Hàng chục đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng nông sản Mỹ đã thăm Việt Nam đúng dịp kỷ niệm một năm nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác Chiến lược Toàn diện.
“Thay mặt chính phủ Mỹ, chúng tôi gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân của lũ lụt. Mỹ sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam khắc phục hậu quả của lũ lụt” – Thứ trưởng phụ trách đối ngoại nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp Mỹ Alexis Taylor phát biểu mở đầu cuộc gặp gỡ của đoàn với báo chí chiều 12/9.
Bà Alexis Taylor dẫn đầu phái đoàn thương mại lớn nhất từ trước tới nay của Mỹ tới thăm Việt Nam với hơn 100 thành viên, gồm 50 đại diện của 35 doanh nghiệp Mỹ, đại diện cơ quan nông nghiệp từ 9 bang và 21 hiệp hội ngành hàng nông sản thuộc Bộ Nông nghiệp nước này.
Đây là lần thứ hai trong hai năm Thứ trưởng Taylor thăm Việt Nam, cũng là kể từ khi bà nhậm chức. Năm ngoái bà đã tới Việt Nam chào mừng việc mở cửa thị trường Mỹ cho bưởi Diễn và đã đến thăm vườn bưởi của các nông dân Việt Nam ở ngoại thành Hà Nội.
Thứ trưởng Taylor cho biết, phái đoàn đã làm việc tại TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội, và còn thu hút nhiều nhà nhập khẩu quốc tế đến từ Myanmar, Campuchia và Thái Lan.
“Phái đoàn đã có khoảng 500 cuộc họp với các đối tác tại Việt Nam, qua đó chúng tôi mong muốn giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp đa dạng, an toàn, chất lượng cao của Mỹ tới Việt Nam” – bà nói.
Đối tác nông nghiệp quan trọng
Việt Nam là thị trường lớn thứ 10 về xuất khẩu thực phẩm và nông nghiệp của Mỹ, trong khi Mỹ là nhà cung cấp thực phẩm và nông nghiệp lớn thứ 3 cho Việt Nam – Thứ trưởng Taylor cho biết.
“Nông nghiệp là lĩnh vực quan trọng trong hợp tác và chúng tôi thấy nhiều thành công trong hợp tác nông nghiệp giữa hai nước” – bà nói.
Hai bên duy tri thương mại hai chiều rất mạnh mẽ, thể hiện trong quan hệ đối tác song phương trong lĩnh vực nông nghiệp. Năm ngoái kim ngạch thương mại song phương trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm là 8,3 tỉ USD.
Thứ trưởng Taylor cho rằng, quy mô và chương trình làm việc của đoàn thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ của Mỹ với việc tăng cường thương mại nông nghiệp và lương thực với Việt Nam trong bối cảnh diễn ra sự thay đổi mạnh mẽ trong xu hướng người tiêu dùng.
Tiềm năng lớn
Các doanh nghiệp Hoa Kỳ nhìn thấy nhiều tiềm năng của thị trường Việt Nam – Thứ trưởng Taylor nói.
Việt Nam là thị trường hàng đầu của Hoa Kỳ cho các sản phẩm được chế biến tiếp theo như cotton. Ở đây cũng có rất nhiều cơ hội mới cho các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm Hoa Kỳ như hoa quả tươi, hàng hóa tiêu dùng.
Xu hướng tiêu thụ nhiều hơn các sản phẩm thịt và protein với sự gia tăng của tầng lớp trung lưu và việc họ hướng tới các sản phẩm đa dạng hơn cũng là mối quan tâm của các doanh nghiệp Hoa Kỳ.
Trong lĩnh vực chăn nuôi gia súc và protein của Việt Nam đang phát triển, đây là cơ hội để Hoa Kỳ xuất khẩu các sản phẩm gene đẳng cấp thế giới và các loại thức ăn chăn nuôi đi cùng.
Có nhiều loại quả Hoa Kỳ xuất khẩu sang Việt Nam và Việt Nam xuất khẩu nhiều quả nhiệt đới mà Hoa Kỳ không có. Theo Thứ trưởng Taylor, hai bên có lợi khi xuất khẩu các sản phẩm hoa quả sang nước kia.
Thứ trưởng Taylor nhấn mạnh: Nông nghiệp là lĩnh vực hai bên bổ trợ lẫn nhau và có thể giúp thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp trong nước.
Bà cũng cho biết, hai bên hợp tác chặt chẽ trong việc tăng cường thích ứng với biến đổi khí hậu và nông nghiệp bền vững.
Đây là ưu tiên lâu năm của hai bên cả ở cấp quốc gia và cấp bang, trong đó hai bên cùng tham gia nhiều diễn đàn về biến đổi khí hậu.
Việt Nam tham gia mạnh mẽ vào liên minh tăng cường năng suất bền vững và Hoa Kỳ có những chương trình song phương tăng cường khả năng thích ứng trong nông nghiệp của Việt Nam.
“Trong các cuộc làm việc với các quan chức chính phủ Việt Nam lần này, chúng tôi đã xác định danh sách các vấn đề thích ứng biến đổi khí hậu mà chúng ta cùng hợp tác” – Thứ trưởng Nông nghiệp Mỹ nói.
Bổ sung trong lĩnh vực này, bà Karen Ross, Bộ trưởng Nông nghiệp bang California cho biết:
Bang California có quan hệ lâu dài với Việt Nam, gần đây hai bên đã ký biên bản tăng cường khả năng thích ứng trong nông nghiệp. Hai bên đã xây dựng diễn đàn với sự tham gia của Đại học California về giảm methal, là mô hình cho thấy sự kết hợp giữa khối doanh nghiệp, chính phủ và học thuật về thích ứng với biến đổi khí hậu.