Giá cà phê xuất khẩu lao dốc ngay trước thềm vụ thu hoạch mới

Thông tin cơ bản xoay chiều, cùng sự dịch chuyển dòng tiền khi căng thẳng địa chính trị leo thang là nguyên nhân hàng đầu gây sức ép lên giá cà phê xuất khẩu.

Sự dịch chuyển dòng tiền liên thị trường gây sức ép lên giá cà phê

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), khép lại tuần giao dịch vừa qua, giá cà phê Arabica quay đầu giảm 4,38% từ mức cao nhất trong 13 năm; giá cà phê Robusta đánh mất gần 8% so với tham chiếu xuống mức hơn 5.000 USD/tấn. Thông tin cơ bản xoay chiều, kết hợp cùng sự dịch chuyển dòng tiền liên thị trường khi căng thẳng địa chính trị leo thang là những nguyên nhân hàng đầu gây sức ép lên giá.

Giá cà phê Arabica quay đầu giảm 4,38% từ mức cao nhất trong 13 năm; giá cà phê Robusta đánh mất gần 8% so với tham chiếu xuống mức hơn 5.000 USD/tấn

Cơ quan dự báo thời tiết tại Brazil cho biết mưa có thể trở lại vùng Đông Nam – khu vực trồng cà phê chính của Brazil từ tuần này. Và trong 10 ngày tới, độ ẩm tại vùng Đông Nam có thể cao hơn mức bình thường 20-85 mm. Điều này sẽ tạo điều kiện cho cây cà phê phục hồi và phát triển.

Thêm vào đó, triển vọng sản lượng và xuất khẩu cà phê tích cực hơn từ một số quốc gia sản xuất cà phê hàng đầu thế giới cũng làm gia tăng sức ép lên giá cà phê trong tuần qua. Honduras, quốc gia trồng cà phê lớn nhất Trung Mỹ dự kiến xuất khẩu 5,37 triệu bao, tăng 14,5% so với vụ trước nhờ sản lượng tăng trong năm nay. Trước đó, chính phủ Indonesia công bố, xuất khẩu cà phê trong tháng 8 của nước này vượt 19.000 tấn, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, Ủy ban châu Âu đã đề xuất hoãn thời gian thi hành Quy định chống phá rừng của EU (EUDR) thêm 12 tháng. Sự gia hạn này có thể khiến các nhà nhập khẩu cà phê từ châu Âu tạm thời ngừng nhập hàng ồ ạt (đảm bảo đủ nguồn cung trước khi không thể nhập cà phê do quy định mới được thi hành), từ đó giúp cung – cầu cà phê trên thị trường trở lại cân bằng.

Thông báo từ Ủy ban châu Âu (EC) cho biết “Các đối tác thương mại đã phản hồi về những khó khăn trong việc chuẩn bị để đáp ứng những quy định. Do đó, Ủy ban đã đề xuất cho các bên liên quan gia hạn thêm thời gian”. Đồng thời, EC công bố hướng dẫn tuân thủ chi tiết cho các nhà xuất khẩu, theo Financial Times.

Trước đó, 27 hiệp hội doanh nghiệp châu Âu, đại diện cho nông dân, nhà xuất bản và nhà sản xuất, đã kêu gọi hoãn thực hiện luật này. Đức và một số quốc gia khác cũng ủng hộ yêu cầu này. Các nhóm ngành khác cũng cảnh báo nguy cơ thiếu hụt nguồn cung và giá các sản phẩm thiết yếu như cà phê, đậu nành, thịt bò và cao su sẽ tăng lên.

Về thị trường tuần này, chuyên gia cho hay, vị thế kinh doanh trên 2 sàn vẫn đang dư mua. Căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông đẩy đồng USD liên tục tăng cao. Cuộc đình công tại các cảng bờ Đông nước Mỹ cơ bản được giải quyết. Đây là những nhân tố làm giảm giá cà phê 2 sàn thời gian qua và tiếp tục giảm thời gian tới.

Giá cà phê xuất khẩu trong 9 tháng tăng 55,7%

Theo ước tính mới nhất của Tổng cục Thống kê, trong tháng 9, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 52.464 tấn, trị giá 287 triệu USD, giảm sâu 31,2% về lượng và 28,7% về trị giá so với tháng trước, còn so với cùng kỳ năm ngoái tăng 3% và tăng tới 70,1% về trị giá.

Tổng cộng trong quý III vừa qua, xuất khẩu cà phê đạt 214.935 tấn, trị giá 1,12 tỷ USD, giảm 12,1% về lượng nhưng tăng 52,6% về trị giá so với quý III/2023.

Luỹ kế trong 9 tháng năm 2024, xuất khẩu mặt hàng này ước đạt 1,1 triệu tấn, trị giá gần 4,3 tỷ USD, giảm 11,5% về lượng nhưng tăng mạnh 37,8% về trị giá so với cùng kỳ nhờ giá tăng cao.

Trong tháng 9, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 52.464 tấn, trị giá 287 triệu USD. Ảnh: TH

Giá cà phê xuất khẩu bình quân trong 9 tháng đầu năm đạt 3.889 USD/tấn, tăng 55,7% so với cùng kỳ năm trước.

Tính riêng trong tháng 9, giá cà phê xuất khẩu bình quân đạt mức cao kỷ lục mới là 5.469 USD/tấn, tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 65,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, thị trường cà phê Việt Nam vẫn ảm đạm khi các thương nhân chờ đợi nguồn cung từ vụ thu hoạch mới 2024-2025.

Theo Hiệp hội cà phê – ca cao Việt Nam, dự báo cho niên vụ 2024-2025, Việt Nam đối mặt nhiều thách thức do điều kiện thời tiết không thuận lợi, đặc biệt là hiện tượng El Nino gây khô hạn và tình trạng sâu bệnh. Sản lượng cà phê dự kiến giảm 5-15% so với niên vụ trước, khiến tổng sản lượng tiếp tục đi xuống.

Theo dự báo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), giá cà phê sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong tháng tới do nguồn cung giảm, nhu cầu tăng. Sản lượng cà phê niên vụ 2024-2025 tại Việt Nam dự kiến giảm mạnh, về mức thấp nhất 13 năm.

Trong khi đó, thị trường tiêu dùng cà phê chính thống ở Bắc bán cầu đang dần trở lại sau kỳ nghỉ hè, sẽ góp phần thúc đẩy một số hoạt động giao dịch cà phê thực trong những tháng tới trước thời điểm rang cà phê mùa đông ở châu Âu và Mỹ.

Trái với dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) về vụ thu hoạch tới, nhiều người trong ngành cho rằng, sản lượng chắc chắn giảm do thời tiết bất lợi và diện tích trồng bị thu hẹp. Theo đó, sản lượng cà phê niên vụ tới có thể tiếp tục giảm khoảng 15% so với niên vụ hiện tại. Lý do một phần diện tích cà phê bị thu hẹp, ngoài ra, trong mùa khô vừa qua hạn hán khá nghiêm trọng. Thông thường thời điểm tháng 5,6 là giai đoạn quả cà phê phát triển nhanh chóng nhưng năm nay do thiếu nước nên hạt sẽ bị nhỏ.

Đồng thời, tồn kho của vụ 2023-2024 chuyển sang vụ tới cũng không còn. Do đó, nguồn cung sẽ tiếp tục hạn chế. Trong vụ hiện tại, tình trạng khan hàng đã xảy ra ngay từ tháng 5. Theo các doanh nghiệp, thời điểm tháng 10 là lúc Việt Nam vào vụ thu hoạch, điều này khiến cơn sốt giá cà phê hạ nhiệt và là yếu tố đẩy thị trường giảm.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết trên thị trường nội địa, giao dịch mua bán cà phê diễn ra khá trầm lắng do nguồn cung khan hiếm. Thị trường dự kiến sẽ sôi động hơn trong thời gian tới khi vụ thu hoạch mới được bắt đầu.

theo Báo Công Thương