Đằng sau quyết định rút khỏi Việt Nam của ACET?

Dù có bề dày hoạt động và được hậu thuẫn từ IDP Education, tuy nhiên Trung tâm Anh ngữ ACET đã quyết định ngừng hoạt động sau 20 năm tại Việt Nam.

Sự ra đi của ACET

Mới đây, Trung tâm Anh ngữ ACET, một trong những tổ chức đào tạo tiếng Anh hàng đầu tại Việt Nam, thuộc sở hữu của IDP Education, vừa thông báo sẽ ngừng hoạt động hoàn toàn tại Việt Nam vào cuối năm 2024.

Trung tâm Anh ngữ ACET thông báo sẽ ngừng hoạt động tại Việt Nam vào cuối năm 2024.

Như vậy, sau hơn hai thập kỷ đóng góp vào nền giáo dục tiếng Anh tại Việt Nam, ACET đã phải đưa ra một quyết định khó khăn trong bối cảnh đang có một sự cạnh tranh khốc liệt giữa các trung tâm ngoại ngữ trong nước. Quyết định dừng hoạt động của ACET đánh dấu sự kết thúc của một trung tâm lớn trong lĩnh vực đào tạo ngoại ngữ và phản ánh những thách thức mà các trung tâm này đang phải đối mặt tại Việt Nam.

ACET được thành lập từ đầu những năm 2000 và nhanh chóng trở thành một trong những trung tâm đào tạo tiếng Anh uy tín. Được quản lý bởi IDP Education, tổ chức giáo dục quốc tế, có trụ sở chính tại Úc và có mặt tại hơn 32 quốc gia trên toàn cầu. IDP Education chuyên cung cấp các dịch vụ giảng dạy tiếng Anh và tư vấn du học, cũng như đồng sở hữu và tổ chức kỳ thi IELTS trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, sau hơn 20 năm hoạt động, trung tâm này đã đưa ra quyết định khó khăn là dừng hoạt động từ ngày 31 tháng 12 năm 2024. Thông tin này đã làm dấy lên những câu hỏi về tương lai của các học viên, giáo viên và có thể có những tác động lớn đến thị trường giáo dục tiếng Anh tại Việt Nam.

Trước khi thông báo đóng cửa, ACET có 4 cơ sở gồm: 2 tại TP HCM (187 Võ Thị Sáu, Phường 7, Quận 3; 226 Lê Văn Sỹ, Phường 1, Quận Tân Bình ) và 2 tại Hà Nội (tòa nhà Ocean Park, 1 Đào Duy Anh; 15-17 Ngọc Khánh, Giảng Võ, Ba Đình).

Gặp khó với thị trường cạnh tranh

Việt Nam từ lâu đã trở thành thị trường tiềm năng cho các tổ chức giáo dục tiếng Anh, nhờ vào nhu cầu học ngoại ngữ ngày càng tăng trong bối cảnh toàn cầu hóa. Tiếng Anh không chỉ là công cụ hỗ trợ trong học tập mà còn là yếu tố quan trọng giúp người lao động cạnh tranh trong thị trường việc làm quốc tế. Nhiều trung tâm Anh ngữ, bao gồm các thương hiệu quốc tế như ILA, VUS, British Council, và Apollo, đã hoạt động tích cực tại Việt Nam.

apollo.jpg
Việt Nam là một trong những thị trường giáo dục tiếng Anh phát triển nhanh nhất tại Đông Nam Á.

Theo một báo cáo từ Hội đồng Anh (British Council), Việt Nam là một trong những thị trường giáo dục tiếng Anh phát triển nhanh nhất tại Đông Nam Á. Tuy nhiên, cùng với sự gia tăng của các đối thủ trong nước và quốc tế, các trung tâm Anh ngữ cũng đang phải đối mặt với áp lực lớn từ sự cạnh tranh gay gắt và yêu cầu chất lượng ngày càng cao từ học viên. Thị trường giảng dạy tiếng Anh hiện nay không chỉ đòi hỏi về mặt chuyên môn mà còn yêu cầu về công nghệ giảng dạy và dịch vụ hỗ trợ khách hàng, khiến nhiều trung tâm phải thay đổi để theo kịp xu thế.

Việc ACET rời khỏi thị trường có thể là một chỉ dấu cảnh báo cho các trung tâm Anh ngữ khác về những thách thức mà họ phải đối mặt. Trên thực tế, các trung tâm Anh ngữ tại Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì và mở rộng thị phần vì nhiều yếu tố. Đầu tiên, đó là sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt của thị trường. Các tổ chức giáo dục quốc tế ngày càng gia tăng sự hiện diện tại Việt Nam, mang đến chương trình học tiên tiến và các chứng chỉ có giá trị toàn cầu. Điều này gây áp lực lớn lên các trung tâm Anh ngữ trong nước về việc cải thiện chất lượng và đa dạng hóa dịch vụ.

Bên cạnh đó, đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong giáo dục. Nhiều học viên hiện nay ưa chuộng các khóa học trực tuyến do tính linh hoạt và chi phí thấp hơn. Các trung tâm truyền thống nếu không bắt kịp xu hướng này sẽ khó có thể duy trì hoạt động lâu dài.

Trong khi đó, chi phí vận hành và đầu tư cơ sở vật chất cũng là một yếu tố rất quan trọng. Với một số trung tâm lớn như ACET chẳng hạn, chi phí đầu tư vào cơ sở vật chất và công nghệ giảng dạy cao đã trở thành gánh nặng, đặc biệt khi thị trường ngày càng bão hòa. Việc duy trì chất lượng giảng dạy và dịch vụ hỗ trợ học viên đòi hỏi nguồn vốn lớn, điều này tạo ra thách thức cho các trung tâm có quy mô vừa và nhỏ.

Ngoài ra, một trong những yếu tố quan trọng khác là việc các trung tâm buộc phải đáp ứng được yêu cầu về đội ngũ giáo viên chất lượng cao. Đây là yếu tố cốt lõi giúp các trung tâm Anh ngữ thu hút và giữ chân học viên. Tuy nhiên, việc tìm kiếm và duy trì đội ngũ giáo viên nước ngoài có trình độ và kinh nghiệm cao là một thách thức lớn, đặc biệt trong bối cảnh chi phí thuê giáo viên tăng lên do các quy định nhập cư ngày càng khắt khe.

Với việc ACET ngừng hoạt động, hàng nghìn học viên sẽ phải tìm kiếm các lựa chọn thay thế để hoàn thành mục tiêu học tiếng Anh của mình. Điều này có thể dẫn đến sự thay đổi về thị phần giữa các trung tâm Anh ngữ, với việc các trung tâm như ILA và VUS có thể thu hút lượng học viên lớn từ ACET. Tuy nhiên, các trung tâm này cũng sẽ đối mặt với áp lực về việc duy trì chất lượng giảng dạy và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của học viên.

Tuy nhiên, sự ra đi của ACET cũng là cơ hội cho các trung tâm mới nổi hoặc các nền tảng học trực tuyến. Nhiều học viên có thể chuyển hướng sang các khóa học trực tuyến hoặc các hình thức học tập linh hoạt hơn. Điều này thúc đẩy sự phát triển của các ứng dụng học tiếng Anh và các nền tảng e-learning, giúp giảm chi phí học tập và mang lại nhiều lựa chọn cho người học.

Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt và yêu cầu cao về chất lượng, sự ra đi của ACET có thể là bước ngoặt cho các trung tâm giáo dục khác, buộc họ phải suy nghĩ lại về chiến lược phát triển và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường.

Theo Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp