Thị trường chứng khoán trước biến số từ Fed

Cuộc họp ngày 19/9 tới dự kiến đánh dấu cú đảo chiều chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Tuy vậy, dòng tiền trở lại chứng khoán Việt Nam vẫn là điều còn bỏ ngỏ, nhất là trong xu hướng đi xuống của thị trường các tháng gần đây.

Thanh khoản thị trường tháng 8/2024 chưa được cải thiện và ở mức khiêm tốn. Ảnh: Dũng Minh

Điểm đảo chiều chính sách tiền tệ của Fed

Lãi suất quỹ liên bang duy trì mức cao kỷ lục từ cuối tháng 7/2023 đến nay và chưa có một lần hạ trong 4 năm rưỡi trở lại đây. Cuộc họp quyết định lãi suất của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) thuộc Fed ngày 19/9 tới được kỳ vọng là thời điểm ghi nhận cú đảo chiều chính sách tiền tệ của nền kinh tế số một thế giới.

“Xác suất về khả năng Fed hạ lãi suất trong tháng 9 đã lên tới 90-100%. Gần như chắc chắn Fed sẽ hành động, vấn đề băn khoăn hiện nay chỉ còn là việc hạ lãi suất 25 hay 50 điểm cơ bản”, ông Phan Dũng Khánh cho biết tại Chương trình Đối thoại đầu tuần của Báo Đầu tư với chủ đề “Fed giảm lãi suất và ảnh hưởng đến các lớp tài sản đầu tư tại Việt Nam” tổ chức mới đây.

Trong năm 2024, thực tế, kỳ vọng về điểm đảo chiều chính sách tiền tệ của Fed đã thay đổi rất nhanh, khó nắm bắt, thậm chí từng gây thất vọng khi nhiều dự báo liên tục bị “xê dịch”.  Tuy nhiên, ngày càng có nhiều căn cứ chắc chắn hơn cho hành động của Fed. Trong đó, bài phát biểu của Chủ tịch Fed Powell tại Hội nghị Jackson Hole hồi trung tuần tháng 8 cho thấy sự tự tin về khả năng đưa lạm phát về mức mục tiêu và Fed đã sẵn sàng chuyển dịch trọng tâm sang thị trường lao động và tăng trưởng kinh tế.

Cùng với đó, hạ lãi suất còn là kết quả của những lo ngại về suy thoái, nhất là trong bối cảnh nhiều số liệu việc làm tuần đầu tháng 9 thấp hơn dự báo đưa ra của các chuyên gia. Bà Dương Kim Anh, Giám đốc Đầu tư, Công ty TNHH Quản lý Quỹ Vietcombank (VCBF) cũng cho rằng, khả năng Fed hạ lãi suất ở kỳ họp tới rất cao, dựa trên các số liệu về thị trường lao động Mỹ như tỷ lệ thất nghiệp tăng, số việc làm mới giảm.

Theo phân tích của bà Kim Anh, bản thân Fed có lẽ cũng thấy rằng, đã đến lúc phải điều chỉnh giảm lãi suất để hỗ trợ cho nền kinh tế, không để tình trạng thị trường việc làm diễn biến xấu quá nhanh và sâu, dẫn đến nguy cơ suy thoái trong các năm sau.

Kỳ vọng hưởng lợi từ luân chuyển dòng tiền đầu tư

Theo thống kê của Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research), thanh khoản thị trường tháng 8/2024 chưa được cải thiện và ở mức khiêm tốn, khi dòng tiền đầu tư trong xu hướng thận trọng trước thềm cuộc họp bản lề của Fed. Giá trị giao dịch bình quân tháng này đạt khoảng 16.600 tỷ đồng, xấp xỉ tháng 7/2024 và thấp hơn bình quân 8 tháng đầu năm (khoảng 20.400 tỷ đồng).

Xu hướng thanh khoản phản ánh dòng tiền ở trên thị trường đang giảm dần, theo ông Phan Dũng Khánh, là điều đáng lo ngại và là lý do khiến VN-Index không vượt được mốc 1.300 điểm. Nguyên nhân được chỉ ra là có rất ít cổ phiếu ở một số nhóm ngành nghề đang thu hút dòng tiền đầu tư toàn cầu như công nghệ, năng lượng xanh…, khiến chứng khoán Việt Nam không giữ chân được dòng tiền, nhất là vốn ngoại.

Cùng với đó, môi trường bất ổn cũng khiến dòng tiền đa dạng hóa vào các kênh đầu tư. Dòng tiền đổ vào kênh tiết kiệm vẫn ở xu hướng tăng, dù tốc độ tăng không bằng năm ngoái, là một phần nguyên nhân mà Chính phủ gần đây yêu cầu phải sử dụng tốt nguồn vốn tiết kiệm trong dân, thúc đẩy nền kinh tế.

“Dòng tiền trên thị trường chứng khoán không thấy gia tăng trong thời gian qua, dù nền kinh tế tăng trưởng tốt, cùng câu chuyện nâng hạng đang đến gần hơn”, ông Khánh nhấn mạnh.

Chỉ tính riêng ở nhóm các nhà đầu tư nước ngoài, dòng tiền đã bán ròng mạnh trong gần 3/4 chặng đường của năm 2024. Cập nhật đến ngày 9/9, giá trị bán ròng của khối ngoại xấp xỉ 68.200 tỷ đồng, cao hơn gần 12,4% so với mức kỷ lục từng ghi nhận trong năm 2021. Một thực tế được ông Khánh chỉ ra, trong giai đoạn 2010-2019, chỉ có một năm khối ngoại bán ròng. Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, khối ngoại chỉ mua ròng duy nhất vào năm 2022 khi tận dụng cơ hội VN-Index lao dốc.

Dù vậy, điểm tích cực khi xem xét động thái của nhóm nhà đầu tư này là khối ngoại giảm tốc bán ròng. Giá trị bán ròng trong tháng 8 đạt 3.770 tỷ đồng, thu hẹp  đáng kể so với các tháng trước đó.

Trong báo cáo mới đây, SSI Research cho rằng, dòng tiền đầu tư trên toàn cầu đang có dấu hiệu thận trọng hơn, đặc biệt là dòng tiền đầu tư vào các quỹ cổ phiếu trước các dấu hiệu kém tích cực về kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, điểm sáng là dòng tiền có khả năng sẽ luân chuyển sang các thị trường khác với định giá hấp dẫn hơn

“Xu hướng rút ròng của dòng tiền nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam hạ nhiệt trong tháng 8, ở cả động thái của các quỹ ETF và quỹ đầu tư chủ động. Việt Nam được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ luân chuyển dòng tiền đầu tư khi Fed hạ lãi suất, bên cạnh các giải pháp hỗ trợ nâng hạng được đẩy mạnh”, chuyên gia phân tích từ SSI nhấn mạnh.

Thêm vào đó, cũng theo các chuyên gia, cuộc họp bản lề đánh dấu điểm đảo chiều chính sách tiền tệ của Fed sau chu kỳ thắt chặt kéo dài có thể ảnh hưởng đến xu hướng phân bổ lại dòng vốn đầu tư trên chứng khoán toàn cầu. Hạ lãi suất không đi kèm suy thoái kinh tế Mỹ sẽ tác động tích cực lên các thị trường.

Dự kiến, thời gian tới, Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của 4 thông tư quy định về giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán; bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán; hoạt động của công ty chứng khoán và công bố thông tin trên thị trường chứng khoán sẽ được ban hành và “gỡ” được một trong nút thắt lớn nhất khi nâng hạng.

Theo chuyên gia phân tích từ SSI, Thông tư sửa đổi được kỳ vọng ban hành trong tháng 9 và sớm được triển khai trong quý IV, giúp nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có thể mua chứng khoán mà không cần có đủ tiền ngay. Đây cũng là cơ sở để FTSE Russell đưa ra đánh giá tích cực cho chứng khoán Việt Nam trong kỳ xếp hạng tới vào ngày 8/10.

theo Báo Đầu Tư