Thị trường bánh trung thu trong vài năm trở lại đây chứng kiến nhiều thay đổi, nhất là các thương hiệu riêng đua nhau ra đời
Thị trường bánh trung thu quá hấp dẫn nên ngoài những đơn vị lâu năm trong ngành, mùa trung thu năm nay các nhà hàng, khách sạn lớn… các chuỗi cà phê, cửa hàng thực phẩm lẫn siêu thị đều tranh thủ “xí phần” bằng sản phẩm mang thương hiệu riêng.
Đua nhau làm bánh
Ghi nhận của phóng viên, các chuỗi cà phê như: Katinat Saigon Kafe, The Coffee House, Highlands Coffee… đều có bán bánh trung thu mang thương hiệu riêng và trưng bày ngay tại vị trí bắt mắt nhất. Đơn cử, The Coffee House cho ra mắt 3 bộ sản phẩm gồm bánh – trà – cà phê (Bánh Trung thu – Trà Hi-Tea Bling Bling – Cà phê CloudFee) phục vụ khách hàng trực tiếp tại các cửa hàng lẫn bán mang đi. Đại diện The Coffee House cho hay cả 3 bộ sản phẩm đều được đón nhận rất tốt, vượt xa kế hoạch.
Lần đầu tham gia thị trường bánh trung thu với thương hiệu riêng, chuỗi cửa hàng thực phẩm hữu cơ Organicfood dự kiến sản lượng cho cả mùa khoảng 1.000 chiếc. Sau 1 tuần ra mắt, hệ thống này đã bán được 300 chiếc bánh tươi, không chất bảo quản với hạn sử dụng chỉ 7 ngày với các thành phần nguyên liệu hữu cơ từ cửa hàng.
“Bánh trung thu là thị trường quà tặng lớn thứ hai trong năm, chỉ sau Tết Nguyên đán nên giá cả không phải là mối quan tâm lớn của người mua mà chủ yếu là tính độc đáo cũng như bao bì đẹp. Mảng này có lợi nhuận tốt, nhất là năm ngoái thị trường mất mùa trung thu nên người tiêu dùng có xu hướng mua bù. Việc sản xuất bánh trung thu cũng không quá khó, thủ tục pháp lý cũng đơn giản nên thu hút nhiều đơn vị tham gia” – đại diện chuỗi Organicfood nhìn nhận.
Công ty TNHH Phát triển Dừa nước Việt Nam (mật dừa nước Ông Sáu, sản phẩm OCOP – chương trình mỗi xã một sản phẩm 4 sao) cũng lần đầu tham gia thị trường bánh trung thu với sản phẩm gia công từ đối tác là một thương hiệu bánh trung thu truyền thống tại quận 3 (TP HCM). Theo anh Phan Minh Tiến, giám đốc công ty, ban đầu chỉ dự định đặt bánh trung thu sử dụng mật dừa nước của công ty thay cho đường tinh luyện để làm quà biếu tặng.
“Sản phẩm ra mắt được nhiều người yêu thích do sử dụng đường tự nhiên từ dừa nước, phù hợp với người ăn kiêng, vị lại ngon nên chúng tôi đặt thêm để bán nhưng mục đích chính cũng chỉ để là giới thiệu sản phẩm cũng như khả năng ứng dụng mật dừa nước trong chế biến thực phẩm. Dự kiến sản lượng bánh trung thu của đơn vị năm nay chỉ khoảng 1.000 – 2.000 chiếc” – anh Tiến cho hay.
Theo các chuyên gia bán lẻ, trong khoảng 5 năm trở lại đây, thị trường bánh trung thu chủ yếu chạy theo mô hình kinh doanh truyền thống và thiếu đi sự đột phá. Bên cạnh đó, 2 năm qua, dịch Covid-19 khiến thị trường này gần như bị đóng băng. Thực tế đó một mặt tạo áp lực cho các DN sản xuất, kinh doanh mặt hàng này, mặt khác là cơ hội cho những DN có sự đột phá hoặc có chính sách giá tốt.
Giá bán tăng
Với các thương hiệu lâu năm như KIDO’s Bakery, Công ty CP Tập đoàn Kido dự kiến tung ra 300 tấn bánh trung thu. Ông Trần Lệ Nguyên, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn KIDO, cho biết năm 2022, KIDO chính thức trở lại ngành bánh trung thu với một bản sắc hoàn toàn mới.
“Để làm được điều đó, đội ngũ sáng tạo của KIDO đã làm việc cật lực từ nhiều tháng trước để đưa những mỹ vị của thế giới vào trong chiếc bánh trung thu một cách mới lạ, độc đáo nhưng vẫn hợp với khẩu vị và xu hướng thưởng thức mới của người Việt” – ông Nguyên cho biết. Bánh trung thu KIDO’s Bakery có mặt trên thị trường từ đầu tháng 8 với 2 dòng sản phẩm chính là bánh truyền thống và dòng bánh cao cấp.
Bibica thì tạo điểm nhấn bằng các sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên với sự đa dạng các loại hạt, trái cây sấy dẻo, trong đó có cả vỏ bưởi, dứa, dâu tây, xoài, hồng… tổng cộng hơn 60 loại bánh với 3 dòng chính là bánh trung thu cao cấp, bánh trung thu dinh dưỡng và bánh trung thu truyền thống. Giá bánh dao động từ 41.000 – 140.000 đồng/cái cho dòng phổ thông, dòng cao cấp từ 270.000 đồng đến 2,6 triệu đồng/hộp.
Theo ông Phan Văn Thiện, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bibica, năm nay Bibica sản xuất gần 500 tấn bánh trung thu. Do giá nguyên liệu đầu vào gia tăng đáng kể như bột mì tăng 33%, hộp giấy tăng 11% nên công ty điều chỉnh giá bánh tăng 5%-10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Sameer Yadav, Giám đốc Marketing Công ty Mondelez Kinh Đô Việt Nam, cho hay công ty chỉ tăng trung bình 2%-3% cho phần lớn danh mục sản phẩm bánh trung thu Kinh Đô và nỗ lực giữ nguyên giá bán các dòng bánh chủ lực.
Ngoài các thương hiệu bánh trong nước, thị trường còn chứng kiến sự quay lại của các thương hiệu bánh trung thu nhập khẩu. Trong đó, thương hiệu bánh trung thu cao cấp được nhập khẩu 100% từ Hồng Kông – Hongkong MX Mooncakes đã quay lại với thị trường Việt Nam bằng 8 dòng bánh, giá dao động từ 960.000 – 1.790.000 đồng/hộp.
Lý giải về việc vì sao giá bánh trung thu rất đắt so với nhiều loại bánh kẹo khác dù nguyên liệu không quá đặc biệt, ông N.V.T, sản xuất và phân phối bánh trung thu lâu năm tại TP HCM, cho biết bánh trung thu là hàng mùa vụ, mỗi năm chỉ có 2 tháng nên được định giá cao. “Là hàng mùa vụ nên chiết khấu của các hãng thông thường ở mức từ 25%-40% dành cho khách hàng, tùy sản lượng nên dù niêm yết giá cao nhưng thực tế hãng thu về không cao như vậy.
Ngoài ra, do đây là hàng quà tặng nên bao bì cũng chiếm chi phí không nhỏ. Nếu bao bì đơn giản, 1 hộp 4 bánh ít nhất cũng 25.000 đồng, tính ra mỗi chiếc bánh bị đội giá hơn 6.000 đồng. Với những hộp quà hạng sang, tiền bao bì lên đến 100.000 – 300.000 đồng/hộp, chiếm đến 20%-25% giá trị của hộp bánh” – ông T. phân tích.
Siêu thị cũng nhập cuộc
Các chuỗi siêu thị lớn như BigC/GO!, LOTTE Mart, AEON Việt Nam cũng đẩy mạnh giới thiệu bánh trung thu “hàng nhãn riêng” với giá rẻ hơn khá nhiều và kèm khuyến mãi đậm. Cụ thể, hệ thống BigC/GO! đưa lên quầy kệ loạt sản phẩm bánh trung thu “của nhà làm được” kèm chương trình “mua 4 tặng 1” khi mua bánh trung thu 1 trứng 200 g giá chỉ 58.000 đồng/cái; chương trình “đồng giá 39.000 đồng” khi mua bánh trung thu 200 g… LOTTE Mart giới thiệu 5 vị bánh: khoai môn bí xanh, than tre hạt sen, thập cẩm, hạt sen – hạt chia và dừa hạnh nhân, tất cả đều cùng 1 trọng lượng 150 g với giá bán khuyến mãi 195.000 đồng. “Năm 2020, LOTTE Mart bán khoảng 60.000 cái bánh trung thu, năm 2021 bán rất hạn chế vì cao điểm dịch, năm nay kỳ vọng sản lượng tiêu thụ sẽ tăng khoảng 15%-20% so với năm 2020” – đại diện LOTTE Mart cho hay. Chuỗi AEON Việt Nam cũng tung ra khoảng 20 mẫu bánh trung thu thương hiệu AEON với 2 trọng lượng: 160 g cho các dòng bánh nướng và bánh dẻo, 55 g cho các dòng bánh lava và bánh hình thú mini; giá 70.000 đồng/cái bánh nướng, 65.000 đồng/cái bánh dẻo, 40.000 đồng/cái bánh lava và 35.000 đồng/cái bánh hình thú mini. Mới đây nhất, một số bếp siêu thị Co.opmart ở tỉnh cũng sản xuất và đưa vào kinh doanh bánh trung thu. So với các hệ thống siêu thị khác, chủng loại bánh lẫn lượng tiêu thụ bánh “siêu thị làm” tại Co.opmart còn rất khiêm tốn. |
Theo NLD