EVN lỗ gần 22.000 tỷ đồng một năm

Theo Bộ Công Thương, năm 2023 Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lỗ hơn 34.240 tỷ đồn, tuy nhiên do có hơn 12.420 tỷ đồng từ một số nguồn thu khác trong sản xuất kinh doanh điện nên cả năm EVN lỗ gần 22.000 tỷ đồng.

Bộ Công Thương cho biết, kết quả kiểm tra cho thấy tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2023 là gần 530.000 tỷ đồng, bao gồm chi phí sản xuất kinh doanh điện của các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối – bán lẻ điện và phụ trợ – quản lý ngành, tăng hơn 35.338 tỷ đồng (tăng 7,16%) so với năm 2022.

Giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2023 là 2.088,90 đồng/kWh, tăng 2,79% so với năm 2022. Tổng chi phí khâu phát điện là 441.356,37 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phát điện theo điện thương phẩm là 1.744,12 đồng/kWh. So với năm 2022, chi phí khâu phát điện năm 2023 tăng hơn 29.112 tỷ đồng.

Tổng chi phí khâu truyền tải điện là 18.879,15 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu truyền tải điện theo điện thương phẩm là 74,61 đồng/kWh. Tổng chi phí khâu phân phối – bán lẻ điện hơn 66.773 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phân phối – bán lẻ điện theo điện thương phẩm là 263,87 đồng/kWh.

Theo Bộ Công Thương, năm 2023, EVN lỗ tổng cộng hơn 21.821 tỷ đồng.

“Tổng chi phí khâu phụ trợ – quản lý ngành hơn 1.595 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phụ trợ – quản lý ngành theo điện thương phẩm 6,31 đồng/kWh. Tổng khoản bù giá cho chi phí sản xuất kinh doanh điện tại các xã, huyện đảo chưa nối lưới điện quốc gia hơn 428 tỷ đồng”, Bộ Công Thương cho hay.

Kết quả kiểm tra cũng cho thấy, doanh thu bán điện thương phẩm năm 2023 hơn 494.359 tỷ đồng, tăng 8,18% so với năm 2022. Giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện là 1.953,57 đồng/kWh, tăng 3,76% so với năm 2022.

Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2023 của EVN bị lỗ hơn 34.240 tỷ đồng. Tuy nhiên, do có thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện trong năm hơn 12.420 tỷ đồng nên EVN bị lỗ tổng cộng gần 22.000 tỷ đồng.

“Giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2023 vẫn còn khoản chênh lệch tỷ giá hơn 18.032 tỷ đồng chưa được tính vào giá điện. Đây là khoản chi phí thực hiện theo hợp đồng mua bán điện của các đơn vị phát điện phần còn lại năm 2019 và khoản chênh lệch tỷ giá theo hợp đồng mua bán điện các năm từ 2020 – 2023”, Bộ Công Thương cho hay.

Theo Bộ Công Thương, tham gia kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2023 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có đại diện Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Hội Điện lực Việt Nam, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

theo Báo Tiền Phong