Vấn đề thúc đẩy xử lý nợ trái phiếu để khơi thông dòng vốn đang được đặt ra cấp bách trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp liên tục hoãn nghĩa vụ thanh toán nợ trái phiếu do không thể thu xếp được dòng tiền, khiến nợ xấu trái phiếu tăng cao.
Nỗi lo nợ xấu trái phiếu
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam thời gian gần đây đã bắt đầu có sự phục hồi tích cực với lượng phát hành tăng mạnh và tâm lý thị trường được cải thiện.
Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn, tồn đọng, đặc biệt là các khoản nợ trái phiếu, trái phiếu chậm trả cần được thúc đẩy xử lý để khơi thông dòng vốn. Thực tế trong hai năm vừa qua, nhiều doanh nghiệp liên tục hoãn nghĩa vụ thanh toán, bao gồm các khoản nợ trái phiếu quá hạn do không thể thu xếp được dòng tiền. Đáng chú ý, nhiều tổ chức phát hành có dư nợ trái phiếu cao với bức tranh tài chính kém tích cực như SDI Corp, Saigon Glory, Hưng Thịnh Land, Hưng Thịnh Quy Nhơn…
Áp lực đáo hạn luôn là rủi ro hiện hữu đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp khi lượng trái phiếu đáo hạn trong quý IV/2024 và 2025 còn cao, trong đó trái phiếu nhóm doanh nghiệp bất động sản có rủi ro quá hạn và tiềm ẩn nợ xấu cao hơn hẳn trung bình thị trường.
Theo ước tính của VIS Rating, trong cả năm 2024, khoảng 40.000 tỉ đồng trái phiếu có rủi ro cao đến từ 35 tổ chức phát hành, phần lớn là các doanh nghiệp bất động sản và xây dựng. Các doanh nghiệp này có khả năng trả nợ ở mức thấp, thể hiện ở tỉ lệ nợ/vốn chủ sở hữu ở mức rất cao, nguồn lực tiền mặt/giá trị trái phiếu đáo hạn thiếu hụt, biên lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay ở mức thấp so với các tổ chức phát hành khác.
Trong 12 tháng tới, khoảng 20% trong tổng giá trị 259.000 tỉ đồng trái phiếu sẽ đáo hạn có rủi ro cao bị chậm trả; 90% trong số đó từng chậm trả lãi trái phiếu ít nhất một lần và doanh nghiệp có tỉ lệ đòn bẩy cao, nguồn tiền mặt thấp, đặc biệt với nhóm doanh nghiệp bất động sản.
Đáng chú ý, Nghị định 08/2023/NĐ-BTC của Chính phủ cho phép các doanh nghiệp giãn, hoãn nợ 2 năm; đến năm 2025, nhiều lô trái phiếu sẽ hết thời gian được giãn, hoãn thời hạn trả nợ, vì vậy, các chuyên gia lo ngại lượng trái phiếu chậm trả gốc và lãi có thể tăng trở lại từ nửa sau 2025 và tiếp tục tăng trong năm 2026.
Xử lý nợ xấu trái phiếu thế nào?
TS Cấn Văn Lực – chuyên gia Kinh tế cho rằng, về cơ bản, 60% doanh nghiệp đã gia hạn được 2 năm, các doanh nghiệp chủ động mua lại trái phiếu theo điều kiện phát hành và bắt đầu phát hành trở lại giảm áp lực vốn. Ngoài ra, thị trường bất động sản ấm lên, doanh nghiệp sẵn sàng bán tài sản để trích ra một phần trả nợ.
Do vậy, TS Cấn Văn Lực đánh giá, hiện tượng vỡ nợ trái phiếu ít khả năng xảy ra vì khó khăn nhất đã qua, có nhiều giải pháp đồng bộ để giải quyết. Thực tế, doanh nghiệp bất động sản khi chào bán sản phẩm không cần chiết khấu 40 – 50% như thời gian trước, chiết khấu khoảng 10% đã bán được rồi.
Bên cạnh đó, trong việc xử lý nợ xấu trái phiếu doanh nghiệp, các chuyên gia nhận định, việc tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án bất động sản đóng vai trò quan trọng hàng đầu, từ đó các ngân hàng có thể rót vốn giải ngân để dự án được triển khai đúng tiến độ.
Theo đó, ông Nguyễn Quang Thuân – Tổng Giám đốc FiinRatings đề xuất phải tháo gỡ pháp lý bất động sản. Khi tháo gỡ được vấn đề này, khối nợ trái phiếu doanh nghiệp có thể xử lý trong khoảng 2-3 năm. Vì nguồn tiền lớn nhất của doanh nghiệp bất động sản không phải là tiền vay ngân hàng hay trái phiếu, mà là tiền từ khách hàng. Từ quan điểm này, ông Thuân cho rằng, ngoài việc hỗ trợ giải cứu trái phiếu doanh nghiệp, giải pháp phục hồi thị trường bất động sản cũng rất quan trọng.
“Chủ trương của Chính phủ là khuyến khích phân khúc nhà cấp trung và thấp. Vì vậy chúng ta cần ưu tiên tháo gỡ, phát triển phân khúc này, từ đó khơi dòng vốn để doanh nghiệp hồi phục lại. Đây là cách gián tiếp gỡ, để thị trường vốn hạ cánh mềm và bắt đầu đi vào chiều sâu. Không nên chỉ tập trung vào giải cứu trái phiếu mà điều quan trọng nhất là tháo gỡ pháp lý bất động sản. Khi đó, việc xử lý nợ quá hạn sẽ trở nên rất dễ dàng” – ông Thuân nhấn mạnh.