Sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp Mỹ tới thị trường Việt Nam đang tăng cao, sau khi Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện được 2 nước xác lập. Bà Winnie Wong, Phó chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại TP.HCM (Amcham), trao đổi về các động thái mới nhất của nhà đầu tư Mỹ vào Việt Nam.
Bà nhận định thế nào về làn sóng đầu tư mới từ Mỹ vào Việt Nam gần đây?
Chúng tôi đã quan sát thấy một loạt khoản đầu tư đáng kể của các công ty có trụ sở tại Mỹ vào lĩnh vực công nghệ cao của Việt Nam trong thời gian gần đây. Đáng chú ý, Amkor Technology mới đây đã khánh thành nhà máy sản xuất chip lớn nhất miền Bắc, với vốn đầu tư 1,6 tỷ USD.
Các công ty nổi bật khác của Mỹ trong ngành bán dẫn như Lam Research và Marvell cũng công bố kế hoạch đầu tư vào sản xuất chất bán dẫn và mở rộng dấu ấn của họ tại Việt Nam.
Trong chuyến thăm Việt Nam gần đây, giám đốc điều hành của NVIDIA và Apple bày tỏ sự quan tâm và đánh giá cao tiềm năng của Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất quan trọng này.
Các nhà đầu tư Mỹ đang chuyển sự chú ý sang ngành năng lượng của Việt Nam. Mới đây, Công ty AES được chấp thuận đầu tư Dự án Kho cảng LNG Sơn Mỹ, một liên doanh với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, với khoản đầu tư 1,4 tỷ USD. Dự án này được chấp thuận sau khi Dự án Điện khí Sơn Mỹ II bổ sung được phê duyệt vào năm ngoái, với vốn đầu tư ước tính là 1,8 tỷ USD.
Trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống, Suntory PepsiCo, một thành viên của chúng tôi, đã khởi công xây dựng nhà máy lớn nhất và hiện đại nhất ở châu Á – Thái Bình Dương, với khoản đầu tư 300 triệu USD, là nhà máy thứ 6 của công ty tại Việt Nam.
Tương tự, Coca-Cola cũng đang xây dựng nhà máy thứ 4 ở miền Nam, với công suất 1 tỷ lít/năm, vốn đầu tư 136 triệu USD.
Trong lĩnh vực sản xuất, đầu năm nay, Tập đoàn TTI công bố kế hoạch lên tới 650 triệu USD vào việc xây dựng các cơ sở sản xuất, nghiên cứu và phát triển tại TP.HCM.
Năm 2024, phái đoàn của Hội đồng Kinh doanh Mỹ – ASEAN tới Việt Nam có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, với sự tham gia của hơn 50 công ty thuộc nhiều ngành công nghiệp. Ngoài ra, các khoản đầu tư gần đây vào lĩnh vực bán lẻ tiêu dùng và chăm sóc sức khỏe của các công ty Mỹ như Bain Capital và Warburg Pincus đã cho thấy sức hấp dẫn ngày càng tăng của Việt Nam.
Vậy cơ hội nào cho ngành hàng không, AI, kinh tế số, kinh tế sáng tạo và chuyển đổi năng lượng xanh trong tương lai, thưa bà?
Sự quan tâm của các nhà đầu tư Mỹ tại Việt Nam bao phủ trên nhiều ngành công nghiệp.
Chúng tôi được khuyến khích bởi nghị định gần đây của Chính phủ Việt Nam về mua bán điện trực tiếp – một trong những ưu tiên vận động chính của chúng tôi trong vài tháng qua. Chúng tôi tin rằng, đây là bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh của Việt Nam.
Việt Nam cũng có vị thế tốt để tận dụng các cơ hội trong lĩnh vực AI. Đầu năm nay, doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực công nghệ thông tin của Việt Nam là FPT công bố khoản đầu tư 200 triệu USD vào lĩnh vực này với NVIDIA.
Các công ty công nghệ khác của Việt Nam cũng tích cực nghiên cứu và phát triển những ứng dụng AI, mang đến cơ hội lớn cho các nhà đầu tư, trong khi những gã khổng lồ công nghệ toàn cầu như Meta đang triển khai các công cụ và dịch vụ AI cho thị trường Việt Nam.
Ngành hàng không là một lĩnh vực khác mà chúng tôi nhận thấy có nhiều cơ hội. Thị trường hàng không năng động và đang phát triển của Việt Nam thúc đẩy các hãng hàng không tăng cường đầu tư nâng công suất. Vietnam Airlines công bố sẽ tiếp nhận máy bay mới từ nhà sản xuất Boeing (Mỹ) trong những tháng tới.
Về mặt sản xuất, Boeing cũng tuyên bố hồi đầu năm nay rằng, họ sẽ tăng cường sản xuất linh kiện tại Việt Nam, thông qua một trong những nhà cung cấp chính của Hãng.
Để thu hút nhà đầu tư chất lượng cao từ Mỹ, Việt Nam cần lưu ý những yếu tố nào, thưa bà?
Chúng tôi xác định 5 yếu tố cần thiết để thu hút các nhà đầu tư Mỹ đến Việt Nam.
Yếu tố thứ nhất, cũng là yếu tố quan trọng nhất, chính là sự ổn định chính sách của Chính phủ. Có thể nói, yếu tố này đã thúc đẩy thành tựu kinh tế vượt trội của Việt Nam trong những năm gần đây, là nền tảng quan trọng cho một môi trường đầu tư hấp dẫn, vì các doanh nghiệp luôn ủng hộ các quy định rõ ràng và nhất quán.
Yếu tố thứ hai, là kết quả phát triển kinh tế tích cực của Việt Nam và chiến lược tăng trưởng dự kiến. Nền kinh tế Việt Nam thể hiện khả năng phục hồi đáng kể sau đại dịch Covid-19, quay trở lại tăng trưởng, bất chấp bối cảnh toàn cầu đầy thách thức hiện nay. Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ cho sự cởi mở tiếp nhận ý kiến đóng góp từ các đối tác chính, bao gồm cộng đồng doanh nghiệp Mỹ và các hiệp hội doanh nghiệp khác, trong việc định hình sự phát triển trong tương lai của đất nước.
Yếu tố thứ ba, là lực lượng lao động có trình độ và có khả năng cạnh tranh. Điều này có ý nghĩa quyết định đối với các doanh nghiệp sản xuất, giúp Việt Nam có lợi thế hơn nhiều nước trong khu vực. Lực lượng lao động có tay nghề cao là công cụ giúp Việt Nam khẳng định vai trò trung tâm trong chuỗi cung ứng toàn cầu ở nhiều ngành công nghiệp khác nhau.
Yếu tố thứ tư, là xu hướng nhân khẩu học thuận lợi của Việt Nam, giúp tăng thêm sức hấp dẫn. Dân số trẻ sống ở khu vực thành thị, có trình độ học vấn đang sẵn sàng tham gia lực lượng lao động, khiến Việt Nam trở thành thị trường hấp dẫn cho các doanh nghiệp thuộc nhiều ngành công nghiệp. Với thu nhập bình quân đầu người và sức tiêu thụ ngày càng tăng, nhiều công ty sẽ gia tăng cơ hội chiếm thị phần lớn hơn tại Việt Nam.
Yếu tố thứ năm, là tiềm năng tăng cường hợp tác về thương mại, đầu tư, công nghệ, đổi mới và giáo dục giữa Việt Nam và Mỹ, củng cố đáng kể sức hấp dẫn của Việt Nam như một điểm đến đầu tư.
Trong vài năm tới, doanh nghiệp Mỹ sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ và bền vững tại thị trường Việt Nam, vốn được hỗ trợ bởi sự ổn định về chính sách, khả năng phục hồi kinh tế, lực lượng lao động lành nghề, nhân khẩu học thuận lợi và mối quan hệ hợp tác song phương, đa phương, chiến lược với các nước khác.
Điều này sẽ giúp Việt Nam phát triển kinh tế, củng cố vị thế là điểm đến đầu tư hàng đầu trong khu vực.
Bà đánh giá thế nào về tầm quan trọng của Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện mà hai nước đạt được gần một năm qua?
Chúng tôi hoan nghênh Chính phủ Việt Nam và Mỹ ký kết Hiệp định Đối tác chiến lược toàn diện (CSP). Hiệp định này phù hợp với sứ mệnh của chúng tôi nhằm thúc đẩy mối quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước. Amcham sẵn sàng hỗ trợ cả Chính phủ và các thành viên trong việc thúc đẩy mối quan hệ đối tác này.
Trong 30 năm qua, thương mại, đầu tư và tăng trưởng kinh tế là nền tảng của mối quan hệ song phương bền chặt giữa Việt Nam và Mỹ. CSP củng cố hơn nữa nền tảng này bằng cam kết cả hai nước tiếp tục mở cửa thị trường và giải quyết các vấn đề thương mại và đầu tư trong khuôn khổ đã thỏa thuận. Cam kết này giúp doanh nghiệp và nhà đầu tư có thêm niềm tin vào tiềm năng của cả hai thị trường.
Một khía cạnh quan trọng khác của CSP là cam kết của Mỹ trong việc hỗ trợ phát triển hạ tầng vật chất và kỹ thuật số, năng lượng và nông nghiệp bền vững ở Việt Nam. Những lĩnh vực này đóng vai trò then chốt cho sự tăng trưởng và phát triển của Việt Nam, mang đến cơ hội đáng kể cho các thành viên của chúng tôi. Tiến bộ trong những lĩnh vực này, được hỗ trợ bởi phía Mỹ, chắc chắn sẽ thúc đẩy tăng trưởng và đầu tư, từ đó thúc đẩy hoạt động kinh tế trên nhiều lĩnh vực.
CSP cũng nêu bật tiềm năng của Việt Nam với tư cách là quốc gia có vai trò lớn trong ngành bán dẫn. Chính phủ Việt Nam ưu tiên lĩnh vực này khi nhận thấy nhu cầu về đầu tư và hỗ trợ đáng kể từ nước ngoài. Quan hệ đối tác bao gồm các cam kết của cả hai nước nhằm tăng cường hợp tác trong đổi mới và phát triển lực lượng lao động công nghệ cao. Với sự quan tâm mạnh mẽ, ngày càng tăng từ các nhà đầu tư toàn cầu, chúng tôi dự đoán lĩnh vực này sẽ mở rộng đáng kể trong những năm tới.
Ngoài ra, CSP thúc đẩy hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác, bao gồm khí hậu, quốc phòng, du lịch và giáo dục.