An toàn thông tin mạng đã trở thành trụ cột quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững của doanh nghiệp thời kỷ nguyên số.
Đây là một trong những nội dung được ông Lê Công Phú – Phó Giám đốc Trung tâm ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam nhấn mạnh tại toạ đàm “An toàn thông tin – yếu tố sống còn của doanh nghiệp trong kỷ nguyên số”.
Những năm qua, chuyển đổi số đang được thúc đẩy mạnh mẽ trong nền kinh tế. Từ thực tế hoạt động của doanh nghiệp, bà Bùi Thị Hải Yến – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân nữ Hà Nội chia sẻ: chuyển đổi số một mặt tạo ra những phương thức sản xuất mới, nâng cao năng suất lao động nhưng mặt khác đặt các doanh nghiệp trước những thách thức lớn về an toàn, an ninh mạng. Trong đó, có những thách thức về khả năng bảo vệ tài sản số, bao gồm hệ thống dữ liệu, thông tin của doanh nghiệp trên môi trường số.
Phân tích thêm về mức độ nghiêm trọng của các cuộc tấn công mạng, lãnh đạo Trung tâm ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam cho biết, các cuộc tấn công mạng trên thế giới ngày càng gia tăng với mức độ tinh vi, phức tạp. Thậm chí, có những cuộc tấn công còn được hậu thuẫn từ các tổ chức chuyên nghiệp nhằm thu thập dữ liệu, đánh cắp tin tức, các phát minh sáng kiến của tổ chức, doanh nghiệp…
Tại Việt Nam, từ đầu năm đến nay, hệ thống thông tin của nhiều doanh nghiệp đã bị tấn công. Hệ luỵ để lại không chỉ ảnh hưởng đến danh tiếng, gây thiệt hại về tài chính có thể lên đến hàng trăm tỷ đồng, chi phí cơ hội của doanh nghiệp mà còn tác động tiêu cực đến hoạt động bảo đảm an toàn không gian mạng quốc gia. “An toàn thông tin mạng vì thế không dừng lại là một vấn đề kỹ thuật mà còn là trụ cột quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững của doanh nghiệp trong kỷ nguyên số” – ông Lê Công Phú cho biết.
Với tính chất nghiêm trọng như trên, nếu các tổ chức không quan tâm đảm bảo an toàn thông tin, về lâu dài sẽ tác động đến sự sống còn của doanh nghiệp, khách hàng không có niềm tin để sử dụng sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp. Ngược lại, nâng cao nhận thức và thực hiện tốt an toàn thông tin giúp doanh nghiệp lớn mạnh, góp phần tạo dựng môi trường kinh doanh ổn định và đáng tin cậy.
Ở khía cạnh khác, theo số liệu của CNBC và Black Frog, khoảng 1/2 vụ vi phạm dữ liệu nhắm vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa; 87% người ra quyết định về công nghệ thông tin tại những doanh nghiệp này cho biết đã phải ứng phó với hơn 2 cuộc tấn công mạng.
“Mọi thứ đã thay đổi trong năm 2023 khi tấn công mã độc gia tăng chóng mặt. Thống kê cho thấy, hơn 740.000 máy tính bị nhiễm mã độc và thiệt hại gây ra cho người dùng tại Việt Nam là 716 triệu USD. Lỗ hổng từ yếu tố con người và công nghệ trở thành mục tiêu chính” – ông Nguyễn Quang Hoàn, Giám đốc An ninh thông tin của MISA cho hay.
Trước cơn bão tấn công mạng, các chuyên gia an ninh mạng nhấn mạnh các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cần nâng cao nhận thức, năng lực phòng thủ, chủ động phòng ngừa bằng cách tuân thủ các khuyến cáo đảm bảo an toàn thông tin. Đó là quét virus với các file được tải từ internet, email… trước khi mở; sử dụng xác thực 2 yếu tố cho tài khoản trực tuyến; sao lưu dữ liệu thường xuyên; ưu tiên sử dụng xác thực sinh trắc học (vân tay, khuôn mặt); tải ứng dụng ở các nguồn tin cậy…
Đặc biệt, thời gian gần đây, các doanh nghiệp đang quan tâm sử dụng các phần mềm SaaS – mô hình phân phối phần mềm nơi nhà cung cấp đám mây lưu trữ các ứng dụng và cho phép người dùng cuối truy cập qua internet để dữ liệu được bảo vệ tốt hơn. Ông Nguyễn Quang Hoàn cho biết thêm, SaaS đang trở thành xu hướng công nghệ bùng nổ trong kỷ nguyên số được các doanh nghiệp ưa chuộng bởi sự tiện lợi, linh hoạt và tiết kiệm chi phí, phù hợp với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo dự đoán của McKinsey & Company, tăng trưởng của giải pháp này có thể đạt 200 tỷ USD vào năm 2024.