Xuất khẩu rau quả tăng trưởng

Nhu cầu thị trường tăng mạnh đã giúp kim ngạch xuất khẩu rau quả từ đầu năm đến nay của Việt Nam ước đạt hơn 3,8 tỷ USD, tăng 23,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Với nhiều tín hiệu tích cực từ thị trường, từ nay đến hết năm, ngành rau quả Việt kỳ vọng có thể lập thêm kỷ lục mới trong năm nay là đạt hoặc vượt 7 tỷ USD.

Cùng với sầu riêng, thanh long là mặt hàng xuất khẩu chính của rau quả Việt Nam trong 7 tháng năm 2024. Ảnh: Lê Ngân.

Kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 3

Theo số liệu thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, đến giữa tháng 7/2024, xuất khẩu rau quả của nước ta đã thu về gần 3,57 tỷ USD. Như vậy, rau quả vươn lên là ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 3 trong lĩnh vực nông nghiệp, chỉ sau lâm sản và thuỷ sản. Trong 7 tháng qua, 10 thị trường nhập khẩu hàng đầu rau quả của Việt Nam hầu hết đều tăng trưởng từ 15% đến 96%.

Sầu riêng, chuối và thanh long là những sản phẩm chính đóng góp vào sự tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu. Sắp tới, khi sầu riêng đông lạnh và dừa tươi được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, hứa hẹn trong rau quả sẽ có thêm trái cây “tỷ đô”, thúc đẩy tăng trưởng.

Hiện Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất, chiếm 64% tổng kim ngạch xuất khẩu với 2,1 tỷ USD trong nửa đầu năm, tăng 22% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Hàn Quốc và Mỹ, lần lượt đạt 164 triệu USD và hơn 157 triệu USD, với mức tăng trưởng ấn tượng 55% và 33%.

Đáng chú ý, Thái Lan là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Việt Nam trong xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc cũng gia tăng mua hàng Việt Nam, đạt 97 triệu USD trong 6 tháng đầu năm, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy sức hút của các sản phẩm rau quả Việt Nam đang ngày càng lớn, không chỉ tại các thị trường truyền thống mà còn ở các thị trường cạnh tranh.

Dự báo xuất khẩu rau quả nửa cuối năm 2024 tiếp tục thuận lợi nhờ yếu tố mùa vụ và nguồn cung dồi dào. Trong khi đó, nhu cầu của thị trường thế giới tăng cao sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu ngành hàng rau quả có thể đạt hoặc vượt 7 tỷ USD.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nông sản Việt có nhiều lợi thế xuất sang thị trường Trung Quốc nhờ vị trí địa lý, tương đồng trong văn hóa ẩm thực. “Xuất khẩu rau quả năm nay tiếp tục tăng trưởng 15 – 20%. Nếu tận dụng tốt các cơ hội từ các nghị định thư, xuất khẩu rau quả có thể đạt 7 tỷ USD. Mức này tăng 0,5 – 1 tỷ USD so với kế hoạch đưa ra cuối năm ngoái của ngành nông nghiệp” – ông Nguyên dự báo.

Đẩy mạnh xuất khẩu sầu riêng đông lạnh

Riêng mặt hàng sầu riêng, theo ông Nguyên, dự kiến vụ mùa ở Tây Nguyên từ tháng 7 đến tháng 10 sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu loại quả này bứt phá hơn trong năm nay. Xuất khẩu sầu riêng đến cuối năm có thể đạt khoảng 3 tỷ USD, mang lại nguồn thu lớn cho Việt Nam và cải thiện đời sống nông dân. Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu sầu riêng Việt Nam dẫn đầu với kim ngạch 1,22 tỷ USD, chiếm 92,4%. Tiếp đó, Thái Lan đã chi đến 47 triệu USD để nhập sầu riêng Việt Nam, tăng đến 90,5% so với cùng kỳ năm 2023. Ngoài ra, người Nhật Bản và Campuchia cũng tăng cường mua sầu riêng Việt.

Ông Ngô Xuân Nam – Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, khi xuất khẩu sang Trung Quốc, quả sầu riêng tươi của Việt Nam phải tuân thủ các luật, quy định và tiêu chuẩn liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm của Trung Quốc, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép. Các vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng phải có biện pháp quản lý phù hợp để loại bỏ các đối tượng dịch hại phía bạn quan tâm, đảm bảo chất lượng. Các vùng trồng và cơ sở đóng gói phải được giám sát theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật được đào tạo để kiểm soát toàn bộ quy trình sản xuất, đóng gói.

Để phát triển bền vững sầu riêng, theo ông Nguyễn Quang Hiếu – Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cần tập trung vào chất lượng sầu riêng, nâng cao nhận thức của người dân, trong đó, quản lý hiệu quả chất lượng mã số được cấp ra.

Theo ông Hiếu, các địa phương khi cấp mã số vùng trồng thì cần phải có nguồn lực để duy trì mã số đó. Việc này cũng đã phân cấp phân quyền, địa phương có thể chủ động xử lý trong thẩm quyền để có tính răn đe, cũng như việc ảnh hưởng tới việc phát triển bền vững của ngành sầu riêng. Các nhà vườn cần tập thói quen ghi chép, sau đó đến ứng dụng công nghệ. Bởi càng ngày việc truy xuất nguồn gốc càng quan trọng. Việc ghi chép, truy xuất nguồn gốc sẽ là cơ sở cho việc phát triển ngành sầu riêng bền vững.

Về việc đàm phán xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang thị trường Trung Quốc, ông Hiếu khẳng định, sẽ giúp cho Việt Nam đa dạng hóa sản phẩm sầu riêng, tiếp đến là công nghệ chế biến, bảo quản.

“Sản phẩm chế biến đông lạnh sẽ hỗ trợ cho các sản phẩm sầu riêng khác. Các nhà vườn sẽ tập trung sản xuất các sản phẩm chất lượng cao để xuất khẩu sang nước ngoài”- ông Hiếu chia sẻ.

theo đại đoàn kết