HPG luôn là cổ phiếu được đánh giá có triển vọng tích cực trong dài hạn nhờ lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ, đặc biệt là trong việc quản lý chi phí và mở rộng thị phần.
Lợi nhuận quí 2 tăng trưởng mạnh
Mùa báo cáo kết quả kinh doanh đã bước vào giai đoạn cuối. Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) công bố kết quả kinh doanh quí 2 và sáu tháng đầu năm 2024 khá muộn, khi phải đến tuần cuối cùng của tháng 7, các con số về tình hình kinh doanh mới được tiết lộ.
Cụ thể, lợi nhuận ròng của Hòa Phát trong quí 2-2024 đạt 3.300 tỉ đồng, tăng 16% so với quí trước và tăng tới 129% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng trưởng ấn tượng này được thúc đẩy bởi sản lượng tiêu thụ thép tăng, đặc biệt là sản lượng thép xây dựng, khi đạt 1,27 triệu tấn trong quí 2, lần lượt tăng 32% so với quí trước và tăng 61% so với cùng kỳ năm trước. Đây đồng thời là mức sản lượng cao thứ hai trong lịch sử của Hòa Phát (chỉ sau mức 1,34 triệu tấn trong quí 1-2022 nhờ nhu cầu dồn nén sau đại dịch Covid-19).
Nhìn chung, mức tăng trưởng trên khá ấn tượng và có được nhờ một số nguyên nhân chính như: (1) tiêu dùng trong nước phục hồi mạnh (tăng 29% trong quí 2); (2) thị phần của Hòa Phát tăng từ mức 32% trong nửa đầu năm 2023 lên mức 38% trong nửa đầu năm 2024 khi một số doanh nghiệp sản xuất khác cắt giảm sản lượng sau khi phải chịu lỗ một thời gian dài; và (3) kênh xuất khẩu phục hồi với sản lượng tiêu thụ đạt 328.000 tấn, mặc dù không đổi so với quí trước nhưng tăng 124% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, sản lượng phôi thép cũng tăng tích cực khi đạt 201.000 tấn (tăng 125% so với quí trước và tăng 958% so với cùng kỳ năm trước). Một mảng khác, sản lượng tiêu thụ thép cuộn cán nóng (HRC) của Hòa Phát gần như không đổi so với cùng kỳ năm trước khi ở mức 739.000 tấn (sản lượng xuất khẩu giảm 43% nhưng sản lượng tiêu thụ nội địa tăng 5,3%). Còn mặt hàng tôn mạ và thép ống có mức tiêu thụ tăng 31% so với mức nền thấp của cùng kỳ năm trước.
Giá cổ phiếu về vùng hấp dẫn
Theo Công ty Chứng khoán SSI, ước tính lợi nhuận ròng năm 2024 của Hòa Phát sẽ ở mức 12.800 tỉ đồng (tăng 86,6% so với cùng kỳ). Cụ thể hơn, sản lượng thép xây dựng và HRC của công ty sẽ lần lượt đạt 4,5 triệu tấn (tăng 17,6%) và 3,05 triệu tấn (tăng 10%) trong năm 2024. Trong ngắn hạn, lợi nhuận ròng quí 3-2024 của Hòa Phát có thể sẽ giảm so với quí 2 do giá thép khu vực đang trong xu hướng điều chỉnh và sản lượng tiêu thụ sẽ giảm trong mùa thấp điểm, trước khi phục hồi trở lại vào quí 4.
|
Liên quan đến giá thép thì một yếu tố cần lưu ý là sản xuất thép của Trung Quốc tăng trở lại có thể sẽ gây áp lực lên giá thép khu vực. Trong nửa đầu năm 2024, sản lượng xuất khẩu thép của Trung Quốc đã tăng 22% so với cùng kỳ, đạt 53,4 triệu tấn do sản xuất tăng trong khi nhu cầu nội địa yếu. Điều này đã khiến giá thép Trung Quốc giảm khoảng 10% trong vòng hai tháng qua. Sau khi giá HRC của Trung Quốc giảm, giá HRC tại Việt Nam cũng đã giảm 7%.
Tuy nhiên, tác động của mức giảm này có thể được hạn chế bớt nhờ giá quặng sắt và than cốc đã giảm khoảng 8-9% trong hai tháng qua. Ngoài ra, giá thép xây dựng vẫn khá ổn định do độ tương quan thấp hơn với giá thép trong khu vực so với sản phẩm HRC. Trên cơ sở đó, biên lợi nhuận của Hòa Phát vẫn được đảm bảo khá tốt.
Một yếu tố khác cũng rất đáng lưu tâm đối với Hòa Phát là hoạt động xuất khẩu sang thị trường châu Âu của doanh nghiệp này sẽ chịu thêm nhiều áp lực từ các biện pháp bảo hộ. Cụ thể, Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định gia hạn các biện pháp bảo hộ đối với thép nhập khẩu đến hết tháng 6-2026, đồng thời áp dụng hạn ngạch 15% của danh mục “các nước khác” tương đương khoảng 142.000 tấn/quí đối với Việt Nam. Ước tính chính sách này có thể làm giảm hạn mức HRC từ Việt Nam vào châu Âu khoảng 50% so với năm 2023. Mức thuế áp dụng đối với thép ngoài hạn ngạch là 25%.
Ngoài ra, Ủy ban châu Âu (EC) gần đây cũng đã thông báo về việc nhận được yêu cầu điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng HRC nhập khẩu từ Việt Nam. Hiện thị trường EU chiếm khoảng 10% và 37% tổng doanh thu xuất khẩu của Hòa Phát trong năm 2022 và 2023, lần lượt đóng góp 2,1% và 10,7% tổng doanh thu của Hòa Phát. Dù tỷ trọng của thị trường EU cũng khá đáng kể trong năm 2023 song Hòa Phát cũng đang nỗ lực mở rộng các thị trường xuất khẩu mới như Trung Đông, châu Phi và Bắc Mỹ. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp giảm sự phụ thuộc vào các thị trường đơn lẻ.
Ngoài ra, công ty có thể tăng tỷ trọng của thị trường nội địa nếu các thị trường xuất khẩu áp dụng thuế chống bán phá giá đối với hàng nhập khẩu HRC. Dẫn chứng là tỷ trọng xuất khẩu HRC của Hòa Phát đã có xu hướng giảm từ mức 42% trong năm 2023 xuống còn 24,3% trong quí 2-2024.
Dự báo chung là mức tăng trưởng so với cùng kỳ của Hòa Phát trong nửa cuối năm 2024 có khả năng sẽ chậm lại (đạt mức quanh 30% từ mức hơn 200% trong nửa đầu năm 2024) do mức nền cao trong nửa cuối năm 2023 và giá thép thấp hơn. Đối với năm 2025, kỳ vọng lợi nhuận của Hòa Phát tiếp tục tăng hơn 20% nhờ sản lượng HRC tăng sau khi lò cao đầu tiên của Dung Quất 2 đi vào hoạt động.
Trên cơ sở đó, giá trị hợp lý của cổ phiếu HPG được nhiều công ty chứng khoán khuyến nghị ở vùng trên dưới 30.000 đồng/cổ phiếu. HPG luôn là cổ phiếu được đánh giá có triển vọng tích cực trong dài hạn nhờ lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ, đặc biệt là trong việc quản lý chi phí và mở rộng thị phần.
Những tin tức có phần bất lợi trong ngắn hạn liên quan đến giá thép thế giới, các biện pháp bảo hộ từ thị trường xuất khẩu lớn là châu Âu… đang khiến giá cổ phiếu HPG điều chỉnh khá sâu, giảm về vùng 26.000 đồng/cổ phiếu (đóng cửa phiên ngày 5-8). Đây được xem là vùng giá chiết khấu đủ mức hấp dẫn để dòng tiền dần nhập cuộc đối với các vị thế trung và dài hạn.