Khai trương Trung tâm Phát triển sản phẩm và Kinh doanh thời trang Vinatex

Trung tâm Phát triển sản phẩm và Kinh doanh thời trang Vinatex được đưa vào hoạt động, nhằm hiện thực hoá mục tiêu “một điểm đến”, hình thành chuỗi liên kết dệt kim, phát huy lợi thế sẵn có về quy mô, uy tín của Vinatex.

Ông Vương Đức Anh, Giám đốc Trung tâm Vinatex PD&B tại lễ khai trương.

Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) vừa đưa vào hoạt động Trung tâm Phát triển sản phẩm và Kinh doanh thời trang Vinatex (Vinatex PD&B) tại 524 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Trung tâm Vinatex PD&B được trang bị cơ sở vật chất hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế, theo xu hướng xanh, bền vững, nằm trong chiến lược thực hiện mục tiêu phát thải ròng về 0 (Net Zero) của Vinatex.

Tòa nhà của Trung tâm Vinatex PD&B  đã đạt chứng chỉ công trình xanh Gold Lotus – chứng nhận của Hội đồng công trình xanh Việt Nam (tương đương chứng nhận LEED về công trình xanh của Mỹ nhưng được điều chỉnh phù hợp với điều kiện riêng của Việt Nam).

Trung tâm xây dựng mô hình hoạt động tập trung chủ yếu phát triển hàng FOB, ODM, OBM cho xuất khẩu và nội địa, được trang bị đầy đủ chức năng để cung cấp trọn gói giải pháp cho khách hàng từ khâu thiết kế (thiết kế 3D); lựa chọn nguyên phụ liệu với showroom và thư viện vải đa dạng, phong phú.

Studio tiêu chuẩn và sáng tạo hỗ trợ khách hàng trong quá trình phát triển mẫu; chào giá; may mẫu, fit mẫu; quản lý đơn hàng sản xuất tại nhà máy; phòng LAB kiểm định chất lượng sản phẩm được quy hoạch đúng chuẩn với phòng tối, phòng tiêu chuẩn, phòng giặt để đáp ứng yêu cầu phát triển sản phẩm mới của khách hàng dài hạn” – Giám đốc Vinatex PD&B nhấn mạnh.

Ông Vương Đức Anh, Giám đốc Trung tâm Vinatex PD&B cho biết: “Trung tâm xây dựng được mối liên kết chặt chẽ giữa Trung tâm với hệ thống các nhà máy tại các đơn vị thành viên, đảm bảo liên thông và phản hồi nhanh chóng tới các khách hàng”.

“Chúng tôi kết hợp đội ngũ nhân sự kinh nghiệm với nhân sự trẻ sáng tạo để thúc đẩy Trung tâm hoạt động hiệu quả ngay từ những ngày đầu. Sử dụng nguồn lực chung phát triển song song cả thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa, dựa trên hệ thống cửa hàng phân phối bán lẻ hiện có và mở rộng các kênh bán hàng mới, xây dựng được thương hiệu riêng của Vinatex”, ông  Đức Anh nói.

Việc thành lập Vinatex PD&B là bước đi mới của Vinatex, hướng tới việc hướng dẫn các doanh nghiệp chuyển đổi sang tự sản xuất, thiết kế (ODM).

Với các đơn vị sản xuất nguyên phụ liệu, sự phát triển của Trung tâm PD&B cũng là bước tiến quan trọng giúp cho việc sản xuất các mặt hàng vải dệt thoi, dệt kim có thể bước chân ra ngoài thế giới.

Những năm qua, các hoạt động nâng cấp trong kinh doanh, chuyển đổi mô hình đã diễn ra mạnh mẽ trong các đơn vị thuộc Vinatex như: Quốc tế Phong Phú, Việt Tiến, Nhà Bè, May 10, Đức Giang, Hòa Thọ…

“Nếu không có sự chuyển dịch mô hình kinh doanh, chắc chắn ngành dệt may sẽ không thể cạnh tranh và phát triển tại Việt Nam khi thu nhập, tiền lương của người lao động hiện nay cao gấp 4 lần Bangladesh, gấp 3 lần so với Campuchia và Ấn Độ…”, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Vinatex cho hay.

Với một ngành thâm dụng lao động như dệt may, toàn ngành phải chuyển đổi phương thức kinh doanh, nâng cao năng suất lao động, tạo ra giá trị gia tăng cao hơn.

Tuy nhiên, điểm yếu và thiếu nhất của các doanh nghiệp dệt may hiện nay để nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm nằm ở năng suất lao động trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo. Theo đó, Vinatex PD&D được thành lập nhằm cải thiện năng suất đổi mới sáng tạo trong toàn Tập đoàn.

theo Báo Đầu Tư