Khái niệm “chính sách tài khóa xanh” đến nay không còn xa lạ. Tại Việt Nam, triển khai chính sách tài khóa xanh bao gồm một loạt các công cụ chính sách, trong đó có chính sách thu – chi ngân sách thông qua các khoản thu thuế, phí, lệ phí, chi hỗ trợ cho sự nghiệp bảo vệ môi trường, thúc đẩy tăng trưởng xanh…
Chính sách thuế ưu tiên bảo vệ môi trường
Với các chính sách thu ngân sách nhà nước (NSNN) thông qua công cụ chủ yếu là thuế đã có tác động nhất định đến thúc đẩy tăng trưởng xanh của Việt Nam trên cả 3 bình diện là kinh tế, xã hội và môi trường.
Tại Việt Nam, chính sách tài chính hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng xanh được triển khai từ chính sách thu NSNN thông qua các khoản thuế, phí và lệ phí; chính sách chi NSNN dành cho chi sự nghiệp bảo vệ môi trường (BVMT) và các chính sách tài chính khác, như: tín dụng xanh, trái phiếu xanh, thị trường tín chỉ carbon. Chính sách thu NSNN thúc đẩy tăng trưởng xanh được thể hiện thông qua các khoản thu từ thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác. Trong đó, chính sách thuế BVMT là sắc thuế thuộc nhóm thuế gián thu đánh vào những hàng hóa mà trong quá trình sản xuất và sử dụng có hại cho môi trường. Tại Việt Nam, thuế BVMT được xây dựng dựa trên nguyên tắc người nào sử dụng sản phẩm gây ô nhiễm thì phải nộp thuế. Ngoài ra, còn có chính sách thuế tài nguyên – đang là chính sách có tác động trực tiếp và lớn nhất đến hoạt động khai thác và sử dụng tài nguyên tại Việt Nam.
Phát biểu tại Hội thảo tham vấn về trái phiếu xanh, thuế môi trường và thị trường carbon do Bộ Tài chính phối hợp với Cơ quan phát triển Pháp (AFD) tổ chức gần đây, bà Cécile Vigneau – Tham tán Công sứ, Đại sứ Quán Pháp tại Việt Nam cho rằng, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc đưa ra mục tiêu đạt được net zero về phát thải trong chương trình nghị sự. Theo bà, hiện nay hệ thống tài chính quốc gia Việt Nam đang hướng tới cam kết thực hiện định hướng xanh hóa chi tiêu công. “Đây là tiến trình đáng khích lệ và Pháp rất vui khi được đồng hành cùng Việt Nam trong tiến trình này thông qua các kinh nghiệm thực tiễn đã có để chia sẻ với Việt Nam” – bà Cécile Vigneau nói.
Theo bà Hoàng Thị Diệu Linh – Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính), thời gian tới Bộ Tài chính tăng cường phối hợp với các tổ chức quốc tế trong đó có AFD để nâng cao hiệu quả công tác quản lý và xây dựng chính sách tài chính xanh.
Ưu tiên chi cho sự nghiệp bảo vệ môi trường
Đối với chính sách chi NSNN, nguồn lực từ NSNN cũng được phân bổ hướng đến các hoạt động BVMT và góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh. Chính sách chi NSNN chủ yếu tập trung vào các khoản mục: chi NSNN cho sự nghiệp môi trường; chi NSNN cho các chương trình mục tiêu quốc gia liên quan đến BVMT. Theo đó, hàng năm, NSNN bố trí không dưới 1% tổng chi NSNN cho hoạt động sự nghiệp môi trường và tăng dần tỷ lệ này theo tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Bên cạnh đó, Chính phủ sử dụng các nguồn vốn ngân sách trung ương, địa phương và nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) đầu tư cho các chương trình, dự án liên quan đến lĩnh vực tăng trưởng xanh.
Với những nỗ lực trong chi NSNN thúc đẩy tăng trưởng xanh, về cơ bản đã đáp ứng được nhiệm vụ BVMT ở Việt Nam. Đặc biệt, chi NSNN hướng đến ưu tiên việc phòng ngừa, xử lý ô nhiễm môi trường ở những điểm nóng, bức xúc, trong đó tập trung xử lý ô nhiễm nguồn nước, nơi phát sinh dịch bệnh; xử lý chất thải rắn ở các khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư tập trung; kiểm soát việc sản xuất, nhập khẩu và sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật; kiểm soát việc nhập khẩu phế liệu, máy móc thiết bị đã qua sử dụng. Tuy nhiên, các khoản chi này nhiều năm qua còn mang tính dàn trải, cơ cấu nguồn chi cho đầu tư xây dựng cơ bản, BVMT hết sức hạn hẹp, kinh phí đầu tư xây dựng các công trình xử lý chất thải, nước thải thuộc khu vực công ích chưa tương xứng với mức độ gia tăng chất thải. Điều này dẫn đến mức độ ô nhiễm môi trường đang có xu hướng gia tăng.
Trong một nghiên cứu mới đây, bà Lê Thị Thùy Vân – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính đã chỉ ra rằng, phải huy động nhiều nguồn lực cho tăng trưởng xanh bên cạnh nguồn từ NSNN, như từ khu vực tư nhân và hỗ trợ quốc tế. Đối với nguồn lực từ NSNN, tăng trưởng xanh đòi hỏi nguồn lực không nhỏ để đầu tư cải tiến công nghệ, thực hiện các dự án đầu tư xanh trong khi nguồn lực trong nước, đặc biệt là nguồn NSNN còn rất hạn chế và phải dành để thực hiện nhiều mục tiêu quan trọng khác.
Trong bối cảnh nguồn lực ngân sách còn hạn hẹp, việc sử dụng kinh phí cho sự nghiệp BVMT của một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương còn dàn trải, chưa thật hiệu quả, một số nhiệm vụ chưa sử dụng đúng mục đích. Do đó, cần hoàn thiện chính sách quản lý và ưu tiên sử dụng nguồn lực từ NSNN cho các chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ về tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh. Đẩy mạnh thu hút các nguồn vốn đầu tư ngoài NSNN để tăng nguồn lực đầu tư toàn xã hội; tạo đột phá trong xây dựng kết cấu hạ tầng và đô thị đồng bộ, hiện đại, xanh và thân thiện với môi trường. Ngoài ra, hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách về đầu tư nhằm tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi, chủ động huy động mọi nguồn lực hỗ trợ thực hiện tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh. Theo đó, đẩy mạnh đầu tư xanh, ưu tiên các nguồn lực cho đầu tư vào dự án, giải pháp tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh…