Lên thị trường mới nổi, không chỉ chứng khoán mà về kinh tế, dự trữ ngoại hối cũng sẽ có sự tăng lại tốt hơn, được hỗ trợ từ dòng tiền nước ngoài vào Việt Nam.
Đây là chia sẻ của ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Khối đầu tư Dragon Capital bên lề sự kiện Investor Day Quý II – 2024 do Dragon Capital tổ chức ngày 10/08.
Ông vừa có chuyến đi nước ngoài với Bộ Tài chính, ông nhận thấy sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam đang như thế nào?
Sự kiện Việt Nam tổ chức ở Singapore của Bộ Tài chính và UBCKNN tôi đánh giá là rất thành công và tôi ngạc nhiên rằng rất nhiều nhà đầu tư tham gia so với sự kiện các nước khác. Nhưng tôi cũng thắc mắc, họ quan tâm như vậy, tham gia nhiều như vậy nhưng sao họ vẫn bán ròng? Câu hỏi này chính tôi cũng chưa trả lời được. Nhưng khi nói chuyện với nhiều nhà đầu tư khác nhau, tôi cảm giác họ đang chờ điều gì đó để họ quay lại.
Vậy yếu tố rất quan trọng là triển vọng nâng hạng. Sẽ ra sao nếu chúng ta không sớm được nâng hạng?
Việc nâng hạng hay không sẽ ảnh hưởng trực diện và trực tiếp đến dự trữ ngoại hối quốc gia. Chứng khoán Việt Nam bị bán ròng hơn 2 tỷ USD là con số rất lớn, nếu chúng ta tiếp tục nằm ở thị trường cận biên, khả năng cao sẽ tiếp tục bị rút.
Đối với tôi, cấp thiết và bằng mọi giá chúng ta phải lên được thị trường mới nổi. Lên thị trường mới nổi, không chỉ chứng khoán mà về kinh tế, dự trữ ngoại hối cũng sẽ có sự tăng lại tốt hơn, được hỗ trợ từ dòng tiền nước ngoài vào Việt Nam.
Vừa qua mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II các doanh nghiệp ghi nhận tăng trưởng tích cực. Điều này có tiếp diễn cho cả năm 2024 không, thưa ông?
Dragon Capital theo dõi khoảng 100 doanh nghiệp lớn trên thị trường chứng khoán, phần nào cũng đại diện cho nền kinh tế. Năm 2022 – 2023, tăng trưởng EPS là số âm, nhưng năm nay là năm đầu tiên Dragon Capital dự tính EPS tăng trưởng 18%. Quý II đang cho thấy xu hướng đúng như dự tính. Nhưng lưu ý, nợ xấu ngân hàng đang có dấu hiệu gia tăng, có thể xuất phát từ bất động sản có nhiều dự án gặp khó khăn pháp lý, ách tắc khâu cấp phép.
Vậy cơ hội với nhóm cổ phiếu ngân hàng ra sao, thưa ông?
Xét trong 10 năm qua, ngân hàng là ngành luôn có sự tăng trưởng tốt hơn thị trường chứng khoán chung. Năm 2024 sẽ không ngoại lệ. Nhưng ngành ngân hàng gần đây đang bị vài áp lực nhất định về nợ xấu dẫn đến quan điểm của nhà đầu tư sẽ là “trừng phạt” về mặt định giá rất khốc liệt.
Rõ ràng, ngân hàng đang có định giá rất tốt, nhưng để cổ phiếu ngân hàng có sự phục hồi về giá, tôi cho rằng đợi đến quý IV, khi các khoản nợ xấu có tín hiệu giảm xuống, nhà đầu tư sẽ bắt đầu trở lại và ngân hàng sẽ có cuộc tăng giá tốt hơn.
Còn triển vọng thị trường chứng khoán nói chung?
Xét về định giá, giá trị sổ sách của doanh nghiệp đang ở mức tương đối tốt, là mức rất hấp dẫn, nhưng chỉ số P/E của một số doanh nghiệp không quá tốt, vì 2 năm qua lợi nhuận gần như không tăng trưởng. Xét cả thị trường, kể cả ngân hàng, P/E chỉ ở khoảng 11 lần (khi khủng hoảng nhất thì cũng chỉ ở 9 lần), trong khi bình quân P/E ở khoảng 15 lần. Do đó thị trường chứng khoán trong 12 – 24 tháng tới là rất tiềm năng.
Nhà đầu tư cần chú ý yếu tố bất định nào từ thị trường thế giới có thể tác động đến thị trường Việt Nam thưa ông?
Trong năm 2024, Việt Nam là một trong những thị trường tăng trưởng tốt nhất khu vực châu Á. Nếu có những rủi ro nhất định về thị trường chứng khoán thì Việt Nam cũng có biến động nhỏ xảy ra.
Trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, nếu Donald Trump lên nắm quyền sẽ tạo ra những biến động. Donald Trump là người thích phát ngôn và những phát ngôn đó có thể tạo ra biến động nhẹ trên thị trường chứng khoán, không chỉ Việt Nam mà cả khu vực châu Á hay những thị trường mới nổi.
Ngoài ra, nhiều quan điểm cho rằng Fed cắt lãi suất là thị trường thế giới sẽ có vấn đề, nhưng quan điểm này hơi mang tính phiến diện. Khi Fed cắt giảm lãi suất sẽ có 2 trường hợp: kinh tế Mỹ suy thoái lớn, hoặc thậm chí là khủng hoảng.
Nếu khủng hoảng hoặc suy thoái lớn xảy ra, chắc chắn thị trường chứng khoán Mỹ sẽ giảm rất mạnh. Điển hình là năm 2007 khi Fed cắt lãi suất lần đầu nhưng phải đến tháng 10/2008 khủng hoảng mới xảy ra. Nhưng lần này khác những đợt khủng hoảng trước. Theo số liệu Dragon Capital đang quan sát, lần này kinh tế thế giới có thể theo hướng một cuộc suy thoái nhẹ, thậm chí có thể không có suy thoái vì các ngân hàng lớn thế giới dự đoán xác suất cho suy thoái năm 2025 chỉ từ 20 – 25%.