Trợ lực để “xanh hóa” ngành dệt may

Ngành dệt may Việt Nam đang đối mặt với áp lực chuyển đổi sang sản xuất bền vững, việc chuyển đổi này không chỉ đòi hỏi nguồn lực tài chính mà còn cần sự hỗ trợ từ Nhà nước.

Theo thống kê của Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas), nửa đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành dệt may ước đạt 20 tỷ USD, tăng khoảng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù so với mức tăng chung của cả nước còn thấp, song đây là một tín hiệu tích cực trong bối cảnh thị trường thế giới phục hồi chậm.

Nửa đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành dệt may ước đạt 20 tỷ USD, tăng khoảng 5% so với cùng kỳ năm ngoái – Ảnh minh họa: ITN

Đáng chú ý, sản phẩm dệt may Việt Nam đã xuất khẩu tới 113 nước, trong đó thị trường xuất khẩu chính của dệt may vẫn là Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc.

Đánh giá về tình hình sản xuất kinh doanh từ nay cuối năm, các chuyên gia cho rằng, việc các quốc gia xuất khẩu cạnh tranh có khả năng phá giá mạnh đồng nội tệ để hỗ trợ xuất khẩu sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Cùng với đó là cước vận tải biển tiếp tục tăng cao, tiền lương tối thiểu vùng tăng, chi phí tiền điện, chi phí tài chính có khả năng tăng trong thời gian tới.

Đáng nói, doanh nghiệp dệt may sẽ phải đối mặt với thách thức khi nhiều thị trường lớn đưa ra những quy định mới mang tính bắt buộc, liên quan tới lao động và môi trường trong chuỗi cung ứng, xử lý chất thải dệt may; cùng những tiêu chuẩn về thị trường ngày càng khắt khe. Đơn cử, một số quốc gia, như Mỹ, EU… đã đưa ra những quy định rất cao về xanh hóa, về môi trường.

Do đó, để giữ vững thị trường, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Vitas đề xuất, các Thương vụ nước ngoài cần hỗ trợ nhiều hơn về thông tin từ các thị trường, chính sách của nước sở tại… Đặc biệt là thông tin về cơ chế cho sản xuất xanh từ một số nước, cụ thể hơn là giải pháp nào để một số cường quốc dệt may có thể giảm chi phí để tăng sức cạnh tranh… bởi các cơ chế này rất cần thiết để doanh nghiệp trong nước có thể định hướng, điều chỉnh các hoạt động sản xuất kinh doanh cho phù hợp.

“Bên cạnh đó, xanh hóa sản xuất, sản phẩm cần nguồn kinh phí rất lớn. Doanh nghiệp mong muốn nhà nước có chính sách về tín dụng xanh và hỗ trợ nhất định về lãi suất, đào tạo nhân lực cho doanh nghiệp xây dựng phương án chuyển đổi xanh”, ông Cẩm nhấn mạnh.

Về phía doanh nghiệp, để không tụt hậu với xu hướng sản xuất, tiêu dùng xanh của thị trường dệt may thế giới, doanh nghiệp phải tự chủ được nguồn nguyên phụ liệu.

Theo ông Cẩm, Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 3030, tầm nhìn đến năm 2035 trong đó có nội dung rất quan trọng là thành lập các tổ hợp dệt may, da giày lớn với các doanh nghiệp, nhà đầu tư có công nghệ tiên tiến. Những tổ hợp lớn như vậy mới có thể tập trung đủ nguồn nước để xây dựng khu trung tâm xử lý nước thải, tái sử dụng cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp.

“Khu công nghiệp Tam Thăng – Quảng Nam đã thu gom xử lý khoảng 80% số nước thải, từ đó quay trở lại tái sử dụng với giá thành thấp hơn 15-20%”, ông Cẩm cho hay.

Việc chuyển đổi sang sản xuất bền vững của ngành dệt may không chỉ đòi hỏi nguồn lực tài chính mà còn cần sự hỗ trợ từ Nhà nước – Ảnh minh họa: ITN

Liên quan đến vấn đề này, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội bày tỏ, một chính sách thuế phù hợp với doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất xanh, bền vững là rất quan trọng.

“Hiện thuế giá trị gia tăng giảm còn 8% cho tất cả các doanh nghiệp, vậy với doanh nghiệp sản xuất xanh Nhà nước có thể xem xét giảm thêm một số loại thuế như thuế tiêu thụ năng lượng, thuế xăng dầu… nhằm kích thích đầu tư mạnh mẽ hơn nữa”, ông Mạc Quốc Anh đề nghị.

Đồng quan điểm, không ít chuyên gia cho rằng, để hỗ trợ doanh nghiệp, về mặt tài chính, cần có gói tín dụng xanh cho các doanh nghiệp đầu tư xanh. Bên cạnh đó, ngành thuế cũng cần có chính sách giảm thuế thu nhập cho những doanh nghiệp đầu tư xanh để họ thấy có động lực và tiếp tục làm tốt hơn.

Đồng thời, cần thể chế hóa các tiêu chuẩn ESG, kinh tế tuần hoàn trong ngành dệt may với lộ trình phát triển và mục tiêu cụ thể. Có chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp thông qua các công cụ thuế, tín dụng, đất đai. Chính sách cần có bước đi cụ thể. Cần đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông; xây dựng văn hóa tiêu dùng các sản phẩm xanh, bền vững; ủng hộ các doanh nghiệp sản xuất có đạo đức, trách nhiệm.

Theo Tạp Chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp