Việt Nam sẵn sàng đón dòng vốn lớn

Tính đến 20/7/2024, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 18 tỷ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, vốn giải ngân đạt hơn 12,55 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước.

Đất lành chim đậu

Thương hiệu bán lẻ thời trang toàn cầu đến từ Nhật Bản – UNIQLO vừa khai trương 2 cửa hàng mới trong mùa Thu/Đông 2024, mở rộng hệ thống bán lẻ tại TP Hải Phòng và TP Hồ Chí Minh.

UNIQLO Vincom Imperia và UNIQLO Parc Mall lần lượt là cửa hàng thứ 25 và 26 trong hệ thống bán lẻ của thương hiệu sau gần 5 năm vận hành tại thị trường Việt Nam, hoạt động song song cùng cửa hàng UNIQLO online.

UNIQLO mở rộng hoạt động kinh doanh tại thị trường Việt Nam.

Ông Nishida Hideki, Tổng Giám đốc UNIQLO Việt Nam cho biết, việc khai trương các cửa hàng bán lẻ tại các thành phố chiến lược là một phần quan trọng trong kế hoạch dài hạn của UNIQLO tại Việt Nam. “Chúng tôi mong muốn mang LifeWear đến với nhiều khách hàng hơn nữa tại thành phố Hải Phòng và thành phố Hồ Chí Minh, tạo ra không gian mua sắm thoải mái, tiện lợi, với chất lượng dịch vụ và nghệ thuật bài trí đạt chuẩn toàn cầu. Chúng tôi hy vọng mỗi khách hàng sẽ tìm thấy trải nghiệm mua sắm hấp dẫn và hiện đại tại UNIQLO Vincom Imperia và UNIQLO Parc Mall”. – ông nói.

Có thể nhận thấy, Uniqlo không phải là nhà đầu tư duy nhất mong muốn mở rộng các hoạt động đầu tư, kinh doanh tại thị trường Việt Nam. Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư của Thành phố Hải Phòng tại Trung Quốc năm 2024, tổ chức mới đây, lãnh đạo TP Hải Phòng đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 7 doanh nghiệp Trung Quốc với tổng số vốn đầu tư 190 triệu USD.

Các dự án bao gồm: Dự án sản xuất kính năng lượng mặt trời của Công ty TNHH Flat Việt Nam tại KCN DEEP C Hải Phòng với vốn đầu tư tăng thêm 50 triệu USD; Dự án sản xuất linh kiện điện tử công nghệ cao của Công ty TNHH Công nghệ Ways Việt Nam tại KCN DEEP C Hải Phòng với tổng vốn đầu tư 15 triệu USD; Dự án sản xuất sàn nhựa của Công ty CFL Holdings Limited tại KCN DEEP C Hải Phòng với tổng vốn đầu tư 10 triệu USD; Dự án sản xuất và gia công phụ tùng ô tô của Công ty TNHH Chế tạo máy Yuekai tại KCN An Dương với vốn đầu tư tăng thêm 35 triệu USD; Dự án sản xuất túi khí an toàn cho xe ô tô của Công ty TNHH Công nghệ Vật liệu mới HMT Hải Phòng tại KCN An Dương với vốn đầu tư tăng thêm 12 triệu USD; Dự án sản xuất cơ khí và thiết bị phụ tùng công nghiệp của Công ty Finework International tại KCN Nam Đình Vũ với tổng vốn đầu tư 10 triệu USD; Dự án sản xuất thiết bị chẩn đoán lỗi ô tô của Công ty TNHH Autel Việt Nam tại KCN An Dương với vốn đầu tư tăng thêm 58 triệu USD.

Ngoài việc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, 4 biên bản ghi nhớ hợp tác cũng được ký kết giữa các doanh nghiệp Trung Quốc với Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng và các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp tại Hải Phòng.

Trong đó có Biên bản ghi nhớ giữa Tổ hợp KCN DEEP C và Công ty CFL Holdings Limited về việc mở rộng dự án đầu tư hiện hữu lên 100 triệu USD tại KCN DEEP C Hải Phòng; Biên bản ghi nhớ giữa KCN Nam Cầu Kiền và Công ty TNHH Khởi Nguyên về dự án đầu tư sản xuất linh kiện điện thoại trị giá 12 triệu USD tại KCN Nam Cầu Kiền; Biên bản ghi nhớ giữa Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng và Công ty TNHH Exquisite Power Việt Nam về việc mở rộng dự án lắp ráp pin cho điện thoại di động và máy tính xách tay tại KCN Nam Đình Vũ với vốn đầu tư tăng thêm gần 100 triệu USD; Biên bản ghi nhớ giữa Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng và Công ty TNHH Liên hợp Đầu tư Thâm Việt về việc tăng cường thu hút và hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư tại TP. Hải Phòng và công bố thành lập Trung tâm tư vấn bất động sản công nghiệp của Công ty TNHH Đầu tư Thâm Việt tại Hải Phòng…

Tương tự, gần đây, các tập đoàn công nghệ lớn liên tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam, điển hình là Amkor, Foxconn, Quanta, Goertek, và LG. Foxconn đã đầu tư hơn 383 triệu USD tại Bắc Ninh và gần đây bổ sung thêm 550 triệu USD tại Quảng Ninh. Hyosung, sau khi đầu tư trên 5 tỷ USD vào Việt Nam, dự kiến đầu tư thêm 300 triệu USD vào một trung tâm dữ liệu tại TP.HCM và phát triển Bà Rịa – Vũng Tàu thành trung tâm công nghệ sinh học và vật liệu tiên tiến.

Ngoài những dự án này, Tập đoàn Adani của tỷ phú Gautam Adani cũng có kế hoạch đầu tư khoảng 10 tỷ USD tại Việt Nam. Dự kiến, Adani sẽ đầu tư 2 tỷ USD vào cảng Liên Chiểu, 2,8 tỷ USD vào dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 3, cùng với việc tham gia vào các dự án như sân bay Long Thành giai đoạn II và sân bay Chu Lai.

Chọn thu hút đầu tư kỹ lưỡng

Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch – Đầu tư cho biết, trong 7 tháng năm 2024, cả vốn đầu tư đăng ký và vốn đầu tư thực hiện tiếp tục tăng so với cùng kỳ, với mức tăng lần lượt là 10,9% và 8,4%. Tính đến 20/7/2024, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 18 tỷ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, vốn giải ngân đạt hơn 12,55 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, trong 7 tháng năm 2024, cả vốn đầu tư đăng ký và vốn đầu tư thực hiện tiếp tục tăng so với cùng kỳ, với mức tăng lần lượt là 10,9% và 8,4%; trong đó, đầu tư mới tăng cả về vốn đăng ký (10,76 tỷ USD, tăng 35,6% so với cùng kỳ), số lượng dự án (1.816 dự án, tăng 11,6% so với cùng kỳ) cũng như quy mô vốn đầu tư (bình quân hơn 5,9 triệu USD/dự án so với mức 4,9 triệu USD/dự án trong 7 tháng năm 2023).

Đặc biệt, riêng tháng 7/2024 đã ghi nhận tổng lượng vốn đăng ký hơn 2,8 tỷ USD, chiếm 15,6% tổng vốn đầu tư trong 7 tháng, xếp thứ 3 trong 7 tháng đầu năm (sau tháng 6 và tháng 4/2024). Về vốn điều chỉnh, dù số lượng dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư giảm (734 lượt dự án, giảm 0,3% so với cùng kỳ) nhưng tổng vốn đăng ký đạt hơn 10,76 tỷ USD, tăng đáng kể so với cùng kỳ (19,4%).

Những con số nói trên đã chứng minh Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn cho thu hút đầu tư nước ngoài. Không chỉ là vốn tăng, “thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục khởi sắc; đặc biệt chất lượng dòng vốn FDI tăng mạnh nhờ lựa chọn thu hút đầu tư kỹ lưỡng…”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh tại phiên họp thường kỳ tháng 7 của Chính phủ mới đây.

Ông Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng, vốn FDI giải ngân thời gian tới sẽ cao hơn, môi trường kinh doanh của Việt Nam cũng được cộng đồng doanh nghiệp FDI đánh giá cao, cơ sở hạ tầng với nhiều dự án lớn, động lực lan tỏa… đang được triển khai đầu tư hoàn thiện là điều kiện để đón sóng đầu tư FDI thời gian tới.

Điều này cũng được thể hiện tại báo cáo “Vietnam at a glance – FDI” (tạm dịch: Một cái nhìn tổng quan về FDI của Việt Nam) do HSBC công bố ngày 8/8 vừa qua cũng nhận định Việt Nam vẫn là điểm đến ưa chuộng của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). “Sự quan tâm của các tập đoàn đa quốc gia đối với Việt Nam tăng mạnh nhờ nhiều yếu tố, trong đó có chi phí cạnh tranh và các chính sách hỗ trợ FDI”. – theo HSBC.

So sánh chi phí lao động trong khu vực châu Á, HSBC cho rằng mức lương nhân công sản xuất ở Việt Nam thấp hơn dù người dân có trình độ giáo dục phổ thông vững vàng. Các chi phí khác như chi phí cho năng lượng cần thiết để vận hành nhà máy, chi phí cho dầu diesel vốn được sử dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp đều cho thấy lợi thế cạnh tranh về giá.

Ngoài ra, Việt Nam đã đạt được tiến độ đáng kể trong việc thiết lập những thỏa thuận kinh tế khác nhau với các đối tác thương mại, như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Những bước tiến này đã hỗ trợ và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, HSBC cũng cho rằng, một phần nguyên nhân của môi trường đầu tư thuận lợi có thể lý giải là nhờ sự hỗ trợ tích cực từ phía chính phủ thông qua hệ thống thuế. “Việt Nam có lợi thế cạnh tranh so với các quốc gia khác nhờ mức thuế thu nhập doanh nghiệp theo luật định chỉ 20%. Một số doanh nghiệp có thể tận dụng các đợt miễn và giảm thuế kéo dài để giảm thêm mức thuế suất thực tế phải chịu”. – HSBC cho biết.

Kỳ vọng bứt phá

Kỳ vọng về thu hút FDI những tháng cuối năm 2024, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, nhiều tổ chức tài chính quốc tế đánh giá cao, lạc quan về thu hút FDI của Việt Nam nhờ vào 3 yếu tố: chiến lược đa dạng hóa cung ứng đầu tư; tăng trưởng kinh tế Việt Nam có nhiều triển vọng, tác động tích cực đến chiến lược đầu tư của các nhà đầu tư và yếu tố nền tảng.

“Qua khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, niềm tin của nhà đầu tư FDI vẫn đang rất tích cực, thể hiện mong muốn tiếp tục đầu tư vào nước ta. Do vậy, có thể kỳ vọng thu hút FDI cả năm 2024 có thể đạt ở mức 39 – 40 tỷ USD, cao hơn so với cùng kỳ năm 2023”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho hay.

Từ góc nhìn của cơ quan quản lý nhà nước, ông Ðỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Ðầu tư nước ngoài nhận định đang có làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam. Làn sóng thứ tư này được hình thành từ nhu cầu gia tăng đầu tư mạnh mẽ của các đối tác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ… Cụ thể, trong chính sách hướng Nam của Hàn Quốc, Việt Nam là số 1 và nhà đầu tư Hàn Quốc ra quyết định rất nhanh, chỉ riêng Samsung đã mở rộng đầu tư lên quy mô 22 tỷ USD cho các dự án tại Việt Nam.

Ở góc độ địa phương, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho rằng, vốn đầu tư trong nước và nguồn vốn đầu tư toàn xã hội hàng năm với hàng chục ngàn tỷ đồng đã tạo ra động lực lớn cho phát triển của tỉnh.

Để thu hút FDI chất lượng cao, Chủ tịch tỉnh Bình Dương đề xuất: Việt Nam phải có những chính sách ưu đãi cao và hỗ trợ ngoài thuế thu nhập doanh nghiệp cho các dự án công nghệ cao, công nghệ nguồn, đặc biệt là ngành sản xuất chíp bán dẫn. Bên cạnh đó, cải cách thủ tục hành chính cũng cần phải được thực hiện một cách quyết liệt và triệt để hơn, tránh việc nhũng nhiễu làm giảm lòng tin của nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần phải nhanh chóng phát triển đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết sân bay, cảng biển, các tỉnh thành phố lớn với các trung tâm công nghiệp. Ngoài ra, hạ tầng năng lượng cũng cần được nâng cấp và tập trung đầu tư, nhất là việc phát triển các dự án năng lượng tái tạo đáp ứng tiêu chuẩn và yêu cầu sản xuất của những dự án công nghệ cao, bảo vệ môi trường và tránh phát thải CO2 ra môi trường.

Ở góc độ cơ quan quản lý, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sẽ khẩn trương rà soát, quyết liệt tháo gỡ, xử lý ngay các khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật, thủ tục hành chính để tạo động lực bứt phá. Đồng thời, tập trung thu hút các dự án FDI có quy mô lớn, chất lượng, công nghệ cao trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, bán dẫn; kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp FDI để đẩy nhanh tiến độ các dự án.

Theo Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp