Bộ Công Thương không muốn cho thương nhân phân phối mua chéo xăng dầu, nhưng điều này theo VCCI là “đi ngược quy luật thị trường”.
Không có cơ sở, đi ngược quy luật thị trường
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có công văn gửi Bộ Công Thương góp ý dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu. Trong đó, VCCI đưa ra nhiều ý kiến liên quan tới cơ chế giá bán xăng dầu, điều kiện đầu tư kinh doanh, dự trữ lưu thông…
Về việc thương nhân phân phối mua bán lẫn nhau, VCCI dẫn Điều 17 của Dự thảo Quy định quyền và nghĩa vụ của thương nhân phân phối xăng dầu, trong đó không cho phép các thương nhân phân phối mua bán xăng dầu với nhau.
Theo lập luận của Bộ Công Thương, nếu cho phép thương nhân phân phối mua bán xăng dầu lẫn nhau sẽ dẫn đến mua bán lòng vòng, qua nhiều tầng nấc trung gian, đẩy giá xăng dầu lên cao.
Tuy nhiên, VCCI nhấn mạnh lập luận này không có cơ sở và đi ngược quy luật thị trường.
Các bên trên thị trường bán buôn xăng dầu có xu hướng ưu tiên mua của những thương nhân phân phối có giá thấp hơn. VCCI đặt giả thiết có một nguồn hàng giá rẻ, nhưng do bị mua bán qua nhiều trung gian khiến giá bán tăng lên, thì người mua sẽ tìm đến tận gốc nguồn hàng để có thể mua rẻ hơn.
Theo đó, thương nhân phân phối nào bán giá cao sẽ bị đào thải khỏi thị trường do không thể cạnh tranh với các thương nhân đầu mối và phân phối khác có giá rẻ hơn.
Trước đây, Nghị định 83 và Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu quy định hệ thống phân phối 1:1, tức thương nhân bán lẻ buộc phải phụ thuộc vào thương nhân phân phối. Trong trường hợp đó, nếu thương nhân phân phối tăng giá bán, thương nhân bán lẻ không thể đổi sang nhà cung cấp khác, buộc phải chịu giá cao.
Tuy nhiên, Nghị định 80/2023 về kinh doanh xăng dầu đã cho phép thương nhân bán lẻ được nhập hàng từ nhiều nguồn. Tính cạnh tranh trên thị trường bán buôn tăng lên nên tình trạng trên không còn diễn ra, VCCI nêu rõ.
Một số ý kiến cho rằng việc cho phép các thương nhân phân phối mua bán xăng dầu lẫn nhau có thể khiến số liệu báo cáo về tình hình dự trữ xăng dầu không chính xác.
Tuy nhiên, theo dự thảo, nghĩa vụ dự trữ lưu thông không áp dụng cho thương nhân phân phối. Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi theo hướng cho phép các thương nhân phân phối mua bán xăng dầu với nhau.
Cần tạo cạnh tranh công bằng
Ông Bùi Ngọc Bảo – Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam khẳng định, thương nhân phân phối là một khâu quan trọng trong lưu thông hàng hoá. Họ không phải trung gian đẩy giá xăng dầu lên.
Theo ông, có nhiều thương nhân phân phối có quy mô lớn hơn cả doanh nghiệp đầu mối, chứ không phải thương nhân phân phối là bé hơn đầu mối. Do đó, không nên hạn chế loại hình thương nhân phân phối.
“Đã là thị trường thì thương nhân phân phối mua ở đâu và bán ở đâu là do họ”, ông Bảo nhấn mạnh.
Bày tỏ quan điểm không đồng tình với dự thảo Nghị định yêu cầu các thương nhân phân phối chỉ được mua từ các thương nhân đầu mối, ông Bảo nói thêm, không hẳn lúc nào các doanh nghiệp đầu mối cũng đủ lượng hàng, giá cả hợp lý ở từng vùng, từng thời điểm.
Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam kiến nghị, nên có quy định cho phép thương nhân phân phối mua bán của nhau và có thể quy định tỷ lệ là bao nhiêu. Ví như, 50-70% mua thoải mái của doanh nghiệp đầu mối, còn lại 30% mua bán lẫn nhau. Bởi, đây chính là nghiệp vụ điều hoà thị trường.
“Thị trường có biến động bất thường thì điều hoà lượng hàng từ thương nhân phân phối nhiều hàng sang thương nhân phân phối ít hơn. Do đó, đề xuất thương nhân phân phối không được mua hàng lẫn nhau là điều cần xem xét, đánh giá kỹ lưỡng”, ông Bảo góp ý.
Một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở phía Nam cho Lao Động biết, thương nhân phân phối là doanh nghiệp có quyền tự do cạnh tranh, nhưng dự thảo lại chỉ cho họ mua từ doanh nghiệp đầu mối, không được mua chéo của nhau, điều này không đảm bảo tính cạnh tranh thị trường.
“Trong những giai đoạn giá cả thất thường, nhờ được mua bán chéo nên các thương nhân phân phối có thể chia sẻ với nhau về lượng, giá bán. Hạn chế quyền này thị trường chưa chắc đã ổn”, vị lãnh đạo doanh nghiệp cho hay.
Vị này cũng cho hay, cần xem xét, nghiên cứu để soạn lại dự thảo Nghị định theo hướng bám sát vào tình hình thực tiễn, bảo đảm nền tảng thể chế, pháp luật để xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi và sự cạnh tranh công bằng và bình đẳng.