‘Bà hoàng trứng’ Ba Huân: Kinh doanh tử tế để trả ơn cho đời

Ở tuổi 70, nhà sáng lập trứng gia cầm Ba Huân nghĩ đến lớp kế cận, với ước mơ lớn nhất là doanh nghiệp còn mãi trong lòng người tiêu dùng bằng kinh doanh tử tế.

54 năm gắn bó với việc sản xuất, kinh doanh trứng gà, trứng vịt, bà Ba Huân (doanh nhân Phạm Thị Huân) nói bây giờ cho chọn lại bà vẫn sẽ chọn trứng. Buôn bán trứng kiếm tiền lẻ nhưng đó là thực phẩm mà ai cũng có thể sử dụng được trong bất cứ hoàn cảnh nào, nhất là với người khó khăn.

'Bà hoàng trứng' Ba Huân: Kinh doanh tử tế để trả ơn cho đời - 1

– Vì sao những lúc giá thịt cá tăng, nhu cầu tiêu dùng lớn, bà lại chọn khuyến mãi, giảm giá trứng gà, trứng vịt? 

Làm kinh doanh, không thể lợi dụng lúc người dân khó khăn, cần thực phẩm mà tăng giá. Trứng gà, trứng vịt, ai cũng ăn được, mà ăn nhiều nhất là người nghèo. Người lao động nghèo, khi khó khăn, không ai nghĩ tới chuyện đi mua ký thịt để ăn; họ mua trứng. Chỉ có trứng mới vừa túi tiền ít ỏi của họ.

Nếu tôi tăng giá, sẽ lời được vài đồng, nhưng các doanh nghiệp cùng ngành nhìn vào rồi tăng theo, thì người tiêu dùng sẽ ra sao? Mình hy sinh vài đồng lời nhưng lợi được vài trăm đồng cho người tiêu dùng thì không có lý do gì không làm cả.

'Bà hoàng trứng' Ba Huân: Kinh doanh tử tế để trả ơn cho đời - 2

Bán được cái trứng, con gà giá rẻ cho người lao động nghèo giữa lúc thị trường biến động luôn làm tôi hạnh phúc.

Tôi chỉ cần như vậy chứ không phải đếm xem kiếm bao nhiêu tiền lời. Do đó, tôi gắn bó với trách nhiệm bình ổn thị trường ở TP.HCM nhiều năm nay.

Tôi luôn tìm cách giảm giá khi thị trường biến động, nhu cầu tăng vào các dịp lễ, tết, để không tạo áp lực cho người tiêu dùng.

– Bà tính toán chuẩn bị nguồn hàng thế nào để không bị động, cũng như giảm thiệt thòi cho doanh nghiệp nếu phải giữ giá, giảm giá?

Gắn bó với thị trường hơn nửa thế kỷ, tôi hiểu được con gà mỗi ngày ăn bao nhiêu cám, uống bao nhiêu nước, nên giá trứng bao nhiêu cũng đã chủ động cân đối. Bình ổn thị trường không có nghĩa là doanh nghiệp phải hạ giá chịu lỗ, mà là không chụp giựt, té nước theo mưa, chấp nhận lời lãi chừng mực để chia sẻ với người tiêu dùng.

Cái lợi lớn nhất là người tiêu dùng đặt trọn niềm tin vào mình mấy chục năm qua, tôi phải trả ơn bằng giữ giá. Tôi luôn nhắc cấp dưới đừng tiếc vài đồng lời nhất thời mà phải nhìn xa thì thương hiệu mới ở lâu trong lòng người tiêu dùng.

Ba Huân lớn lên cùng người tiêu dùng, và bây giờ Ba Huân tri ân, trả ơn cho đời. Đây cũng là tâm nguyện của tôi. Làm doanh nghiệp, cũng nhiều lúc khó khăn dữ lắm, nhưng mình phải nghĩ từng xuất phát ra sao, bây giờ hưởng thành quả thế nào.

Nếu không có sự hỗ trợ, mạnh dạn thay đổi thì tôi sẽ vẫn là hộ bán trứng thôi, làm sao một người phụ nữ ít học có thể xây dựng doanh nghiệp như bây giờ. Những gì có được hôm nay là do cuộc đời ban tặng. Tôi phải biết ơn và trả ơn cuộc đời, đó là sự tri ân xứng đáng.

– Nếu được chọn lại, bà có chọn trứng gà, trứng vịt không?

Như tôi nói, nông nghiệp chắt chiu, vất vả nhưng bền vững, thiết yếu. Đất nước càng phát triển, tôi càng thấy làm nông nghiệp thuận lợi. Nông dân bây giờ không còn chân lấm tay bùn nữa mà là “ngửa mặt nhìn lên”. Các hoạt động sản xuất đều có công nghệ, máy móc hỗ trợ.

Bây giờ có chọn lại, tôi cũng sẽ chọn nông nghiệp, chọn bán trứng gà trứng vịt. Lúc nào tôi cũng đam mê với công việc này. Có lẽ tôi gắn bó lâu quá, trở thành máu thịt rồi.

70 tuổi rồi nhưng cứ nói tới trứng gà trứng vịt, làm trứng muối ra sao là tôi hào hứng lắm. Dù bây giờ Ba Huân có thêm nhiều dòng sản phẩm mới như từ gà vịt, thức ăn nhanh, nhưng tôi vẫn tâm huyết nhất với trứng và các sản phẩm từ trứng.

Làm gì tôi cũng nghĩ tới gần 1.000 công nhân đang làm việc tại Ba Huân, nếu không lèo lái tốt thì làm sao lo được cơm áo cho họ, một người lao động khó kéo theo cả gia đình họ khổ. Nên người lao động sống đủ là tôi vui. Vậy thôi.

– 6 năm nhìn lại bà có nuối tiếc thương vụ hợp tác không thành với VinaCapital?

Không. Tôi không có tiếc nuối gì cả. Tôi nghĩ nhẹ nhàng là VinaCapital với Ba Huân cũng như vợ chồng có duyên mà không có nợ, không ai có lỗi. VinaCapital rất tốt với chúng tôi, họ mong muốn đầu tư còn tôi cũng thật tâm hợp tác với họ. Tuy nhiên, không phải cái gì mình muốn cũng được như ý, cho nên nói không duyên thì không nên vợ chồng là như vậy.

'Bà hoàng trứng' Ba Huân: Kinh doanh tử tế để trả ơn cho đời - 3
Thời điểm đó chúng ta chưa có nhiều thương hiệu nông nghiệp lớn, tôi nói thật là tôi chỉ muốn Ba Huân mãi là thương hiệu Việt.

Thêm nữa, tôi ít học, ngoại ngữ không có, gia đình cũng không ai có đủ trình độ để đàm phán làm ăn với đối tác nước ngoài, nên thấy cần dừng lại. Tôi vẫn mong muốn có sự đồng hành để phát triển doanh nghiệp, nhưng tự tin làm việc với các đối tác Việt Nam hơn. Tính tôi thật thà, có sao nói vậy nên nghĩ sẽ làm việc tốt hơn với doanh nghiệp Việt.

Đó là lý do vì sao Ba Huân bây giờ có sự chung tay của một số đơn vị khác. Đó cũng là những người tôi cảm thấy tin tưởng, có thể gánh vác, cùng phát triển công ty khi tôi không còn trẻ nữa. Thế hệ trẻ phải giỏi hơn bà già này rồi.

Tôi đã gắn bó cả cuộc đời hơn 50 năm cho nông nghiệp, năm nay 70 rồi, may mắn khỏe lắm thì cũng làm tới 80 tuổi thôi. Khi đó tôi giao hẳn quyền quản lý, điều hành doanh nghiệp cho lớp kế cận mà không lo nghĩ gì nữa. Tôi mong các bạn trẻ học tập, trách nhiệm để gánh vác Ba Huân.

Làm gì thì làm, tôi vẫn muốn người Việt Nam tiếp quản, kế thừa Ba Huân.

'Bà hoàng trứng' Ba Huân: Kinh doanh tử tế để trả ơn cho đời - 4

– Chỉ học hết lớp 5 rồi đi kinh doanh, bà phải bổ túc kiến thức thế nào để có thể không lạc hậu, bắt kịp thị trường?

Một điều mà đến bây giờ, 70 tuổi rồi tôi vẫn mạnh dạn “khoe”, là tôi rất chịu khó học, học bất cứ ai, bất cứ thứ gì để phục vụ cho việc buôn bán. Ngày xưa, thời mới khởi đầu làm ăn, các quy định không dễ học như bây giờ chỉ lên mạng seach là có. Chúng tôi phải nghe, phải ghi chép, phải nhớ để làm theo.

Tôi học gì là cố gắng nhớ hết. Cơ quan quản lý tập huấn một ngón tay thôi là tôi phải học bằng cả bàn tay; chỉ cho tôi bằng 3 ngón là tôi học cả 2 bàn tay.

Phải nói trường đời đã dạy tôi rất nhiều. Rồi tôi học kinh nghiệm, học ké từ những lãnh đạo của các cơ quan quản lý, từ chính quyền. Từ mấy chục năm trước, có dịp hội họp, gặp gỡ hay thậm chí các buổi tập huấn là tôi tranh thủ học. Đi hội nghị nào tôi cũng tranh thủ học.

Được đi tham dự hội nghị thượng đỉnh toàn cầu, đi dự nông dân điển hình tiên tiến châu Á, tôi cũng tranh thủ học. Mà nói thật là tôi không biết tiếng Anh. Tự tôi ghi theo cách của tôi, như con còng, con cua rồi mang về bắt em tôi viết lại, lưu trữ thành tài liệu tiếp tục đào tạo các em tôi và cán bộ trong công ty.

Những kiến thức học được từ người có kinh nghiệm, từ các hội nghị hội thảo là hành trang, tài liệu để học tập, rút kinh nghiệm điều hành công ty, chứ tôi không có điều kiện học hành gì nhiều.

Tôi nhớ kỹ lắm, lại tính giỏi. Nói thật toán nhân tôi không có biết, cộng trừ không giỏi đâu, nhưng tôi tính “rợ” giỏi lắm, không sai, không sót đồng nào.

Ngày xưa nhà nghèo tôi không được học đến nơi đến chốn thì bây giờ phải luôn tìm cách để dấn thân và vươn lên. Tôi cũng thấy mình được giúp đỡ, hỗ trợ nhiều từ các cấp chính quyền, mình càng coi đó là động lực phấn đấu chứ không được phụ lòng người giúp đỡ mình.

'Bà hoàng trứng' Ba Huân: Kinh doanh tử tế để trả ơn cho đời - 5

– Quan niệm chọn nghề nghiệp bây giờ khác xưa, bởi vậy nhân lực nông nghiệp ngày càng hiếm, Ba Huân đối diện với điều này thế nào? 

Tuyển dụng lao động với tôi là làm dân vận. Tôi tự thấy mình dân vận khéo lắm đó (cười). Chủ tịch HĐQT cứ rảnh là đi dân vận, xem các em, các cháu thế nào, từ công việc đến tâm tư tình cảm. Mình thương các cháu thì các cháu thương mình lại. Cũng nhờ vậy mà tôi có được đội ngũ kế thừa đủ làm cho tôi tự hào.

Người lao động của Ba Huân giờ không cực như trước đây đâu. Chúng tôi có nhiều máy móc hiện đại hỗ trợ. Ba Huân cũng là doanh nghiệp nông nghiệp chuyển đổi số mạnh mẽ. Chỉ ở các điểm bán hàng thì buộc phải sắp xếp bằng tay, nhưng nhân viên cũng làm việc có giờ giấc, được nghỉ ngơi và thù lao xứng đáng. Cùng với đó là chế độ đãi ngộ, khen thưởng kịp thời.

– Bà đã chọn người gánh vác Ba Huân chưa?

Tôi không có người thân đủ khả năng gánh vác doanh nghiệp nên chọn người mà tôi thấy xứng đáng đảm nhiệm vai trò này.

Tổng giám đốc hiện tại của Ba Huân đã giữ vị trí này 3 năm rồi, là người trẻ, giỏi, yêu nông nghiệp và có chí hướng phát triển nông nghiệp. Trước khi về Ba Huân, CEO của tôi đã có thời gian dài khoảng 10 năm làm việc tại Singapore.

Tôi kỳ vọng CEO này sẽ nối nghiệp, lèo lái phát triển Ba Huân trong giai đoạn mới. Trước mắt, tôi rất hài lòng bởi cháu yêu thích nông nghiệp, giỏi, tham gia nghiên cứu con giống, thức ăn chăn nuôi, nghiên cứu nhập các thiết bị máy móc để sản xuất, giảm chi phí nhân công, làm ra sản phẩm trứng gà chất lượng hơn.

Cũng nhờ CEO mới mà Ba Huân có trứng 24h, làm ra ngày nào tiêu thụ hết ngày đó, đưa kịp thời đến các điểm tiêu thụ, lò bánh, lò chế biến thực phẩm… nên sản phẩm không tồn đọng. Nói chung tôi rất mừng. Cũng nhờ vậy mà chủ tịch bây giờ thảnh thơi lắm (cười).

– Bà mong muốn Ba Huân sau này sẽ thế nào khi không còn điều hành doanh nghiệp?

'Bà hoàng trứng' Ba Huân: Kinh doanh tử tế để trả ơn cho đời - 6

Đó là điều tôi nghĩ nhiều nhất hiện nay.

Mong ước của tôi là khi không còn sức, không tham gia điều hành Ba Huân nữa thì lớp kế cận dù giỏi đến đâu, đổi mới đến đâu cũng điều hành doanh nghiệp bằng cái tâm, bằng sự tử tế, tử tế với thị trường, với nông dân và với người lao động của Ba Huân.

Tôi muốn Ba Huân phát triển tốt, nhưng phải nối được dòng chảy từ người chăn nuôi đến người sản xuất rồi tới người tiêu dùng. Dòng chảy đó phải liên thông, có người tiêu dùng doanh nghiệp mới bán được hàng, có người chăn nuôi mới có nguyên liệu để làm ra sản phẩm. Dù ít dù nhiều mình mua trứng gà, trứng vịt, trứng cút của người chăn nuôi, mình phải nhớ đến công sức họ.

Doanh nghiệp phát triển đến đâu, chữ tín phải làm đầu, có trước có sau. Có như vậy Ba Huân sẽ không bao giờ mất trong lòng người chăn nuôi, người tiêu dùng. Dòng chảy đó tôi đã giữ làm nền tảng 50 năm qua.

Tôi cũng rất muốn các cháu trẻ bây giờ chung tay với nông nghiệp, phát triển nền nông nghiệp sạch, vững chắc, vì Việt Nam là nước nông nghiệp. Nông nghiệp trong bất kỳ giông bão nào cũng là ngành bền vững, cần thiết.

'Bà hoàng trứng' Ba Huân: Kinh doanh tử tế để trả ơn cho đời - 7

– Vừa lo cho gia đình, vừa quản lý doanh nghiệp, bà vun vén thế nào để vẹn toàn cho gia đình và chăm lo cho người lao động? 

Chính xác tôi gắn bó với ngành trứng đã 54 năm, từ trẻ đến bây giờ, công việc dù có bận rộn đến đâu cũng hoàn thành. Đó là nhờ tôi sắp xếp hợp lý, logic các phần việc theo thời gian ưu tiên, và cả phân công công việc hợp lý cho mọi người xung quanh.

Gia đình tôi đông anh em, rất mừng là chúng tôi đoàn kết, yêu thương nhau và cùng giúp đỡ tôi các phần việc từ trong nhà cho đến công ty. Nhưng tôi cũng phân chia việc hợp lý cho từng người. Người nào việc nấy rõ ràng.

Đội ngũ kế thừa ở Ba Huân bây giờ cũng vậy, cũng theo cách tôi làm mà phân công việc cho từng người để quản lý, điều hành chặt chẽ.

Một điều tôi cảm thấy vui nhất là được rất nhiều người thương, chia sẻ, cả khách hàng đến cơ quan quản lý nhà nước. Có lẽ do tôi thật thà, có sao nói vậy, không màu mè.

Chất phát là tính cách đặc trưng của người Nam bộ. Ba má tôi như vậy, anh chị em rồi bà con xung quanh cũng vậy, nên tôi giữ làm hàng đầu, làm kim chỉ nam dấn thân trên đường kinh doanh. Trình độ thấp thì kinh doanh trung thực. Kinh nghiệm sống của ba má và xã hội là bài học cho tôi.

– Mỗi thời mỗi khác, mình mang cái thật thà, nghĩ gì nói đó ra hội nhập làm ăn có tốt không?

Thời nào cái trung thực, thật thà cũng tốt hết. Những ảo tưởng, đánh bóng mới không bền vững. Tôi nghĩ và nói đúng như vậy, làm đúng như vậy thì làm sao mà không tốt, làm sao mà sai được.

Cũng có thể ở thời này, khi điều kiện thuận lợi hơn, người ta đầu tư ngành này ngành kia long lanh, đẹp đẽ hơn thì ước vọng cao, chia sẻ cũng hay hơn. Còn với ngành nông nghiệp, con gà, con vịt, cây rau, cây lúa thời nào cũng là hình ảnh đó, không có hình hài nào khác, nên có lẽ tôi cũng không thay đổi cho long lanh hơn được.

– Sự chân thật, trung thực đã giúp Ba Huân vững vàng qua các biến động của khủng hoảng kinh tế, tác động của dịch bệnh hơn 10 năm nay?

'Bà hoàng trứng' Ba Huân: Kinh doanh tử tế để trả ơn cho đời - 8

Tôi nghĩ làm gì cũng phải làm thật, làm bền vững, làm nông nghiệp thì càng phải vững chắc. Tôi quyết tâm với nghề, không đứng núi này trông núi nọ nên trụ được dù đi qua 2 biến cố tưởng chừng như phá sản.

Điều tôi luôn ghi nhớ là tích lũy, tằn tiện. Vốn làm ra để dành tập trung đầu tư cho sản xuất chứ không sử dụng mục đích khác. Cái khó ló cái khôn, trong khó khăn mình càng phải chịu khó, tìm ra hướng đi phù hợp.

Cuộc đời kinh doanh hơn 50 năm của tôi đi qua 2 biến động kinh khủng nhất, đó là cúm gia cầm năm 2003 và COVID-19. Nhưng nhờ tập trung xây dựng doanh nghiệp từ gốc nên sau mỗi đợt sóng gió, chúng tôi lại thêm sức mạnh. Sức mạnh đó giúp người lao động Ba Huân vững vàng hơn. Cúm gia cầm tác động đến Ba Huân mạnh hơn COVID-19, và có lẽ đó là cú sốc lớn nhất. Hơn 20 năm trước thiệt hại 6 tỷ đồng là mất mát rất lớn. Nếu tôi buông tay, doanh nghiệp phá sản rồi.

Tôi không cam lòng nhìn hàng triệu con gà, con vịt chất đống; hàng triệu trứng đổ bỏ, trong khi siêu thị còn nhập trứng từ Malaysia về bán; các lò bánh treo bảng không sử dụng trứng gia cầm tươi mà xài bột trứng.

Khi đó, người phụ nữ 50 tuổi không rành máy móc, không biết ngoại ngữ khăn gói đi Hà Lan, mua máy xử lý trứng. Khi qua Hà Lan, đàm phán ký được hợp đồng, tôi nhìn lá cờ Việt Nam mà khóc: người nông dân nuôi vịt nuôi gà quê tôi thoát khổ rồi.

Để có tiền, tôi bán nhà xưởng, gom thêm của người thân, bạn bè và vay ngân hàng, quyết tâm mua bằng được. Nguyên dây chuyền máy móc 650.000 EUR, chưa tính đầu tư nhà xưởng. Tôi còn nhớ như in lúc đó tỷ giá EUR/VNĐ là 24, tức là 1 EUR bằng 24.000 đồng.

Máy đưa về, chúng tôi làm nhà xưởng ở Bình Chánh. Nhà máy khánh thành với công suất xử lý 65.000 trứng/giờ. Chúng tôi mời 500 khách thôi nhưng hơn 1.000 người tới dự. Nông dân nghe có máy xử lý trứng sạch mừng quá kéo đến xem.

Từ đây, trứng không còn bị đổ bỏ nữa, nông dân chăn nuôi phấn chấn. Tôi tiếp tục nhập thêm máy thứ 2, rồi thứ 3, thứ 4.

Trời thương mình, cứ qua đợt giông bão, chúng tôi lại đứng lên an toàn. Những lúc này tôi luôn nghĩ kiểu bình dân như má thường dạy: “Gái có công thì chồng không phụ”. Tôi cứ nghĩ đến lời dạy này mà bền chí lái Ba Huân qua giông bão.

'Bà hoàng trứng' Ba Huân: Kinh doanh tử tế để trả ơn cho đời - 9

– Là doanh nghiệp thuần nông, nhưng Ba Huân lại tiên phong chuyển đổi số và quyết liệt thực hiện. Với người làm nông nghiệp, việc chuyển đổi số có dễ không?

Tôi làm 2 năm nay rồi, hiệu quả cũng có thể thấy được. Chúng tôi hợp tác với FPT rất bài bản. FPT đưa đội ngũ sang Ba Huân cùng ăn, cùng làm rồi chuyển giao.

Nói thật, tôi 70 tuổi rồi, không hiểu công nghệ, nhưng mừng bởi có công nghệ, công nhân sẽ đỡ vất vả, kiểm soát các khâu sản xuất, chăn nuôi chính xác hơn.

Ban đầu, thuyết phục người lao động khó chứ không đơn giản. Đội ngũ phía dưới phản ứng, cho rằng không khả thi, tốn kém, không dễ thực hiện. Nhưng tôi quyết tâm, FPT quyết tâm.

Đối tác đưa nhân sự xuống làm việc tại Ba Huân suốt 9 tháng. Dần dần từ thấy cực, từ phản đối, người lao động Ba Huân chuyển sang cảm mến rồi ủng hộ, đồng lòng. Đến khi thực hiện thì ai cũng vui vì khỏe quá, không phải dùng sức nhiều như trước nữa.

Chúng tôi ứng dụng được hơn 1 năm nay, từ khâu sản suất, quản lý sản phẩm đến bán hàng đều có công nghệ hỗ trợ. Như công nhân chăn nuôi, có công nghệ đo lượng thức ăn, nước uống hàng ngày cho gà, lượng trứng cũng được quản lý bằng app, hay vận chuyển, giao trứng đến các điểm bán cũng nhờ app hỗ trợ.

Xin cảm ơn chia sẻ của bà!

Theo Báo VTC News