Bộ Tài chính vừa đề xuất việc quản lý doanh nghiệp nhà nước (DNNN) theo dòng vốn đầu tư thay cho biện pháp quản lý theo pháp nhân. Tuy nhiên nhiều DNNN đang tỏ ra lo lắng trước cách siết quản dòng tiền này bởi nếu vốn chảy đến đâu, quản lý đến đó sẽ nảy sinh nhiều thủ tục trong đầu tư, kinh doanh.
Lo phát sinh nhiều thủ tục
Tại dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (gọi tắt Luật QL&ĐT vốn nhà nước sửa đổi), Bộ Tài chính đề xuất chuyển đổi quản lý DNNN từ quản lý doanh nghiệp sang quản lý dòng vốn. Nhà nước là chủ sở hữu phần vốn đầu tư tại doanh nghiệp (quản lý dòng vốn đầu tư), không can thiệp hành chính vào hoạt động quản trị sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Vốn nhà nước sau khi đã đầu tư vào doanh nghiệp được xác định là tài sản, vốn của pháp nhân doanh nghiệp.
Nhiều DNNN lớn băn khoăn về quy định này. Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Tô Dũng Thái- Chủ tịch HĐTV VNPT ví von, VNPT là doanh nghiệp (DN) có 100% vốn nhà nước, tạm gọi là F1. VNPT đầu tư vốn vào DN tiếp theo, gọi là DN F2. Vì nhu cầu sản xuất, kinh doanh, DN F2 tiếp tục đầu tư vốn vào các DN tiếp theo.
“Tiền chảy đến đâu, chúng ta quản lý đến đó. Về lý thuyết là đúng nhưng khi thực hiện vô cùng khó khăn. Vì lúc này đánh đồng giữa DN F1 và DN Fn về mặt nhân sự, kế hoạch sản xuất, kinh doanh, lợi nhuận, thù lao… Cơ quan đại diện chủ sở hữu sẽ phát sinh rất nhiều công việc khi phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án. Tôi đề xuất, Nhà nước quản lý DN F1 là VNPT và giao F1 quản lý các F dưới. F1 phải chịu trách nhiệm về nguồn tiền đầu tư, hiệu quả, đúng pháp luật. Nhà nước chỉ nên quản lý 1 cấp, không nên quản lý nhiều cấp”, ông Thái kiến nghị.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Hữu Tú – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoá chất Việt Nam cho biết, tập đoàn có nhiều công ty con với các mô hình như công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn. Trong đó, nhiều DN đã niêm yết trên sàn chứng khoán với nhiều quy định chặt chẽ hơn trong dự thảo luật, nhất là về công bố thông tin. Vì vậy, ông Tú đề xuất, dự thảo Luật QL&ĐT vốn nhà nước sửa đổi theo hướng, đại diện chủ sở hữu chỉ quản lý DN F1 là tập đoàn hoá chất. Các DN con của Tập đoàn Hoá chất do tập đoàn chịu trách nhiệm.
Ông Trương Việt Đông – Chủ tịch HĐTV Tổng Cty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cũng đề xuất, Nhà nước chỉ nên quản lý DN cấp 2 (tức DN F2) đáp ứng điều kiện như vốn điều lệ trên 10.000 tỷ đồng, có 51% vốn chủ sở hữu nhà nước trở lên.
“Chúng tôi có nhiều công ty con của VEC. Các dự án thường có mức vốn đầu tư hàng tỷ USD. Nếu quản lý theo dòng vốn, dự án của công ty con của VEC phải xin ý kiến đại diện chủ sở hữu vốn khiến quy trình rườm rà, nhiều thủ tục. Báo cáo theo quy trình không biết đến bao giờ mới xong thủ tục đầu tư”, ông Đông phản ánh.
Ông Trương Hồng Sơn – Thành viên HĐTV Tổng Cty Khí Việt Nam thuộc diện DN F2 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho biết, Luật Đầu tư, Luật Dầu khí đã thông thoáng, cởi mở tạo quyền tự quyết cho DN trong đầu tư kinh doanh vốn. Tuy nhiên, quy định quản lý dòng vốn của Dự thảo Luật QL&ĐT vốn nhà nước sửa đổi khiến quy trình thủ tục quay về như Luật Đầu tư cũ.
“Dự án ngành dầu khí có vốn đầu tư lớn, quy định tại dự thảo Luật QL&ĐT vốn nhà nước sửa đổi sẽ khiến DN phải xin phép hạn mức vốn, thêm trình tự thủ tục. Nếu Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư dự án 5.000 tỷ đồng trở lên, Quốc hội quyết định với dự án vốn 15.000 tỷ đồng trở lên, thời gian nào để phê duyệt. Chúng tôi mong Dự thảo Luật QL&ĐT vốn nhà nước sửa đổi tập trung quản lý vốn, hoạt động của DN theo các luật chuyên ngành khác”, ông Sơn kiến nghị.
Tách bạch quản lý vốn và quản trị DN
Trước băn khoăn của doanh nghiệp, ông Hồ Sỹ Hùng – Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu trường hợp DN F2 có số vốn lớn như Tổng Cty Khí Việt Nam. Đối với DN F2 theo mô hình cổ phần, niêm yết trên sàn chứng khoán, ông Hùng cho rằng, đối với việc quản trị không nên can thiệp, tránh lẫn lộn giữa quản lý vốn và quản trị doanh nghiệp.
Đại diện ban soạn thảo, ông Bùi Tuấn Minh – Cục trưởng Cục Quản lý DN (Bộ Tài chính) cho biết, DNNN mong muốn được chủ động quyết định việc đầu tư, quản lý vốn nhà nước với DN con. Tuy nhiên, về mặt Nhà nước, cơ quan chủ sở hữu cần quản lý dòng vốn. Ban soạn thảo tham khảo kinh nghiệm tại nhiều quốc gia khác trong quản lý vốn nhà nước đầu tư vào DN.
“Quan điểm ban soạn thảo Luật QL&ĐT vốn nhà nước sửa đổi là không quản lý theo pháp nhân DN, chỉ quản lý dòng vốn. Với vốn nhà nước đầu tư vào DN, nhiều DN F2, thậm chí tới F10 nhưng giá trị đầu tư rất lớn, tác động nền kinh tế. Vì vậy, ban soạn thảo đề xuất quản lý theo dòng vốn, phân chia mức vốn đầu tư để quyết định chủ trương đầu tư. DNNN dưới 50% vốn nhà nước theo điều lệ doanh nghiệp”, ông Minh cho biết.
TS Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), đánh giá, dự thảo Luật QL&ĐT vốn nhà nước sửa đổi tăng tính minh bạch, quyền hạn, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
“Dự thảo Luật thể hiện sự linh hoạt, thích ứng với thị trường, trong quá trình sắp xếp, chuyển đổi lại vốn nhà nước. Dự thảo Luật QL&ĐT vốn nhà nước sửa đổi cần cố gắng xử lý các ách tắc hiện nay của doanh nghiệp như vấn đề quản trị, quản lý doanh nghiệp F1, F2, đầu tư, để thúc đẩy đổi mới sáng tạo”, ông Thành nói.