Cổ phiếu AGM tăng trần liên tiếp do bão Yagi?

Bão Yagi gây thiệt hại nặng cho các loại cây trồng chủ lực, nguy cơ thiếu hụt lương thực khiến giá trong nước biến động có thể đã làm gia tăng kỳ vọng của NĐT.

Đó là một trong những nguyên nhân mà lãnh đạo Công ty CP Xuất nhập khẩuAn Giang (HoSE: AGM) cho rằng đã khiến cho cổ phiếu của doanh nghiệp này tăng trần 05 phiên liên tiếp, và hiện vẫn đang tiếp tục tăng trần đến phiên thứ 7.

agm.jpg
Lãnh đạo AGM cho rằng, siêu bão Yagi đã gây thiệt hại nặng cho các loại cây trồng chủ lực như lúa, ngô tại các tỉnh miền Bắc. Nguy cơ thiếu hụt lương thực dẫn đến biến động tăng giá trong nước có thể đã làm gia tăng kỳ vọng của Nhà đầu tư – Ảnh: AGM.

Cụ thể, trong văn bản giải trình giá cổ phiếu tăng trần liên tiếp từ ngày 10 – 16/9/2024, Công ty CP Xuất nhập khẩu An Giang (HoSE: AGM) cho biết, hiện nay, theo tình hình thị trường, xuất khẩu Gạo của Việt Nam vẫn thuận lợi do nhu cầu nhập khẩu từ các khách hàng truyền thống tăng lên. Tuy nhiên, việc Ấn Độ đang xem xét nới lỏng chính sách xuất khẩu Gạo đang được xem là yếu tố có thể khiến thị trường xuất khẩu Gạo cuối năm 2024 có nhiều biến động.

Bên cạnh đó, lãnh đạo doanh nghiệp này cũng cho rằng, siêu bão Yagi đã gây thiệt hại nặng cho các loại cây trồng chủ lực như lúa, ngô tại các tỉnh miền Bắc. Nguy cơ thiếu hụt lương thực dẫn đến biến động tăng giá trong nước có thể đã làm gia tăng kỳ vọng của nhà đầu tư (NĐT).

“Giá cổ phiếu AGM tăng trần 5 phiên liên tiếp là do cung cầu trên thị trường chứng khoán, các quyết định giao dịch của Nhà đầu tư đối với cổ phiếu AGM nằm ngoài tầm kiểm soát của Công ty, Angimex không có sự tác động nào đến giá giao dịch của cổ phiếu AGM trên thị trường chứng khoán”, lãnh đạo AGM khẳng định.

Trước đó, HoSE đã có văn bản yêu cầu AGM phải công bố thông tin giải trình cổ phiếu tăng trần 5 phiên liên tiếp. Theo HoSE, qua công tác giám sát giao dịch cổ phiếu AGM của Công ty CP Xuất nhập khẩu An Giang, HoSE nhận thấy giá cổ phiếu AGM tăng trần năm (05) phiên liên tiếp từ ngày 10/9/2024 đến ngày 16/9/2024.

Căn cứ quy định tại điểm q khoản 1 Điều 11 Thông tư số 96/2020/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán: “Công ty đại chúng phải công bố thông tin bất thường trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi xảy ra một trong các sự kiện sau đây. Trường hợp công ty nhận biết được sự kiện, thông tin làm ảnh hưởng đến giá chứng khoán của chính công ty, công ty phải xác nhận hoặc đính chính về sự kiện, thông tin đó”.

Đồng thời, HoSE yêu cầu tổ chức niêm yết trong thời hạn 24 giờ kể từ khi giá cổ phiếu tăng trần hoặc giảm sàn từ năm (05) phiên liên tiếp trở lên phải báo cáo, công bố các thông tin liên quan đến công ty có ảnh hưởng đến biến động giá cổ phiếu.

cpagm.jpg
Cổ phiếu AGM đang có chuỗi tăng trần 7 phiên liên tiếp từ ngày 10 – 18/9, với mức tăng gần 58,6%.

Tính đến phiên giao dịch ngày hôm nay (18/9), cổ phiếu AGM đang tăng trần 7 phiên liên tiếp từ mức giá 2.850 đồng/cổ phiếu (ngày 10/9), lên 4.520 đồng/cổ phiếu (ngày 18/9), tương đương với mức tăng gần 58,6%, nhưng so với đỉnh giá thiết lập được hồi cuối tháng 3 năm nay là 8.490 đồng/cổ phiếu, mức giá này cũng chỉ bằng hơn một nửa. Thanh khoản cổ phiếu trung bình trong 7 phiên này cũng chỉ đạt khoảng 156.000 đơn vị cổ phiếu sang tay.

Điều khiến dư luận cũng như giới đầu tư quan tâm là cổ phiếu AGM tăng trần nhiều phiên liên tiếp trong bối cảnh kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này đang ngập chìm trong thua lỗ. Cụ thể, trong 2 năm 2022 – 2023, AGM thua lỗ lần lượt là hơn 234 tỷ đồng và 207 tỷ đồng.

Bước sang năm 2024, trong 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp này tiếp tục ghi nhận doanh thu sụt giảm hơn một nửa so với cùng kỳ, xuống còn gần 151 tỷ đồng; Lỗ ròng bán niên soát xét hơn 98 tỷ đồng. Qua đó, nâng tổng lỗ luỹ kế của doanh nghiệp lên hơn 264 tỷ đồng, bằng 145% vốn điều lệ, đồng thời vốn chủ sở hữu ghi nhận âm hơn 82 tỷ đồng.

Cũng do lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ thực góp tại báo cáo tài chính hợp nhất bán niên soát xét năm 2024, cổ phiếu AGM đã bị HoSE đưa vào diện cổ phiếu bị kiểm soát từ ngày 10/9. Ngay sau đó, doanh nghiệp này cũng đã đưa ra biện pháp và lộ trình khắc phục tình trạng cổ phiếu bị kiểm soát, với 04 giải pháp, cụ thể:

Thứ nhất, Công ty đang tích cực thực hiện tái cơ cấu toàn diện: Tối ưu hóa bộ máy quản lý, tinh gọn nhân sự, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh, tăng cường đôn đốc thu hồi những khoản nợ khó đòi đồng thời thanh lý tài sản, cơ cấu dần các khoản nợ để tạo lợi nhuận nhằm giảm bớt lỗ lũy kế.

Thứ hai, tiếp tục tìm kiếm nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để tiến hành thủ tục phát hành cổ phiếu riêng lẻ nhằm tăng quy mô vốn chủ sở hữu, qua đó bổ sung vốn lưu động phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh theo Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 05/11/2023, từ đó khắc phục được lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ thực góp.

Thứ ba, hoặc thực hiện phát hành cổ phiếu riêng lẻ để hoán đổi nợ trái phiếu thành cổ phiếu cho trái chủ theo Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 05/11/2023, qua đó tăng vốn điều lệ và cải thiện tình hình tài chính.

Thứ tư, trong những tháng cuối năm 2024, Công ty phấn đấu thanh lý một số tài sản, vốn góp, hoặc phát hành cổ phiếu riêng lẻ để có nguồn lực hoạt động, tạo được lợi nhuận trong năm 2024 nhằm bù đắp lỗ sao cho lỗ lũy kế không vượt vốn điều lệ.

Theo Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam