Các doanh nghiệp ngành công nghệ được kỳ vọng bứt phá trong kỷ nguyên công nghiệp 4.0. FPT của ông Trương Gia Bình lên đỉnh cao lịch sử, nhưng VNG của ông Lê Hồng Minh lại đang gặp khó. Triển vọng của các công ty ngành công nghệ Việt tới đây ra sao?
Cổ phiếu công nghệ phân hóa sau đợt bứt phá
Sau 2 đợt điều chỉnh từ đỉnh cao gần 140.000 đồng/cp ghi nhận trong tuần đầu tháng 7 về mức 118.000 đồng/cp hồi đầu tháng 8, cổ phiếu FPT (CTCP FPT) của Chủ tịch Trương Gia Bình gần đây bật tăng trở lại ngưỡng 130.000 đồng/cp khi kết phiên ngày 12/8.
Tính đến 12/8, FPT có vốn hóa gần 190.000 tỷ đồng (khoảng 7,5 tỷ USD), tiếp tục là doanh nghiệp tư nhân có vốn hóa lớn nhất niêm yết trên sàn chứng khoán, cao hơn mức 165.000 tỷ đồng của Tập đoàn Hòa Phát (HPG) hay mức 155.000 tỷ đồng của Tập đoàn Vingroup (VIC).
Vốn hóa của FPT chỉ thua các “ông lớn” mà Nhà nước có cổ phần chi phối như Vietcombank (VCB), ACV, BIDV (BID) niêm yết trên HoSE và Tổng CTCP Đầu tư Quốc tế Viettel – VGI (đăng ký trên Upcom).
FPT có được quy mô vốn hoá lớn như hiện nay nhờ sự thăng hoa của cổ phiếu nhóm ngành công nghệ trong nửa đầu năm 2024.
Trong khoảng 7 tháng đầu năm nay, cổ phiếu FPT liên tục lập đỉnh cao lịch sử mới. Trong khi đó, một số cổ phiếu bất động sản lớn trên sàn giảm khá mạnh.
Nhóm cổ phiếu công nghệ Việt diễn biến ấn tượng trong bối cảnh xu hướng trí tuệ nhân tạo (AI) bùng nổ thời gian gần đây. Nhiều ông lớn công nghệ trên thị trường quốc tế thăng hoa với những gương mặt như Ndivia của Chủ tịch kiêm CEO Nvidia Jensen Huang hay các cổ phiếu của Super Micro Computer, Amazon, Microsoft và Google… Một số tập đoàn đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp Việt.
Trong nước, nhóm cổ phiếu công nghệ “họ Viettel” cũng tăng bứt phá trong 7 tháng đầu năm và có vốn hóa tăng mạnh.
Từ mức khoảng 25.000 đồng/cp hồi đầu năm, cổ phiếu VGI của Viettel Global có lúc lên trên 110.000 đồng/cp. Công trình Viettel (CTR) tăng từ mức dưới 90.000 đồng hồi đầu năm, lên trên 160.000 đồng/cp hồi cuối tháng 6.
Tuy nhiên, gần đây, trừ cổ phiếu FPT vẫn ở gần sát đỉnh lịch sử, còn lại nhiều cổ phiếu công nghệ khác quay đầu giảm khá mạnh. VGI hiện về ngưỡng 63.000 đồng/cp. Từ trên 160.000 đồng, mã CTR rớt về 123.000 đồng/cp. Sau khi lên đỉnh 70.000 đồng/cp hồi giữa tháng 6, cổ phiếu Tập đoàn Công nghệ CMC giảm mạnh về mức 48.000-52.000 đồng/cp như hiện tại.
Đáng chú ý là sự sụt giảm của cổ phiếu CTCP VNG (VNZ) của CEO Lê Hồng Minh. Cổ phiếu VNZ lên sàn Upcom ngày 5/1/2023 với giá tham chiếu ban đầu 240.000 đồng/cp và sau 11 phiên tăng trần liên tiếp đã lên tới hơn 1,56 triệu đồng/cp (ghi nhận vào 16/2/2023).
Sau đó, VNZ giảm sâu về dưới 740.000 đồng/cp hồi tháng 7/2023 trước khi tăng trở lại lên 1,24 triệu đồng/cp sau đó khoảng một tháng.
Trong 10 phiên vừa qua, VNZ ghi nhận 8 phiên giảm và chỉ có 2 phiên hồi phục ngày 9/8 và 12/8, hiện ở mức 520.000 đồng/cp.
Triển vọng nào cho nhóm cổ phiếu công nghệ Việt?
Cổ phiếu VNZ giảm trong bối cảnh “kỳ lân công nghệ” Việt lỗ ròng hợp nhất gần 489 tỷ đồng trong quý II/2024, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 507 tỷ đồng.
VNZ (tên trước đây là VinaGame) trở lại con đường thua lỗ quen thuộc do chi phí cao cho quảng cáo sản phẩm mới và sản phẩm chiến lược. Theo báo cáo tài chính, doanh nghiệp của CEO Lê Hồng Minh trong nửa đầu năm 2024 đẩy mạnh đổ tiền vào các phần mềm trò chơi đang hoàn thiện. Nhiều khoản đầu tư của VNZ vào các công ty con, công ty liên kết đang thua lỗ, trong đó có khoản mất toàn bộ 510 tỷ đồng tiền vốn đầu tư vào Tiki Global…
VNZ cũng có nhiều dự án dài hơi. Theo báo cáo tài chính riêng, trong nửa đầu năm 2024, VNZ đã đầu tư thêm khoảng 1.777 tỷ đồng vào CTCP Zion (sở hữu ZaloPay), nâng tổng đầu tư tại đây lên gần 5.142 tỷ đồng, tăng tỷ lệ sở hữu từ hơn 72,6% lên 99,999%. Vào cuối quý I/2024, mức đầu tư vào Zion mới là 3.550 tỷ đồng.
Dự phòng đầu tư tài chính dài hạn của VNZ cũng tăng mạnh, từ mức gần 3.650 tỷ đồng hồi đầu năm lên 5.179 tỷ đồng. Nhiều khả năng là do khoản đầu tư vào Zion như đã trình bày trong một số báo cáo trước đó.
Hiện vốn hóa của VNZ đạt gần 15.000 tỷ đồng (gần 590 triệu USD), thấp hơn nhiều mức 2,3 tỷ USD thời đỉnh cao.
Nhiều nhà đầu tư vẫn kỳ vọng, VNZ sẽ bứt phá trong dài hạn. Kỳ vọng được đặt vào các dự án lớn của VNZ, từ vị trí số 1 trong lĩnh vực trò chơi và quảng cáo trực tuyến, dự án ZaloPay, các trung tâm dữ liệu VNG Data Center, đến kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn Mỹ…
Theo Công ty chứng khoán Agriseco, ngành công nghệ thông tin tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ duy trì đà tăng trưởng cao nhờ nhu cầu chi tiêu cho chuyển đổi số của các doanh nghiệp, bộ, ngành… tiếp tục tăng cao. Bên cạnh đó là xu hướng phát triển AI, dữ liệu lớn, dịch vụ đám mây, tốc độ tăng trưởng mạng 4G, 5G cao…
Với VNZ, mảng kinh doanh mang tính chiến lược AI đã bắt đầu ghi nhận doanh thu thực tế từ thị trường nước ngoài. VNZ cũng sẽ dồn lực cho lĩnh vực này.
Còn FPT hưởng lợi từ hoạt động xuất khẩu phần mềm cũng như hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ lớn nhất thế giới như Nvidia…. Tập đoàn CMC cũng đang đẩy mạnh đầu tư vào nhiều lĩnh vực có triển vọng tươi sáng, trong đó có trung tâm dữ liệu (data center)…
Về chính sách, ngày 9/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký quyết định thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ nghiên cứu, tư vấn, khuyến nghị, đề xuất phương hướng, giải pháp để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam; chỉ đạo, phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan, tổ chức liên quan để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.