờ suốt 4 tiếng đồng hồ. Ngày hôm trước, anh Năm cũng đã xếp hàng 5 tiếng nhưng lỡ hẹn vào viếng vì Nhà tang lễ Quốc gia đóng cửa.
Vì yêu quý và kính trọng Tổng Bí thư, hai vợ chồng anh Năm đã đi xe khách, vượt quãng đường hơn 100km đến Hà Nội. Tối 25/7, sau nhiều tiếng chờ đợi, anh thuê một phòng nghỉ trong khu vực nghỉ ngơi tạm vài tiếng. Đến 3h ngày 26/7, anh Năm đã ra xếp hàng vì sợ hôm nay sẽ đông hơn hôm qua.
“Hôm qua, tôi đến ngõ nào cũng đông kín. Đêm qua, rất đông người dân cũng chờ đợi như tôi. Tôi không ngại vất vả, mệt mỏi dù đã chờ đợi tổng cộng gần 10 tiếng. Tổng Bí thư yêu dân thì dân yêu lại”, anh Năm nói.
Theo chương trình lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ngày 26/7, người dân tiếp tục được vào viếng từ 7h và kết thúc lúc 12h30. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, từ sáng sớm, trên nhiều ngõ phố dẫn vào Nhà tang lễ Quốc gia, hàng nghìn người dân đã có mặt xếp hàng, nhiều người thậm chí đã thức trắng đêm.
Anh Dương Văn Chinh (47 tuổi, ở huyện Phú Bình, Thái Nguyên) cùng 3 người bạn từ Thái Nguyên di chuyển xe cá nhân tới Hà Nội và xếp hàng suốt buổi chiều đến đêm, đến lúc gần được vào viếng thì hết giờ.
0h, cả nhóm thuê một nhà nghỉ dự định nằm ngả lưng nhưng không ai ngủ được. 2h sáng, họ lại cùng nhau ra cổng Nhà tang lễ Quốc gia xếp hàng.
“Đến 3h, người dân bắt đầu đổ về đông. Chúng tôi đứng từ trước nên hi vọng sáng nay sẽ được vào kính viếng Tổng Bí thư”, anh Chinh nói.
Theo anh Chinh, nhóm của anh có tất cả 4 người nhưng 1 người bạn vì có việc gia đình đột xuất nên phải bắt xe về quê ngay trong đêm. Người bạn này rất luyến tiếc khi không thể tiễn biệt Tổng Bí thư.
Anh Chinh chia sẻ cảm thấy rất thương và kính trọng Tổng Bí thư vì đã làm việc tận hiến cho dân cho nước. “Ông thực sự đã làm việc đến những phút cuối cùng”, anh Chinh nói.
Đứng đầu dòng người ở phố Hàn Thuyên, chị Đặng Thị Thu Hương (48 tuổi, giáo viên Trường tiểu học Văn Yên, Hà Đông, Hà Nội) cho biết, chị có mặt tại phố Hàn Thuyên lúc 23h đêm hôm trước. Tuy nhiên, vì đến giờ nhà tang lễ đóng cửa nên chị đành ngậm ngùi đứng bên ngoài.
Vì thấy dòng người đổ về các ngả ngày một đông nên chị Hương quyết định không về nhà và ngồi chờ cả đêm.
“Ngồi chờ với tôi còn có nhiều người ở các tỉnh xa. Mọi người cùng nhau xem lại những hình ảnh của Tổng Bí thư, kể cho nhau nghe những câu chuyện, lời dạy của Tổng Bí thư để đêm mau qua đi. Ai cũng nóng lòng mong được vào viếng Tổng Bí thư”, chị Hương nói.
Là một cô giáo, chị Hương biết được Tổng Bí thư luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho giáo dục, phát triển con người nên càng trân trọng biết ơn.
“Tôi cũng luôn kể những câu chuyện về Bác Hồ, đại tướng Võ Nguyên Giáp và giờ đây là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho các học sinh của mình. Mỗi con người, mỗi thời đại lại mang đến cho các con những bài học vô giá”, chị Hương nói.
Bà Hoàng Thị Năm (78 tuổi, bị hỏng một mắt) di chuyển từ thành phố Bắc Giang, có mặt tại phố Hàn Thuyên (Hà Nội) lúc 3h30. Bà là một trong những người đầu tiên có mặt trước cổng Nhà tang lễ Quốc gia, xếp hàng vào viếng Tổng Bí thư.
Đến Hà Nội khi trời chưa sáng nhưng bà Năm đã nhìn thấy rất nhiều người ngồi đây chờ đợi, họ xếp hàng xuyên cả đêm. Bà Năm cho biết, nhìn thấy hình ảnh đoàn người không ngại mệt mỏi, cùng nhau trò chuyện, xem ảnh Tổng Bí thư, bà thấy rất xúc động vì tinh thần đoàn kết và tình yêu nước của mọi người.
“Cả đêm qua tôi trằn trọc không ngủ được vì nóng lòng mong mỏi đến lúc được vào “thăm” Tổng Bí thư lần cuối. Hành lý mang lên Hà Nội không có gì nhưng tôi vẫn loay hoay sắp đi sắp lại, dậy từ 2h sáng để chuẩn bị”, bà Năm nghẹn ngào.