Chờ đợi dòng tiền mới đổ vào thị trường chứng khoán

Lực cầu bắt đầu xuất hiện cho thấy hiện tại tâm lý của nhà đầu tư chưa quá tiêu cực và những kỳ vọng về nhịp hồi phục của thị trường chứng khoán vẫn còn đó.

Thanh khoản của thị trường chứng khoán cần sớm được cải thiện. Ảnh: Lê Toàn

Áp lực bán chiếm ưu thế trong phiên giao dịch tuần mới của chứng khoán sau cơn bão Yagi. Số ngành giảm điểm áp đảo với 17/21 nhóm ngành giảm giá. Tuy vậy, áp lực bán tháo vẫn chưa xảy ra và thanh khoản sụt giảm mạnh so với trước đó, khối lượng khớp lệnh trên HSX giảm (-26,6%) so với mức trung bình 20 phiên.

Cùng thanh khoản thị trường giảm mạnh, nhà đầu tư ngoại cũng giao dịch kém sôi động trong phiên 9.9 và trở lại bán ròng tới gần 500 tỉ đồng với tâm điểm là các cổ phiếu bluechip.

Phiên giảm hôm qua cũng chưa đủ động lượng để đảo ngược xu hướng tăng điểm đã hình thành trước đó và thiên về nhịp chỉnh trong ngắn hạn để test lại ngưỡng hỗ trợ 1.253-1.255 điểm.

Theo nhận định của các chuyên gia Công ty Chứng khoán AIS, những diễn biến không tích cực trên các thị trường tài chính quốc tế tiếp tục tác động xấu đến tâm lý chung của thị trường. Chỉ số VN-Index đã có phiên thứ hai liên tiếp kiểm nghiệm lại vùng hỗ trợ quanh mốc 1.260 điểm. Có thể sẽ có một nhịp hồi phục trở lại trong tuần này, nhưng cần phải vượt ngưỡng 1.275 điểm và thanh khoản phải cải thiện thì đợt giảm giá ngắn hạn lần này mới có cơ sở kết thúc.

Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đưa ra quan điểm, mặc dù thị trường vẫn xuất hiện diễn biến rung lắc, tuy nhiên, với việc lực cầu xuất hiện cho thấy, hiện tại tâm lý của nhà đầu tư chưa quá tiêu cực và những kỳ vọng về nhịp hồi phục vẫn còn đó. VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư tiếp tục duy trì tỉ trọng danh mục với các mã thuộc nhóm ngành bán lẻ, chứng khoán, ngân hàng và có thể cân nhắc giải ngân đối với những mã thuộc nhóm ngành nêu trên ở vùng giá chiết khấu.

Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Asean nhận định, tâm lý thận trọng tiếp tục chi phối nhà đầu tư, thể hiện qua các diễn biến bán trong những nhịp tăng nhẹ và chưa dám mua mạnh khi thị trường giảm khiến thanh khoản dừng lại ở mức thấp. Chỉ số VN-Index đang dao động quanh ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật quan trọng, nếu giữ vững được vùng này và có thanh khoản tăng trở lại.

Ngược lại, nếu ngưỡng hỗ trợ bị phá vỡ với thanh khoản lớn, thị trường có thể tiếp tục điều chỉnh sâu hơn về các mức hỗ trợ tiếp theo ở 1.220-1.230 điểm.

Về bối cảnh chung của thị trường, tháng 9.2024 sẽ là tháng “bản lề” của thị trường chứng khoán Việt Nam trước khi số liệu kinh tế vĩ mô và lợi nhuận các doanh nghiệp trong quý III được công bố. Dòng tiền dự kiến sẽ có sự phân hóa dựa vào triển vọng kinh doanh, câu chuyện đầu tư riêng của từng nhóm ngành.

Trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi tích cực từ đầu năm 2024 và tiếp tục được kỳ vọng tăng trưởng trong các tháng cuối năm, nhiều nhóm ngành sẽ có dư địa tăng tốt về lợi nhuận, mang lại triển vọng tích cực cho giá cổ phiếu.

Theo đó, trong tháng 9 và các tháng cuối năm 2024, nhà đầu tư có thể quan tâm tới nhóm cổ phiếu ghi nhận kết quả kinh doanh quý III và quý IV tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm 2023 như nhóm xuất khẩu (thủy sản, dệt may), nhóm bán lẻ.

Nhóm cổ phiếu có định giá thấp so với tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận như ngân hàng, thép cũng là lựa chọn phù hợp trong các tháng cuối năm 2024. Động lực tăng giá cho cổ phiếu ngân hàng sẽ đến từ nhu cầu tín dụng gia tăng khi nền kinh tế phục hồi. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép nới room tín dụng đối với các ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2024 đạt từ 80% chỉ tiêu được giao từ đầu năm. Điều này sẽ tạo động lực tăng trưởng tín dụng và hỗ trợ diễn biến giá của nhóm cổ phiếu “vua”.

theo Báo Lao Động