Hiện tại, Việt Nam đang đứng thứ 3 thế giới về cung cấp và chế biến gia vị.
Việt Nam là nước đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu trong hơn 20 năm qua, chiếm 40% sản lượng thu hoạch và 60% thị phần xuất khẩu toàn cầu.
Ở thị trường Ấn Độ, trong 5 tháng đầu năm, Việt Nam là nguồn cung hồ tiêu lớn nhất với khối lượng đạt 5.220 tấn, tăng 42,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị phần hồ tiêu của Việt Nam tại đây được nâng từ 32,5% lên mức 41,8%.
Giá tiêu xuất khẩu bình quân của Việt Nam vào Ấn Độ cũng tăng 29,7% lên 4.371 USD/tấn, cao hơn so với mức giá 3.414 USD/tấn của Brazil và 3.141 USD/tấn của Indonesia, nhưng thấp hơn so với con số 6.190 USD/tấn của Sri Lanka. Theo số liệu của Bộ Thương mại Ấn Độ, tính đến hết tháng 5, tổng nhập khẩu hồ tiêu của nước này đạt 12.482 tấn, tăng gần 11% so với cùng kỳ năm ngoái.
Được biết, Ấn Độ đang là quốc gia sản xuất hồ tiêu lớn thứ ba thế giới và là nhà nhập khẩu lớn thứ hai toàn cầu đối với mặt hàng này. Để đáp ứng nhu cầu trong nước và quốc tế, Ấn Độ có thể phải tăng nhập khẩu nguyên liệu để chế biến trong thời gian tới, đây được xem là cơ hội cho các nhà xuất khẩu hồ tiêu trên thế giới bao gồm cả Việt Nam.
Ở Trung Quốc, trong 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam là nguồn cung hồ tiêu lớn thứ hai (xếp sau Indonesia) với 1.515 tấn, giảm 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, thị phần của Việt Nam tại Trung Quốc đạt 32,7%, giảm nhẹ so với mức 36,5% của cùng kỳ năm ngoái. Dù vậy, đây vẫn là một trong những thị trường xuất khẩu hồ tiêu chính của Việt Nam.
Cũng trong 6 tháng đầu năm, Mỹ là thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam với khối lượng đạt 37.435 tấn, tăng 44,6% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 26,3% thị phần.
Hiện tại, Việt Nam đang đứng thứ 3 thế giới về cung cấp và chế biến gia vị, tuy nhiên chủ yếu các sản phẩm xuất khẩu có hàm lượng chế biến thấp. Toàn ngành gia vị Việt Nam chỉ có 14 nhà máy đạt trình độ công nghệ chế biến sâu.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), Nhà nước cần quan tâm xem xét, hỗ trợ thêm để doanh nghiệp mở rộng đầu tư công nghệ chế biến thông qua các hình thức như cho vay vốn ưu đãi hoặc trợ cấp một phần (30 – 50%) chi phí đầu tư, từ đó góp phần hình thành chuỗi giá trị gia vị Việt Nam trong ngành gia vị thế giới.