Bất ngờ: Heineken Việt Nam đã đóng góp 2,1% vào tổng số thuế toàn quốc

Cứ mỗi công việc trực tiếp tại Heineken thì tạo ra thêm 51 công việc trong chuỗi cung ứng phụ trợ.

Tại hội thảo “Dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) và ngành đồ uống” diễn ra vào ngày 8/8/2024, các bên liên quan tới ngành đồ uống đã tập trung thảo luận về những thay đổi dự kiến trong dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB). Mục tiêu của dự thảo là tăng thuế suất đối với các sản phẩm rượu, bia và mở rộng phạm vi chịu thuế đối với nước giải khát có hàm lượng đường cao. Tuy nhiên, đề xuất này đã tạo ra những lo ngại sâu sắc từ phía doanh nghiệp, đặc biệt là về tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh và an sinh xã hội.

Dự thảo Luật TTĐB đề xuất hai phương án tăng thuế suất đối với rượu và bia, với lộ trình thực hiện từ năm 2026 đến năm 2030. Phương án thứ nhất: Từ năm 2026, thuế suất TTĐB sẽ tăng thêm 5% so với quy định hiện hành, dẫn đến giá bán các sản phẩm rượu bia tăng 10% so với năm 2025. Phương án thứ hai: Cũng từ năm 2026, thuế suất TTĐB sẽ tăng thêm 15%, kéo theo giá bán tăng 20% so với năm trước.

Bên cạnh đó, trong cả hai phương án, Bộ Tài chính còn đề xuất một lộ trình tăng thuế 5% mỗi năm trong suốt bốn năm tiếp theo. Điều này có thể khiến giá bán sản phẩm rượu bia tăng thêm từ 2-3% hàng năm so với năm trước đó. Đến năm 2030, thuế suất TTĐB đối với bia và rượu trên 20 độ dự kiến tăng lên mức 90-100%, cao hơn từ 25-35% so với hiện hành, trong khi rượu dưới 20 độ sẽ tăng lên mức 60-70%.

Trước những đề xuất này, các doanh nghiệp trong ngành đồ uống đã bày tỏ sự lo ngại về tác động của việc tăng thuế lên hoạt động kinh doanh. Bà Trần Ngọc Ánh, Giám đốc Quan hệ Đối ngoại cấp cao của Heineken Việt Nam, đã đưa ra quan điểm rằng việc tăng thuế TTĐB cần phải được thực hiện theo lộ trình hợp lý và mức tăng vừa phải.

Bà Trần Ngọc Ánh, Giám đốc Quan hệ Đối ngoại cấp cao của Heineken Việt Nam

Bà Ánh cho biết, Heineken đồng ý với việc cần có những biện pháp tổng thể để đạt được mục tiêu về thuế, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, và ổn định phát triển kinh tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh chi phí đầu vào, đặc biệt là chi phí logistics, tăng cao do các mâu thuẫn địa chính trị toàn cầu, việc tăng thuế đột ngột có thể gây ra những hệ lụy nghiêm trọng cho doanh nghiệp.

Bà Ánh cũng chia sẻ về sự đóng góp của Heineken đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023. Theo đó, công ty đã tạo ra 3.355 việc làm trực tiếp và hơn 172.000 việc làm gián tiếp trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Cứ mỗi công việc trực tiếp tại Heineken thì tạo ra thêm 51 công việc trong chuỗi cung ứng phụ trợ. Điều này cho thấy vai trò quan trọng của Heineken không chỉ trong việc cung cấp sản phẩm mà còn trong việc tạo ra công ăn việc làm và thúc đẩy phát triển kinh tế.

Trong năm 2023, Heineken Việt Nam đã đóng góp 0,5% vào GDP quốc gia và 2,1% vào tổng số thuế toàn quốc, tương đương 33 nghìn tỷ đồng tiền thuế trong toàn bộ chuỗi giá trị. Tuy nhiên, do tác động của các yếu tố bên ngoài và sự sụt giảm trong sản xuất, giá trị gia tăng đóng góp của Heineken trong toàn bộ chuỗi giá trị đã giảm 28%, và số thuế đóng góp vào ngân sách nhà nước cũng giảm 37%.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Hoàng Giang, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại SABECO, nhấn mạnh rằng việc tăng thuế nhanh chóng và trong thời gian ngắn có thể gây khó khăn lớn cho các doanh nghiệp.

Theo ông Giang, trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, việc tăng thuế liên tục đến năm 2030 với mức thuế suất có thể lên đến 90-100% là một cú sốc lớn. Điều này không chỉ gây khó khăn cho các doanh nghiệp lớn mà còn đe dọa sự tồn tại của các doanh nghiệp nhỏ, có thể dẫn đến việc đóng cửa và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc làm, an sinh xã hội, và thu nhập của người lao động.

PGS. TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, cũng đồng tình với quan điểm trên. Ông cảnh báo rằng tỷ lệ tăng thuế quá cao và tiến độ tăng thuế liên tục hàng năm như trong các phương án hiện nay có thể dẫn đến sự sụt giảm sản lượng đáng kể trong ngành đồ uống, từ đó làm Chính phủ thất thu thuế. Ông Long nhấn mạnh rằng cần phải cân nhắc kỹ lưỡng việc tăng thuế trong bối cảnh kinh tế hiện tại của Việt Nam để tránh gây “sốc” cho doanh nghiệp, đồng thời vẫn đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước.

Theo Người Quan Sát