Đầu tư tiền ảo tăng mạnh: Cơ hội từ thị trường trăm tỷ USD

Ước tính, hàng trăm tỷ USD tiền mã hóa đã được chuyển vào Việt Nam trong một năm qua. Tuy vậy, việc thiếu hành lang pháp lý khiến số vốn này chưa được kiểm soát tốt, gây thất thu thuế, tiềm ẩn nguy cơ rửa tiền…

Người Việt lãi tỷ USD nhờ đầu tư tiền ảo?

Bà Lina Nguyễn, Giám đốc Phát triển dinh doanh, Exness Investment Bank nhận định, thời kỳ ngủ đông của tiền số đã qua, các dấu hiệu tích cực liên tục xuất hiện và ngày càng nhiều nhà đầu tư tổ chức tham gia thị trường này.

“Dòng vốn đổ vào các tài sản số sẽ tiếp tục tăng. Các nhóm tổ chức tài chính cũng sẽ tham gia phân khúc đầu tư này. Nhà đầu tư nhỏ lẻ có sự quan tâm tương tự, song họ đang do dự, dè chừng”, bà Lina Nguyễn nhận định.

Được biết, chỉ trong mấy tháng đầu năm nay, hơn 1.200 tỷ USD đã đổ vào các quỹ ETF tài sản số.

Theo Chainalysis, xu hướng tích cực trên thị trường tiền số năm 2023 sẽ tiếp tục kéo dài sang năm 2024, đặc biệt sau cú hích từ việc Mỹ cấp phép giao dịch quỹ ETF Bitcoin giao ngay và sự tham gia mạnh mẽ hơn của các nhà đầu tư tổ chức.

Việt Nam là nước đứng thứ ba toàn cầu về số lượng người sở hữu tiền mã hóa. Số liệu của Crypto Crunch App cho thấy, Việt Nam có 26 triệu người sở hữu tiền số (gấp 5 lần số tài khoản chứng khoán tại Việt Nam).

Nghiên cứu của TS. Nguyễn Nhật Minh và TS. Thái Trung Hiếu, giảng viên ngành kinh doanh trên ứng dụng blockchain (Đại học RMIT) cho thấy, những người sở hữu tiền mã hóa ở Việt Nam có đặc điểm nhân khẩu học đa dạng, gồm những người lao động trẻ có kỹ năng cao, người đam mê công nghệ và chủ doanh nghiệp nhỏ đang tìm kiếm các khoản đầu tư thay thế.

Số liệu từ Chainalysis cho thấy, có tới 120 tỷ USD tiền mã hóa được chuyển vào Việt Nam trong vòng một năm, tính tới tháng 6/2023. Cũng theo tổ chức này, các nhà đầu tư tiền ảo tại Việt Nam “bỏ túi” 1,18 tỷ USD tiền lãi trong năm 2023. Việt Nam là một trong 5 thị trường châu Á có mặt trong Top 10 thị trường có lợi nhuận từ đầu tư tiền ảo lớn nhất thế giới trong năm qua, bên cạnh Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ và Hàn Quốc.

TS. Phạm Anh Khôi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Fintech (Hiệp hội Blockchain Việt Nam) cho biết, theo báo cáo của Tập đoàn Tư vấn Boston Consulting Group, quy mô thị trường tài sản thực được token hóa (Real World Asset – RWA) trên thế giới dự kiến đạt 16.000 tỷ USD, tương đương 10% GDP toàn cầu vào năm 2030. Thậm chí, theo Standard Chartered, thị trường này có thể tăng gấp đôi, lên 30.000 tỷ USD trong 4 năm kế tiếp.

Tài sản số nói chung và RWA nói riêng được cho là cơ hội quý giá, giúp các quốc gia đang phát triển như Việt Nam có thể tham gia thị trường vốn toàn cầu với ưu điểm là kênh dẫn vốn hiệu quả, chi phí thấp cho các dự án có tài sản thực tại Việt Nam. Số tiền mã hóa chảy vào Việt Nam một năm qua cao gấp gần 5 lần so với thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Cần sớm có hành lang pháp lý

Mặc dù tài sản số là kênh đầu tư và là kênh gọi vốn hấp dẫn, giúp các nhà đầu tư, các quỹ đa dạng hóa danh mục, song đây cũng là thị trường rủi ro cao, biên độ biến động lớn. Chưa kể, đây cũng là thị trường có số lượng dự án lừa đảo nhiều nhất so với các kênh đầu tư khác. Các nhà đầu tư thiếu hiểu biết rất dễ bị lừa hoặc thua lỗ khi tham gia thị trường này. Do đó, đây không phải là kênh đầu tư dành cho số đông.

Để tận dụng cơ hội từ thị trường tài sản số, các chuyên gia cho rằng, cần sớm có hành lang pháp lý.

“Nếu sớm có chính sách quản lý, thì thay vì chảy vào nền kinh tế ngầm, dòng tiền này có thể trở thành một động lực tốt giúp thúc đẩy nền kinh tế. Trong đó, lĩnh vực đầu tiên có thể nhận được dòng vốn này là RWA, do những ưu thế vượt trội của loại hình tài sản này như được đảm bảo giá trị bằng tài sản thực, thanh khoản nhanh và đa dạng hóa danh mục đầu tư”, ông Khôi nhận định.

TS. Nguyễn Nhật Minh và TS. Thái Trung Hiếu cũng cho rằng, khoảng trống pháp lý về tiền mã hóa khiến các nhà đầu tư gặp rủi ro đáng kể, bao gồm gian lận, thao túng thị trường và vi phạm an ninh.

Theo các chuyên gia, khi ngày càng có nhiều người quan tâm đến việc sở hữu và đầu tư vào tài sản mã hóa, thì yêu cầu phải có các quy định bảo vệ người tiêu dùng và đảm bảo tính minh bạch trên thị trường đang trở nên cấp thiết. Điều này bao gồm các biện pháp ngăn chặn hành vi lừa đảo và phòng chống các mối đe dọa trên mạng. Việc triển khai các quy định chặt chẽ nhằm bảo vệ người tiêu dùng có thể hỗ trợ xây dựng niềm tin của nhà đầu tư và khuyến khích sự tham gia rộng rãi hơn vào thị trường tài sản mã hóa.

Ngoài ra, thị trường tài sản mã hóa không được kiểm soát cũng có thể đe dọa sự ổn định tài chính nói chung tại Việt Nam. Nếu không có giám sát thích hợp, thì tội phạm tài chính như rửa tiền và tài trợ khủng bố có nguy cơ xảy ra.

“Thị trường tài sản số, tiền mã hóa vẫn đang được cơ quan quản lý nhìn với con mắt rất dè dặt. Tôi cho rằng, trong trường hợp có biến động lớn về chính trị và kinh tế toàn cầu, tiền mã hóa sẽ lên ngôi, khi đó sẽ tạo áp lực lớn cho Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước không thể khoanh tay đứng nhìn khi đồng tiền mã hoá đóng vai trò ngày càng lớn trên thị trường tài chính toàn cầu. Có lẽ, cơ quan quản lý cần sớm thực hiện chương trình thử nghiệm có kiểm soát với tiền mã hóa để thử nghiệm hoạt động, từ đó rút ra kinh nghiệm và bài học khi vận hành chính thức trong nền kinh tế”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế khuyến nghị.

theo báo đầu tư