Lần đầu tiên sau 5 tháng, một ngân hàng nhóm Big 4 (4 ngân hàng TMCP Nhà nước) điều chỉnh lãi tiền gửi, cũng là lần đầu tiên đơn vị này tăng lãi suất kể từ tháng 11/2022.
Một ngân hàng Big 4 tăng lãi suất
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) thông báo tăng lãi suất huy động từ ngày 1/8. Theo đó, lãi suất kỳ hạn 1-2 tháng được điều chỉnh tăng thêm 0,1 điểm %, lên mức 1,7%/năm. Lãi suất kỳ hạn 24 tháng trở lên được tăng thêm 0,1 điểm %, lên 4,8%/năm.
Đáng chú ý, trong 5 tháng qua, đây là lần đầu tiên nhà băng này điều chỉnh lãi suất tiền gửi, cũng là lần đầu tiên kể từ tháng 11/2022 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm áp dụng với các khách hàng cá nhân.
Agribank cũng là ngân hàng quốc doanh đầu tiên trong nhóm 4 ngân hàng TMCP Nhà nước (nhóm Big 4, gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank) tăng lãi suất tiết kiệm. Sau điều chỉnh, biểu lãi suất huy động của Agribank đã ngang bằng so với lãi suất của VietinBank, BIDV và cao hơn Vietcombank ở hầu hết kỳ hạn.
*Biểu lãi suất tiết kiệm của 4 ngân hàng quốc doanh (đơn vị: %/năm)
Trước đó, từ ngày 22/7, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng đã tăng lãi suất huy động tiền gửi trực tuyến ở kỳ hạn dài.
Cụ thể, BIDV tăng thêm 0,1 điểm % lãi suất huy động tiền gửi online tại kỳ hạn 24-36 tháng, lên mức 4,9%/năm và giữ nguyên lãi suất huy động tại các kỳ hạn còn lại.
Cũng từ đầu tháng 8, một ngân hàng tư nhân khác cũng điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm là HDBank với mức tăng 0,3 điểm % cho kỳ hạn trực tuyến 1-5 tháng; 7,7%/năm (kỳ hạn 12 tháng) và 8,1%/năm (kỳ hạn 13 tháng). Tuy nhiên, để hưởng mức này khách hàng cần gửi tiết kiệm tối thiểu từ 500 tỷ đồng.
Điều gì tác động đến mặt bằng lãi suất sắp tới?
Tháng 7 trước đó, 18 ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động, đưa mức cao nhất hệ thống lên 6,2%/năm.
Sau thời gian lãi suất tiền gửi tăng vọt vào cuối 2022, từ giữa năm ngoái, mức lãi tiền gửi điều chỉnh giảm liên tục. Song từ đầu tháng 4, một số ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm. Thời điểm đó, lãi suất cao nhất hệ thống cho kỳ hạn 12 tháng chỉ dao động quanh 5%/năm, còn hiện tại là 6,2%/năm.
Xu hướng tăng diễn ra liên tục cho tới nay, đưa mặt bằng lãi suất lên cao nhất từ đầu năm. Hầu hết các chuyên gia đưa ra nhận định mặt bằng lãi suất tiết kiệm từ nay đến cuối năm sẽ còn tăng tiếp.
Chuyên gia đến từ Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) đưa ra nhận định: “Lãi suất huy động sẽ tiếp tục tăng thêm 0,5 điểm % từ nay cho tới cuối năm, lên mức quanh vùng đáy Covid-19 giai đoạn 2020-2021”.
Theo đó, có 2 yếu tố trọng yếu tác động tới mặt bằng lãi suất huy động từ nay đến cuối năm.
Thứ nhất là tỷ giá trong quý III vẫn sẽ có các biến động trồi sụt, mặc dù rủi ro tăng mạnh trở lại không còn đáng ngại. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước vẫn sẽ duy trì định hướng giữ nền lãi suất liên ngân hàng ở mức cao vừa đủ để hạn chế chênh lệch lãi suất, song song với nghiệp vụ bán USD để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong bối cảnh nhập khẩu được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
Những điều này sẽ tác động trực tiếp đến thanh khoản hệ thống và làm tăng lãi suất huy động ở thị trường 1, đặc biệt là ở nhóm ngân hàng tư nhân vừa và nhỏ có nguồn huy động kém linh hoạt và các ngân hàng ghi nhận tăng trưởng tín dụng tốt.
Thứ 2 là cầu tín dụng kỳ vọng hồi phục kéo theo nhu cầu huy động vốn, từ đó khiến đà tăng của lãi suất huy động tiếp diễn vào cuối năm.
Cụ thể, tăng trưởng tín dụng được dự báo sẽ phục hồi rõ nét hơn theo sự ấm lên của nền kinh tế trong nửa cuối năm 2024.
Cùng với xu hướng tăng của lãi suất huy động, giới chuyên môn cũng dự báo, lãi suất cho vay đã tạo đáy, dự báo sẽ đi ngang hoặc nhích nhẹ vào cuối năm. Thực tế cho thấy, lãi suất cho vay đã giảm xuống thấp tương đối so với mức đỉnh cuối năm 2022 theo chủ trương hạ lãi suất hỗ trợ phát triển kinh tế của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Tuy nhiên với diễn biến tăng trở lại của chi phí huy động vốn, các chuyên gia cho rằng, lãi suất cho vay đã tạo đáy và nhiều khả năng sẽ đi ngang hoặc nhích nhẹ vào cuối năm.