Nestlé đã hoạt động tại thị trường Việt Nam hơn 3 thập kỷ, Nestlé cũng là đơn vị tiên phong trong các hoạt động hướng tới một nền nông nghiệp tái sinh thông qua Chương trình NESCAFÉ Plan.
Nestlé là đơn vị thu mua cà phê lớn nhất tại Việt Nam, kể từ khi triển khai Chương trình NESCAFÉ Plan vào năm 2011, đơn vị đã phân phối hơn 53 triệu cây cà phê giống chống chịu hạn, năng suất cao tới người nông dân và cải tạo 53.000 ha diện tích cà phê già cỗi tại khu vực Tây Nguyên.
Chia sẻ tại Toạ đàm: “Chuyển đổi kép: Câu chuyện của các doanh nghiệp tiên phong” do Báo Đầu tư tổ chức, bà Lê Hoài Thương, Quản lý cấp cao Truyền thông và Đối ngoại, Nestlé Việt Nam cho biết, chiến lược của Nestlé dựa trên ba trụ cột, lấy người dùng làm trọng tâm, chuyển đổi xanh, và chuyển đổi số.
Sự thành công của Nestlé tại Việt Nam được xây dựng trên nền tảng chiến lược chuyển đổi kép, với sự kết hợp giữa chuyển đổi xanh và chuyển đổi số. Hai yếu tố này đã đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì và phát triển vị thế của Nestlé trên thị trường, đặc biệt trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng chú trọng đến các sản phẩm thân thiện với môi trường và có trách nhiệm xã hội.
“Người dùng hiện nay đang quan tâm tới sự đổi mới sáng tạo và các sản phẩm xanh, phát thải thấp, tác động tích cực đến môi trường và đóng góp lâu dài cho xã hội”, bà Thương cho hay.
Về chuyển đổi xanh, Nestlé cam kết tới năm 2050 sẽ đạt phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) trên toàn bộ chuỗi cung ứng. Nestlé cũng đã thực hiện nhiều sáng kiến như chuyển đổi nông nghiệp xanh, nông nghiệp tái sinh để giúp cho người nông dân trong chuỗi cung ứng canh tác phát thải thấp.
“Với nông nghiệp tái sinh, chúng tôi không chỉ ngưng tác động tiêu cực, mà còn hướng đến tạo ra những tác động tích cực như bồi hoàn nguồn nước, tăng độ phì nhiêu của đất, đa dạng hóa sinh hóa”, đại diện Nestlé nhấn mạnh.
Chuyển đổi số cũng là một phần không thể thiếu trong việc thực hiện chiến lược chuyển đổi xanh. Bà Thương cho rằng chuyển đổi số giúp doanh nghiệp tiếp cận kinh doanh linh hoạt hơn, cung cấp bức tranh toàn diện về chuỗi cung ứng, và quan trọng nhất là đo lường hiệu quả thực hiện mục tiêu Net Zero.
Ngoài ra, Nestlé đã ứng dụng công nghệ và sản xuất xanh trên toàn bộ chuỗi cung ứng, từ thu mua thông minh, nhà máy kết nối đến chuỗi cung ứng thông minh. Mỗi tác nhân trong chuỗi cung ứng, từ nông dân, nhà thu mua vừa và nhỏ đến nhà phân phối lớn, đều tham gia vào quá trình chuyển đổi kép.
Trong giai đoạn Covid-19 và giai đoạn đầu năm 2024 khi có công bố về thuế tối thiểu toàn cầu và những dịch chuyển về FDI, Nestlé vẫn là một trong những doanh nghiệp công bố mở rộng đầu tư. Tính đến nay, Nestlé đã đầu tư 830 triệu USD để xây dựng 4 nhà máy và 2 trung tâm phân phối tại Việt Nam.
Nestlé không chỉ hướng đến thị trường nội địa mà còn coi Việt Nam là một trung tâm sản xuất toàn cầu. “Nestlé đã xuất khẩu sản phẩm đến hơn 20 thị trường trên toàn cầu, trong đó có những thị trường khó tính như châu Âu. Việc chuyển đổi số và chuyển đổi xanh cách đây hơn 10 năm đã giúp Nestlé đón đầu các quy định khắt khe từ những thị trường này, đồng thời duy trì và nâng cao khả năng cạnh tranh trên quy mô toàn cầu”, bà Thương nhìn nhận.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, Nestlé đặc biệt chú trọng đến việc phát triển nông nghiệp thông minh và bền vững. Dự án NESCAFÉ Plan được triển khai tại Việt Nam hơn 12 năm trước là một minh chứng điển hình cho cam kết này, họ chọn cách tiếp cận nông nghiệp tái sinh, lấy người nông dân làm trung tâm.
Dự án này không chỉ tập trung vào việc cải thiện chất lượng cà phê mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững cho ngành cà phê Việt Nam. Bà Thương chia sẻ rằng, việc số hóa trong nông nghiệp cần phải đơn giản, hiệu quả và hệ thống nhất, đặc biệt trong bối cảnh người nông dân ngày càng phải tuân thủ các tiêu chuẩn toàn cầu.
Trong quá trình chuyển đổi kép, tư duy của người trực tiếp thực hiện rất quan trọng. Nhìn cụ thể từ hoạt động canh tác, việc số hóa cần làm sao để người nông dân thực hiện hiệu quả nhất, đơn giản nhất, hệ thống nhất, nhất là trong bối cảnh người nông dân trở thành người nông dân toàn cầu, cà phê được xuất khẩu ra thế giới, phải có chỉ dẫn địa lý, có chứng minh và khai báo về nguồn gốc phát thải.
Dựa trên cách tiếp cận này, Nestlé ưu tiên hợp tác với các cơ quan Nhà nước, các nhà khoa học để hình thành hướng dẫn thực hành nông nghiệp bền vững cho cà phê Việt Nam.
“Ngoài ra, chúng tôi ứng dụng số hóa để phát triển nhật ký nông hộ, số hóa quy trình canh tác, giúp người nông dân theo dõi các chỉ số trong canh tác, thay thế cho những giấy tờ ghi chép tay chưa dựa trên dữ liệu khoa học. Bộ tiêu chí theo dõi quy trình canh tác này được Nestlé phối hợp xây dựng cùng MARD, kết hợp cùng hệ thống đánh giá 4C trên toàn hệ thống”, đại diện Nestlé cho hay.
Bên cạnh đó, Nestlé chú trọng đến M&E, giúp người nông dân nhận thức về lợi ích mà chuyển đổi số đem lại cho chính họ, rằng khi canh tác theo đúng chuẩn hóa, sẽ giúp tăng giá trị đầu ra.
Thông qua NESCAFÉ Plan và tiếp cận nông nghiệp tái sinh, Nestlé ghi nhận giảm 40% lượng nước tưới, lượng phân bón, có nhiều vườn cà phê dùng hoàn toàn phân hữu cơ, có những hộ trồng cà phê tăng 30 – 100% thu nhập.
Nestlé hoạt động song song ủy ban phát triển bền vững và ủy ban chuyển đổi số, được sự quản lý của CEO. Theo đó, chuyển đổi kép không phải là vấn đề đuổi theo xu thế, mà xuất phát từ quyết định đầu tư, chiến lược và thay đổi lâu dài của doanh nghiệp. Đặc biệt là yếu tố con người, phải thay đổi về tư duy, cách làm việc, và năng lực đón đầu những chuyển đổi nhanh, để tận dụng được hiệu quả sự chuyển đổi chứ không cuốn theo trào lưu.
Để tiếp cận và tạo sự thay đổi từ người nông dân, Nestlé chú trọng tạo giá trị chung, bởi khi cộng đồng không phát triển ổn định và thịnh vượng, doanh nghiệp cũng không thể bền vững và phát triển lâu dài được.
Để hiện thực hóa các cam kết ấy, Nestlé đã thực hiện hợp tác công tư với MARD, các nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, để cộng đồng cà phê phát triển bền vững, thịnh vượng. Năm nay, Nestlé cũng đã tổ chức buổi tập huấn, trao đổi với các nhà cung ứng và các nhà vận tại Việt Nam để đạt cam kết Net Zero. “Đó là những cam kết của chúng tôi để doanh nghiệp cùng tham gia vào quá trình chuyển đổi kép”, bà Thương khẳng định.